Nhìn lại công tác nghiên cứu khoa học công nghệ
HGĐT- Đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình phát triển KT-XH. Đặc biệt, ở những tỉnh miền núi, điều kiện xã hội còn nhiều khó khăn thì việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) sẽ mang lại chuyển biến lớn trong đời sống xã hội. Thấy rõ tầm quan trọng đó, tỉnh ta đã dành nhiều ưu tiên, có chính sách “kích cầu” để KHCN bắt nhịp tốt với nhu cầu thực tại.
Có thể khẳng định, giai đoạn 2006-2008 là thời kỳ công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN được đầu tư đúng hướng, tương đối toàn diện, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều đề tài, dự án được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh, đã góp phần tích cực vào tăng trưởng KT-XH. Từ năm 2006 đến nay, đã có 71 đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh được phê duyệt, triển khai với tổng kinh phí trên 16,658 tỷ đồng; 05 dự án cấp Nhà nước, tổng kinh phí gần 6,9 tỷ đồng. Đầu tư cho KHCN đạt 0,8% tổng chi ngân sách tỉnh. Trong vòng 3 năm (2006-2008), đã có 12 đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được triển khai với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng; tuyển chọn, đưa vào thực hiện 59 đề tài, dự án khoa học thuộc lĩnh vực nông-lâm nghiệp, điều tra cơ bản, phát triển công nghiệp, thương mại-du lịch với tổng kinh phí trên 14,2 tỷ đồng.
Nhìn chung, các đề tài đã bám sát kế hoạch phát triển KT-XH và nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, giải quyết được nhiều vấn đề mang tính bức xúc như: Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình làng bản văn hoá, giữgìn nét văn hoá đặc trưng các dân tộc, các di sản văn hoá cổ truyền; giải quyết những vấn đề bức xúc trong môi trường giáo dục phổ thông; phòng và chữa trị bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; nghiên cứu các giải pháp sử dụng nguồn nhân lực; giải pháp đảm bảo an ninh biên giới; tổng kết các sự kiện lịch sử; vai trò già làng, trưởng họ; nghiên cứu và tiếp nhận công nghệ xây dựng mô hình phát triển nông sản hàng hóa thế mạnh như chè Shan, cam sành, thảo quả... Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đã cung cấp luận cứ khoa học, giúp tỉnh có sơ sở ban hành, đề xuất chủ trương, chính sách phát triển KT-XH phù hợp với đặc điểm của địa phương. Qua đó, cũng đóng góp vào kho tàng lý luận khoa học xã hội của địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các ngành, địa phương nhằm tập trung giải quyết nhiệm vụ KHCN trọng tâm, có liên quan đến sự phát triển của nhiều ngành, nhiều huyện, thị. Do đặc điểm của tỉnh miền núi, số lượng cơ quan khoa học cũng như cán bộ làm công tác nghiên cứu ít, không có trường đại học, ít cơ sở sản xuất công nghiệp tập trung, chưa có doanh nghiệp khoa học, thị trường công nghệ chưa phát triển, nên công tác nghiên cứu khoa học mới tập trung tuyển chọn thực giao là chính... Nhằm từng bước xây dựng, tạo lập thị trường KHCN, tỉnh đã tích cực định hướng, tạo tiền đề, tiến tới đặt hàng các nhiệm vụ khoa học. Ngoài việc củng cố, nâng cao năng lực cho các đơn vị sự nghiệp KHCN, tỉnh còn khuyến khích các đơn vị này tập trung hoạt động nghiên cứu khoa học với chính sách ưu tiên đầu tư các dự án nghiên cứu sản xuất sản phẩm hàng hoá; miễn giảm thuế đối với sản phẩm KHCN. Giải pháp này, trước mắt tạo động lực khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học, sau đó tạo bước đệm cho việc chuyển đổi các đơn vị KHCN sang mô hình hạch toán tự trang trải. Bên cạnh đó, tỉnh còn tăng cường thông tin đối với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, nhằm thúc đẩy đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Vì vậy, đã có nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến công nghệ, kĩ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm được áp dụng thành công với nguồn vốn đối ứng hàng chục tỷ đồng từ các doanh nghiệp. Hàng năm, tỉnh đã đưa vào kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá đặc sản, thế mạnh của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp xây dựng 27 nhãn hiệu hàng hoá. Điều này giúp các sản phẩm của địa phương nâng cao được tính cạnh tranh trên thị trường.
Thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn của địa phương, tỉnh đã chú trọng đào tạo nguồn lực KHCN. Bằng hình thức khuyến khích đào tạo cán bộ đại học, trên đại học, đưa cán bộ KHCN đi tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, cử nhiều lượt cán bộ theo học trên đại học và gần 100 sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia vào các đơn vị quản lí, cơ sở sản xuất. Toàn tỉnh đã có 3 ban của Tỉnh uỷ, 4 đoàn thể; 15 sở, ban, ngành; 11 huyện, thị; 11 trung tâm và viện nghiên cứu T.Ư; 5 trường đại học chuyên ngành; trên 10 doanh nghiệp và HTX tham gia hoạt động KHCN tại địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, việc triển khai nghiên cứu ở một số lĩnh vực còn nhỏ, lẻ, chưa cân đối. Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài, dự án KHCN chưa được áp dụng rộng vào sản xuất. Hàm lượng khoa học của các đề tài thuộc lĩnh vực điều tra cơ bản và xã hội nhân văn chưa đủ căn cứ cho hoạch định chính sách, chiến lược phát triển KT-XH. Việc gắn kết giữa hoạt động KHCN với phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân chưa quan tâm đầu tư cho việc đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh kém. Cán bộ đầu ngành và cán bộ làm KHCN vẫn còn thiếu, tư duy đổi mới chưa nhanh, nhạy, năng lực nắm bắt, dự báo, phân tích đánh giá và làm chủ KHCN còn rất hạn chế. Năng lực thực tiễn còn bất cập, đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng có tăng nhưng tỷ lệ chính quy thấp. Liên hiệp Hội KHKT địa phương mới được hình thành, hoạt động chưa thành nếp và còn lúng túng. Năng lực quản lý KHCN của cán bộ mặc dù đã được nâng lên một bước nhưng trước yêu cầu của quá trình đổi mới còn nhiều hạn chế. Hoạt động đổi mới quản lý KHCN còn đang ở giai đoạn tháo gỡ vướng mắc của cơ chế hiện hành và xây dựng chính sách mới.
Những hạn chế trên đòi hỏi phải nhanh chóng có giải pháp khắc phục, có chiến lược quy hoạch phát triển nguồn lực KHCN. Có như vậy chúng ta mới xây dựng được thị trường công nghệ, đưa công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN vận hành theo đúng quy luật cạnh tranh trên thị trường. Như vậy sẽ tạo ra những sản phẩm KHCN có hàm lượng chất xám cao, phục vụ đắc lực cho phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc