Các nguyên tắc của Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT)
HGĐT- Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) là một trong những hiệp định đa phương được Việt Nam cam kết sẽ thực hiện đầy đủ kể từ khi gia nhập WTO.
Máy nông nghiệp được nhập khẩu theo Hiệp định Hàng rào kỹ thuật TBT. |
Ở Việt Nam, những hàng rào như quy định tỷ lệ nội địa hoá các chi tiết trong sản xuất, lắp ráp xe máy, ô tô; việc hạn chế nhập khẩu xe máy, ô tô cũ cũng mang khía cạnh kỹ thuật. Những quy định này, nếu xét về mục đích tạo việc làm, phát triển công nghiệp nội địa hay bảo vệ môi trường, hạn chế tai nạn giao thông thì mang lại lợi ích đối với chúng ta. Nhưng lại ảnh hưởng đến thương mại của các nước khác muốn xuất khẩu ô tô, xe máy sang Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, có những cái trước đây được coi là bình thường, hợp đạo lý nhưng đối với việc hội nhập WTO thì lại có thể nảy sinh những hạn chế. Và như thế nếu chúng ta muốn gia nhập tổ chức này, thì phải điều chỉnh các quy định cho phù hợp với các nguyên tắc chung.
Để điều chỉnh những vấn đề kỹ thuật của hàng hoá trong thương mại giữa các nước thành viên, WTO có Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là Hiệp định TBT - Technical Bariers to Trade), trong đó đề ra các nguyên tắc như không phân biệt đối xử, không cản trở thương mại, công khai minh bạch về các biện pháp kỹ thuật mà các nước sử dụng, hài hoà tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, thừa nhận lẫn nhau các kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định chất lượng...
Không phân biệt đối xử về các tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá: Hiệp định đòi hỏi các thành viên áp dụng Quy chế tối huệ quốc và Quy chế đối xử quốc gia khi đưa ra các quy định quản lý kỹ thuật. Có nghĩa là, các quy định này phải đảm bảo có sự đối xử như nhau giữa các nước thành viên và giữa hàng hoá sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu vào nước mình.
Không cản trở thương mại: Hiệp định TBT yêu cầu các nước thành viên áp dụng tiêu chuẩn quốc tế như ngôn ngữ kỹ thuật thống nhất đối với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá. Điều này có nghĩa là, một khi tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng thì không có hàng rào kỹ thuật được tạo ra đối với thương mại giữa các nước thành viên. Nhưng như vậy có bình đẳng hay không khi yêu cầu tất cả các nước dù là đang phát triển hay đã phát triển đều phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế mới không cản trở thương mại? Thực ra, Hiệp định TBT không bắt buộc các nước phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế một cách như nhau (vì có trình độ phát triển khác nhau), điều mà Hiệp định quan tâm hơn chính là không cho phép các nước đưa ra yêu cầu cao hơn tiêu chuẩn quốc tế, nếu không chứng minh được việc đưa ra như vậy là có căn cứ khoa học và là cần thiết vì những mục đích hợp pháp như bảo vệ an toàn, vệ sinh, môi trường hay an ninh. Một nước có thể áp dụng tiêu chuẩn hàng hoá thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế do khả năng công nghệ, trình độ quản lý và nhận thức chưa đầy đủ của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp này, nước đó cũng chỉ được đưa ra yêu cầu tương tự đối với hàng nhập khẩu, bằng không sẽ vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử. Hiển nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá dưới mức tiêu chuẩn quốc tế trước hết sẽ làm cho người tiêu dùng không được an toàn trong sử dụng hàng hoá, môi trường dễ bị ô nhiễm hơn...; tiếp đến là làm cho hàng hoá xuất khẩu của các nước đang phát triển khó có khả năng cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Như vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế là con đường phải đi nếu muốn phát triển thương mại và nâng cao đời sống nhân dân.
Công khai, minh bạch:Điều dễ hiểu chính là thông qua nguyên tắc này để thực thi và giám sát thực thi đối với hai nguyên tắc đã đề cập ở trên. Vì vậy, Hiệp định TBT đưa ra nhiều quy định để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch này. Ví dụ, trước khi một thành viên muốn ban hành một quy định để quản lý tiêu chuẩn, chất lượng hay kỹ thuật đối với một hàng hoá nào đó có khả năng chứa đựng các yếu tố gây cản trở thương mại hay phân biệt đối xử thì nước đó phải thông báo cho các nước khác biết về việc đó, trong một thời hạn nhất định trước khi ban hành. Mục đích là để các nước khác xem xét và góp ý kiến đối với dự thảo quy định đó. Và nếu các nước cho rằng, việc ban hành quy định này là trái với nguyên tắc của Hiệp định TBT thì thành viên đó phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp. Việc công khai minh bạch không chỉ có lợi cho các thành viên khác, mà còn có lợi cho cả các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước, vì quy định đưa ra để áp dụng chung cho cả hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá sản xuất trong nước. Các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước có quyền góp ý trước khi một quy định quản lý ra đời, để đảm bảo lợi ích của mình với tư cách là một bên chịu ảnh hưởng bởi quyết định quản lý đó.
Ngoài ra, Hiệp định TBT còn khuyến khích các nước thành viên ký kết các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau đối với kết quả thử nghiệm, chứng nhận, kiểm tra, giám định chất lượng hàng hoá. Việc ký các thoả thuận này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong việc giảm chi phí và thời gian do không phải thử nghiệm lại, giám định lại chất lượng tại cảng của nước nhập khẩu hàng hoá.
Ý kiến bạn đọc