Nguyên nhân chính khiến ông Cao Kim Trọng, Giám đốc công ty vàng bạc Kim Tín, đăng ký kimtín.vn ngay từ khi tên miền tiếng Việt vừa bắt đầu được cấp phát là vì không muốn thương hiệu ông đã dày công gây dựng từ 20 năm nay rơi vào tay người khác, dù là dưới hình thức một loại hình domain ít người ưa chuộng. "Nhưng nhờ các công cụ search mà số lượng người truy cập vào site của tôi bằng địa chỉ bản ngữ cũng chiếm 50% so với tên không dấu", ông Trọng nói.
Ngay cả VNNIC, khi thông báo về việc cấp phát tên miền tiếng Việt cũng từng
để địa chỉ đường link website với các ký tự không dấu. Ảnh chụp màn hình
Đây cũng chính là lý do nhiều chủ sở hữu tên miền tiếng Việt cùng bày tỏ. Người Việt Nam không có thói quen gõ lên trình duyệt các ký tự có dấu. Nhưng các từ khóa mà họ dùng trên các công cụ tìm kiếm, đặc biệt là Google, thường là bằng Việt ngữ. Vì thế, nếu keyword trùng với domain của website thì trang đó sẽ có cơ hội hiển thị cao nhất trong các kết quả tìm kiếm.
"Thực ra tôi cũng biết trước là domain tiếng Việt không đem lại nhiều lợi ích lắm. Tuy nhiên, vì nếu đăng ký kèm theo domain truyền thống có sẵn không mất tiền thì tôi lấy thêm một cái chạy song song với tên không dấu... cho vui", ông Phùng Thanh Chương, chủ nhân website chợthểthao.vn, cho biết.
Tuy nhiên, dù tên miền nội đã được trỏ về website chuyên kinh doanh đồ thể thao của mình cả tháng nay, ông Chương vẫn chưa kích hoạt để link theo địa chỉ truyền thống vì nghĩ rằng "cứ sở hữu cái đã chứ chưa nhìn thấy lợi ích đáng kể nào".
So với mức tăng trưởng khoảng gần 30.000 tên miền truyền thống đăng ký trong năm 2007, số lượng gần 4.000 địa chỉ bản ngữ được cấp phát là một con số "khiêm tốn". Ông Trần Ngọc Quang, Trưởng phòng Dịch vụ tên miền, Công ty Dữ liệu trực tuyến FPT, bình luận: "Sức tăng trưởng của tên miền tiếng Việt như vậy là rất thấp. Điều đó phản ánh khá rõ quan điểm của người sử dụng. Domain Việt ngữ hiện không được ưu ái vì dùng khó khăn, bất tiện".
Một trong những nguyên nhân khiến địa chỉ web có dấu chưa thực sự dành được sự quan tâm của khách hàng vì hệ thống ký tự Latin, không dấu đang đáp ứng khá tốt nhu cầu của người dùng. Hơn nữa, người dùng gặp rất nhiều khó khăn khi gõ các cụm từ bao gồm dấu trên thanh địa chỉ. Chẳng hạn, để tránh việc gõ dấu của từ sau làm biến dạng từ trước khi viết liền, người ta phải gõ cách ra như bình thường để rồi sau đó phải quay lại, dùng phím backspace xóa khoảng trắng giữa các ký tự.
Phức tạp như vậy nên nhiều người cho rằng tên miền theo ngôn ngữ bản địa đặc biệt phù hợp với những quốc gia không sử dụng chữ viết theo hệ Latin. Còn ở Việt Nam, không có dấu chẳng phải là việc khó khăn gì. Thậm chí còn giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian so với việc gõ theo ngôn ngữ mẹ đẻ.
"Kể từ khi Trung tâm Internet Việt Nam chính thức cấp phát tên miền tiếng Việt, chúng tôi chỉ nhận được chưa đến 100 yêu cầu đăng ký domain loại này", ông Quang cho biết.
Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), thừa nhận mức tăng trưởng của loại tài nguyên quốc gia này chưa phải là nhiều, đồng thời cho rằng việc so sánh tên miền truyền thống với tên miền tiếng Việt là không tương quan và thiếu công bằng. "Số lượng tên miền tiếng Việt được cấp nhiều hay ít không phải là vấn đề chính. Điều quan trọng là website có thêm một kênh tiếp cận dành cho người sử dụng", ông Tân nói. "Thời gian tới, khi chúng tôi đưa ra một số biện pháp kích cầu, chắc chắn số lượng được đăng ký sẽ tăng lên tốt hơn".
Hiện tại, tên miền tiếng Việt được cấp miễn phí kèm theo một domain truyền thống. Trường hợp đăng ký tự do, chưa có tên miền truyền thống thì sẽ phải mất khoản phí 160 nghìn đồng. Theo lãnh đạo VNNIC, mức phí này sẽ được Trung tâm giảm bớt. Bên cạnh đó, đối tượng người sử dụng cũng sẽ được xách định lại một cách cụ thể hơn để nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên tên miền.
Ý kiến bạn đọc