Đổi mới công nghệ quốc gia: Phải từ tư duy muốn đổi mới

09:33, 27/02/2009

Bộ KHCN đang xây dựng Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia. Đây chính là cú hích tương tác tích cực cho DN đổi mới, làm chủ KHCN có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên, sự đổi mới chỉ có thể diễn ra khi chính DN muốn có sự đổi mới.


 
 Dây chuyền hiện đại của Licogi.
Doanh nghiệp thiếu chiến lược KHCN

Cần "đả phá" ngay vào căn bệnh cố hữu tồn tại dai dẳng bấy lâu nay là sự sự trì trệ, tư duy ỷ lại vào sự bao cấp từ Nhà nước. Đây là lý do chính và là rào cản lớn khiến nền KHCN VN bấy lâu nay chậm tiến.

Theo PGS.TS Hoàng Trần Hậu (Liên hiệp các Hội KHKT VN) thì: Phần lớn DN (cả nhà nước và tư nhân) hiện vẫn trông chờ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) để đầu tư cho KHCN. Chính từ sự "nhờ cậy" này mà số đông DN chưa chủ động huy động nguồn vốn từ các kênh khá.

Theo kết quả khảo sát có đề tài "Giải pháp huy động và sử dụng nguồn tài chính cho nghiên cứu KHCN trong khu vực DN ở VN" thì gần 80% DN được khảo sát không có chiến lược đầu tư cho KHCN. Có tới 63,45% (125/197 DN) "trông chờ" vào NSNN hỗ trợ từ Nhà nước; 20,8% (41/197 DN) huy động từ tài trợ tín dụng. Còn lại chỉ có 15,7% DN huy động từ lợi nhuận sản xuất kinh doanh.

Đề tài cũng chỉ rõ: 41% DN có quan tâm đến KHCN cho biết hiệu quả của nguồn tài chính cho KHCN không rõ ràng; 37% DN cho rằng hiệu quả thấp và chỉ có 22% cho rằng hiệu quả cao.

Trong khi đó, theo báo cáo sơ kết thực hiện Nghị định 119 của Chính phủ về Hỗ trợ DN nghiên cứu, đổi mới công nghệ lại cho thấy: Trong 6 năm (2002-2007) Bộ KHCN chỉ nhận được đề xuất của gần 500 DN xin hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Song chỉ có 111 DN được Bộ KHCN phê duyệt, hỗ trợ với với tổng kinh phí 105,819 tỉ đồng (đạt 13% kế hoạch). Đặc biệt, trong số 111 DN được hỗ trợ, chỉ có 51 DN thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh với kinh phí 45 tỉ đồng.

Theo TS Nguyễn Tường Vân (Bộ Công thương) thì những DN được xét duyệt hỗ trợ cũng chỉ được 30% kinh phí nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Trong khi phần lớn số DN đề nghị hỗ trợ theo Nghị định 119 có số vốn nhỏ nên khả năng huy động 70% vốn còn lại rất khó khăn.

Với những con số và hiện thực diễn ra thì đủ thấy: DN đang quá trông chờ vào phần vốn, vào sự đầu tư công nghệ từ Nhà nước. Thậm chí một bộ phận không nhỏ còn "xa lánh" công nghệ. Chính từ sự thiếu chiến lược đầu tư, đổi mới KHCN đã khiến chính các DN này "sa lầy" vào sự lạc hậu, chậm tiến về công nghệ.

Cú hích chứ không phải là đầu kéo

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện Bộ KHCN cho biết mục tiêu chính của chương trình hướng đến là khối DN vừa và nhỏ - nơi tập trung công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và nguồn tài chính cho việc đổi mới công nghệ còn hạn chế.

Cụ thể, chương trình sẽ tập trung vào huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho đổi mới công nghệ là chính. Trong đó Nhà nước chỉ đầu tư 1/3 kinh phí hỗ trợ. Trọng tâm của chương trình nhằm nâng tỉ lệ DN có bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) lên mức từ 1-5%. Nhà nước sẽ không cấp tiền cho DN để "trang điểm" dây chuyền, thiết bị KHCN mà đòi hỏi nhận được sự nỗ lực xứng đáng từ sự "đối ứng" của DN.

Đại diện Bộ KHCN khẳng định: Chương trình là cú hích tích cực, chứ không phải là "đầu kéo" cho các DN. Chỉ có tự thân các DN đầu tư cho bộ phận R&D, có người giỏi và giữ được người giỏi mới mong phát triển bền vững.

Đồng tình quan điểm này, TS Mai Hà (Bộ KHCN) cho biết: Để thực hiện chương trình này, một mặt Nhà nước sẽ khuyến khích các DN đổi mới công nghệ hoặc khuyến khích DN đầu tư khai thác các thế mạnh.

Ông Trần Việt Thanh - Chánh Văn phòng Bộ KHCN - cho biết thêm: Khác với Nghị định 119 về Hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia chỉ tập trung vào các nội dung ưu đãi mang tính chất hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN chứ không phải làm thay DN.

Theo đó, các vấn đề được ưu đãi gồm thuế suất thuế thu nhập DN cho các hoạt động ứng dụng công nghệ, dịch vụ KHCN; miễn giảm thuế thu nhập DN đối với thu nhập từ việc thực hiện các hợp đồng nghiên cứu-phát triển, hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết công nghệ...
 
Bên cạnh đó, DN cũng được trích 50% thu nhập tăng thêm sau thuế trong 3 năm do áp dụng công nghệ mới để đầu tư lại cho KHCN và trích thưởng cho cá nhân, tập thể có công nghiên cứu, tạo ra công nghệ mới và áp dụng công nghệ đó.

Ngoài ra, những DN tích cực đổi mới công nghệ còn được ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm, trạm, trại sản xuất thực nghiệm... Những ưu đãi này sẽ được thực hiện một cách thông thoáng ngay từ địa phương, cơ sở.

Với cú hích này, giới KHCN cho rằng Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia sẽ là tiền đề để các DN chú trọng vào việc nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Qua đó tự chủ vào chiến lược phát triển, bớt lệ thuộc và phát triển bền vững.


Lao động

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

90% người dùng VN chỉ sử dụng 10% tính năng MS Office
Một khảo sát của IBM cho thấy đa số người sử dụng trong nước chỉ cần đến những công cụ cơ bản trong gói ứng dụng văn phòng của Microsoft, do đó việc đầu tư hàng trăm USD để mua sản phẩm này là một sự lãng phí.
27/02/2009
Hộp thư Gmail của hãng Google gặp sự cố
Một trong những dịch vụ E-mail nổi tiếng nhất thế giới và được nhiều người dùng nhất hiện nay là Gmail của hãng Google.
26/02/2009
Việt Nam công bố lỗ hổng trong công nghệ nhận dạng tại Mỹ
Trước sự chứng kiến của các chuyên gia công nghệ, diễn giả và giới báo chí đến từ nhiều quốc gia trên thế giới tham dự hội thảo an ninh mạng Black Hat, các chuyên gia của Trung tâm An ninh mạng Bkis Việt Nam, đã công bố lỗ hổng trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt trên các máy tính xách tay của 3 nhà sản xuất Asus, Lenovo và Toshiba.
23/02/2009
Ấn tượng Sony Ericsson Idou chụp ảnh 12 megapixel
Idou là chiếc điện thoại chụp ảnh có độ phân giải lớn nhất trên thị trường vừa được Sony Ericsson ra mắt tại Hội nghị MWC đang diễn ra tại Barcelona.
20/02/2009