Hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đất đai và môi trường trên báo, đài
(HGĐT)- Trong quá trình thực thi pháp luật về lĩnh vực đất đai và môi trường (ĐĐ&MT) chúng ta dễ dàng nhận thấy một thực tế là, có khá nhiều nơi và không ít người mắc các hành vi vi phạm pháp luật về ĐĐ&MT chỉ vì thiếu hiểu biết, dẫn đến các hậu quả rất khó giải quyết cho cả bên vi phạm và các cơ quan chức trách.
Trước thực tế này, các cơ quan chức năng trong tỉnh ta đã đề ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế các vi phạm, trong đó có một biện pháp cần làm trước một bước là tăng cường tuyên truyền pháp luật về ĐĐ&MT cho mọi người dân. Từ nhiều năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh ta, được sự hỗ trợ của Chương trình SEMLA, đã triển khai nhiều việc làm thiết thực để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về pháp luật ĐĐ&MT và mang lại kết quả tương đối tốt. Bên cạnh việc thực hiện các hợp phần của Chương trình một cách tích cực và hiệu quả, Văn phòng Chương trình SEMLA Hà Giang và Sở TNMT tỉnh còn phối hợp với báo, đài địa phương mở các chuyên trang, chuyên mục định kỳ với lượng tin, bài khá phong phú, dễ hiểu và thiết thực để tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về ĐĐ&MT đến với công chúng. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng,người dân trong tỉnh đã được phổ biến, hướng dẫn và cập nhật nhiều thông tin bổ ích liên quan đến pháp luật ĐĐ&MT, nhờ vậy nhận thức trong nhân dân về ĐĐ&MT được nâng cao hơn một bước, trên cơ sở đó giảm thiểu đáng kể các hành vi vi phạm pháp luật không đáng có về ĐĐ&MT, giúp cho công tác quản lý ĐĐ&MT được hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền trên báo, đài vẫn có những hạn chế nhất định, chẳng hạn như: Không phải người dân nào cũng có báo để đọc; một số vùng trong tỉnh chưa được phủ sóng truyền hình; một bộ phận người dân vùng sâu, xa chưa có ti vi hoặc không biết chữ… dẫn đến việc tuyên truyền qua kênh báo, đài bị hạn chế không nhỏ. Để khắc phục tình trạng này, Sở TNMT và Văn phòng Chương trình SEMLA tỉnh ta đã mở thêm nhiều loại hình tuyên truyền khác, như tổ chức các lớp tập huấn; lồng ghép công tác tuyên truyền với các chương trình, dự án liên quan; xây dựng các mô hình điểm về BVMT và quản lý đất đai; xây dựng các điểm thông tin về ĐĐ&MT tại một số cơ sở; thực hiện các buổi thông tin, tuyên truyền trực tiếp tại thôn bản v.v…
Với các biện pháp tích cực kể trên, ý thức của người dân trong tỉnh về pháp luật ĐĐ&MT tăng lên rõ rệt; tình trạng công dân mắc các lỗi hành vi vi phạm pháp luật về ĐĐ&MT đã giảm đáng kể.
Ý kiến bạn đọc