Kinh nghiệm chia sẻ:
Chọn mua máy tính để bàn: Đừng chọn xe to chỉ để chạy trên đường hẹp
Khi đi mua máy tính, đa phần người sử dụng thường chỉ quan tâm đến tốc độ của máy (CPU Speed) và cho rằng máy “nặng” do phải chứa nhiều dữ liệu nên ổ cứng phải có dung lượng thật lớn. Hiểu như vậy là hoàn toàn sai lầm!
Tốc độ của máy được quyết định bởi sự đồng bộ cao của các linh kiện. Sự quảng cáo ấn tượng của các hãng sản xuất chíp và được giới truyền thông đẩy lên, khiến người tiêu dùng lầm tưởng tốc độ CPU quyết định tất cả. Giả sử chỉ dựa trên tốc độ CPU trong khi bộ nhớ RAM hạn hẹp, ổ cứng thế hệ cũ được tận dụng (tốc độ vòng quay 3600 hoặc 5400 vòng/phút) thì máy của bạn không khác gì chiếc xe cồng kềnh đi trên đường hẹp.
Về cơ bản, linh kiện cần được ưu tiên quan tâm hàng đầu là MainBoard. Đây là thành phần nền tảng của máy, “sân chơi” của các thiết bị, nên đặc biệt cần tính ổn định, khả năng mở rộng. Ngoài ra MainBoard thế hệ mới còn được tích hợp, nhúng rất nhiều các thành phần khác như các mạch âm thanh, mạng, đồ họa (VGA), cổng USB và các cổng vào ra khác... Vì vậy, để chọn được một MainBoard hợp lý trong cả “rừng” MainBoard của các hãng đã trở thành nhiệm vụ bất khả thi đối với dân ngoại đạo.
Kế tiếp mới xét tới chủng loại và tốc độ CPU, chú ý bộ nhớ đệm (cache) càng lớn càng tốt và nên dùng hàng nguyên hộp; RAM của hãng có tên tuổi như Transcend, Kingston có dung lượng từ 1GB trở lên, bus phù hợp với bus của MainBoard; chọn ổ cứng với lưu ý về bộ nhớ đệm, tốc độ vòng quay RPM, chuẩn truy xuất (phổ biến hiện nay là chuẩn SATA2, tốc độ 7200 rpm, cache 8MB) còn về dung lượng chỉ là thứ yếu.
Cuối cùng, để bảo đảm an toàn cho cả đống tiền mà bạn vừa bỏ ra, không thể không quan tâm tới bộ nguồn. Về chỉ tiêu kỹ thuật, bộ nguồn phải đáp ứng dư thừa công suất máy hiện tại; chấp nhận độ dung sai về hiệu điện thế lớn, nếu cho phép cả dải từ 100V-240V thì càng tốt; có khả năng kiểm soát quạt làm mát hoặc chí ít cũng có thể tự ngắt khi chập công tắc nguồn, bị khởi động lại hay điện lưới trồi sụt bất thường.
Ý kiến bạn đọc