Tăng cường giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường ở Bắc Quang
(HGĐT)- Theo thống kê của Phòng Tài nguyên - Môi trường (TNMT) huyện Bắc Quang, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 148 doanh nghiệp lớn, nhỏ hoạt động khai thác, chế biến nông – lâm sản, khoáng sản… và 1.586 hộ tự phát kinh doanh, trong đó có khoảng 157 hộ trực tiếp sản xuất công, nông nghiệp.
Các cơ sở sản xuất này phát triển đã tạo những bước chuyển mạnh mẽ, đưa Bắc Quang trở thành địa phương có nền kinh tế năng động thứ 2 của tỉnh. Tuy nhiên cũng kéo theo nguy cơ về ô nhiễm môi trường sinh thái.
Qua tìm hiểu thực tế, hầu hết các cơ sở sản xuất trên đều nằm trong khu vực đông dân hoặc ven hai bờ suối; phát ra tiếng ồn, bụi bẩn và rác thải chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở sản xuất Giấy Cầu Ham những năm qua là một điển hình. Do nằm ở ven suối, lại chưa có hệ thống xử lý rác thải phù hợp nên đã thải trực tiếp xuống suối Ngòi Thuỷ, gây ô nhiễm nặng nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương và các vùng lân cận. Đến nay, cơ sở này đã bị đình chỉ hoạt động, đang trong giai đoạn khắc phục nên mức độ ô nhiễm có giảm. Công ty TNHH Bảo Huy và một số cơ sở chế biến chè, thực trạng môi trường chưa đến nỗi báo động như cơ sở sản xuất giấy Cầu Ham, nhưng cũng thấy phương thức sản xuất và cách xử lý rác thải còn nhiều bất cập. Công ty TNHH Bảo Huy mới thành lập và đi vào hoạt động 2 năm, chuyên chế biến lâm sản, nằm ở nơi dân cư thưa thớt, nhưng lại cạnh suối nguồn. Các sản phẩm thừa hiện nay của cơ sở chủ yếu là mùn cưa vẫn chưa để đúng nơi quy định, trưc tiếp thải ra ngay bên cạnh nhà xưởng và đôi khi còn thiêu huỷ bằng “công nghệ đốt” truyền thống. Điều này khiến cho không khí trở nên ngột ngạt, nhất là những ngày nắng nóng. Các cơ sở sản xuất khác hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến chè thì mức độ ô nhiễm môi trường lại ở dạng khác, đó là mức độ toả nhiệt từ các máy sao sấy, gây nên sự nóng bức đối với người dân ở khu vực lân cận. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng trên địa bàn huyện đã vào cuộc, tiến hành xử lý, đình chỉ một số cơ sở. Nhưng đây cũng chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời; trong khi đó, đóng góp của các cơ sở sản xuất này đối với ngân sách Nhà nước hàng năm rất lớn (6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đóng góp trên 5.500 triệu đồng).
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bế Thanh Bích, Trưởng phòng TNMT huyện, cho biết: Khó khăn lớn hiện nay của ngành trong quản lý, giám sát vấn đề môi trường ở các cơ sở sản xuất công nghiệp nói riêng và môi trường nói chung là, một số cơ sở sản xuất khi được cấp giấy phép hoạt động không có bản cam kết về bảo vệ môi trường đi kèm, chưa gắn sản xuất với Luật Bảo vệ môi trường nên rất khó cho việc xử lý; cán bộ chuyên ngành môi trường thiếu, yếu lại chưa có hệ thống máy móc, trang thiết bị bổ trợ cho chuyên môn; ý thức chấp hành của người dân còn kém, mang tính đối phó… Tuy nhiên thời gian qua, bằng sự nỗ lực của mình, ngành luôn quan tâm, tích cực giải quyết vấn đề. 6 tháng đầu năm nay, Phòng TNMT huyện phối hợp với Sở TNMT kiểm tra, xử lý các cơ sở: Xưởng Bột giấy Ngòi Sảo, Cầu Ham và Vĩnh Tuy; thanh tra, xử lý hành chính đối với Nhà máy Hải Hà (thị trấn Vĩnh Tuy); điều tra, đánh giá hiện trạng và ảnh hưởng môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thị trấn Việt Quang, gồm: Chợ, cửa hàng kinh doanh, khách sạn ăn uống; các điểm giết mổ gia súc, kinh doanh xăng dầu, sửa chữa ô - tô, xe máy; Bệnh viện huyện; Công ty Cổ phần giấy Bãi Bằng - Chi nhánh tại Bắc Quang…; thống kê các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể (56 doanh nghiệp và 630 hộ kinh doanh cá thể); giám sát các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện …
Việc hình thành và phát triển của các cơ sở sản xuất lớn, nhỏ ở Bắc Quang hiện nay đánh dấu sự chuyển mình vượt bậc của nền kinh tế. Nhưng nếu không được quy hoạch tổng thể, sẽ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan. Thực tế, mức độ ô nhiễm môi trường ở Bắc Quang hiện mới chỉ trong “báo động thấp”, nhưng sau 5 – 10 năm nữa nếu chúng ta không dành sự quan tâm thích đáng, hậu quả chắc chắn khôn lường.
Theo ông Bế Thanh Bích, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân thấy được tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khoẻ; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất; bồi dưỡng cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trang bị thiết bị hiện đại cho cán bộ chuyên môn. Đặc biệt, công tác cấp phép hoạt động cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh bắt buộc phải có bản cam kết bảo vệ môi trường...
Ý kiến bạn đọc