Giải “bài toán môi trường” - bắt đầu từ ý thức và trách nhiệm
(HGĐT)- Môi trường - cuộc sống luôn có mối quan hệ song hành. Thế nhưng chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm môi trường lại nóng bỏng như hiện nay. Chất thải trong quá trình sinh hoạt của con người, của hoạt động sản xuất đã và đang ngày ngày làm “vẩn đục” môi trường sống.
Đã có nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra được thành lập để xử lý ô nhiễm môi trường. Nhưng xem ra những hành xử thiếu thiện chí với môi trường chưa thể chấm dứt nếu lương tâm, trách nhiệm của mỗi chúng ta chưa được “đánh thức”.
Thực trạng ô nhiễm môi trường
Thời gian gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường sống luôn trở lên nóng bỏng. Nhìn một cách tổng thể, ở tất cả các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người đều có tác động trực tiếp đến môi trường. Từ sự thiếu ý thức, thiếu tinh thần trách nhiệm và chưa có giải pháp đồng bộ nên hàng trăm hộ dân đang ngày ngày hít vào phổi thứ khói bụi độc hại được thải ra từ cỗ máy sản xuất công nghiệp, uống vào bụng thứ nước bị ô nhiễm… Sức khoẻ của họ đang bị đe doạ nghiêm trọng. Nhằm ngăn chặn nguồn gây ô nhiễm, các cơ quan chức năng như: Thanh tra Sở TN-MT, Cảnh sát môi trường đã thường xuyên kiểm tra, xử phạt nhưng rồi đâu lại vào đấy. Bởi lẽ nhiều người, nhiều cơ sở sản xuất chưa ý thức hết tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Điều đó dẫn đến ô nhiễm môi trường đã xảy ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với khu vực sản xuất, các nhà máy sản xuất bột giấy Cầu Ham, Vĩnh Hảo (Bắc Quang), Long Giang (Bắc Mê) liên tục gây ô nhiễm nguồn nước do không tuân thủ quy trình xử lý chất thải; Nhà máy đá xẻ Việt Long (Vị Xuyên) hoạt động được mấy năm, sản phẩm đã khẳng định tên tuổi trên thị trường nhưng chủ đầu tư lại chưa xây dựng được phương án xử lý bột đá thải; Nhà máy sản xuất xi - măng liên tục thải khói, bụi gây ảnh hưởng một vùng rộng lớn gồm các phường Ngọc Hà, Quang Trung, xã Ngọc Đường. Ngay cả xưởng sản xuất tấm lợp tuy đã ngừng hoạt động nhưng nhà máy chưa có biện pháp xử lý chất thải chứa sợi Amiăng độc hại…
Bên cạnh đó, môi trường đô thị, khu dân cư cũng đang bị đe doạ nghiêm trọng. Nguyên nhân do hệ thống tiêu, thoát nước thải, nước mưa khu vực thị xã, thị trấn chưa được quy hoạch, xây dựng đồng bộ. Việc thoát nước chủ yếu dựa vào các khe suối tự nhiên nên thường gây ô nhiễm nguồn nước. Một số khu dân cư bị ngập úng cục bộ, chính quyền địa phương chưa có giải pháp tháo gỡ, nhiều hộ dân đô thị chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, các hộ chăn nuôi gia súc thường xuyên để chất thải chảy tự nhiên ra môi trường xung quanh. Khu xử lý rác thải chỉ là bãi đổ rác chưa qua xử lý, trong khi đó khối lượng rác thải khu vực thị xã đã vượt 2 lần so với dự báo tăng khối lượng. Nước từ bãi rác, mùi hôi thối từ bãi giác bốc lên khiến ai đi qua khu vực đó cũng phải ghê sợ. Còn những nhà dân gần khu vực bãi rác, ngày nào cũng phải ngửi thứ mùi đó thành ra quen! Nhiều chợ nông thôn được xây dựng mới nhưng không quy hoạch, bố trí khu vực xây dựng công trình vệ sinh… Vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải bệnh viện cũng là điều đáng quan tâm. Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo đúng tiêu chuẩn, chất thải đều được tống trực tiếp ra môi trường. Hiện nay chỉ có một số bệnh viện được lắp đặt hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng nhưng không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ nên một số hạng mục đã bị hỏng. Ngay cả vùng nông thôn, nơi được mệnh danh là có môi trường không khí, nguồn nước sạch nhưng cũng thường xuyên bị đe doạ do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Các công trình vệ sinh không đảm bảo, chất thải của gia súc không được thu gom là nguồn phát sinh ô nhiễm, bệnh tật.
Trách nhiệm của ai?
Gần đây, người dân xã Minh Sơn (Bắc Mê) liên tục phản ánh tình trạng chất thải của Nhà máy tuyển chì - kẽm Tả Pan (Công ty Cổ phần Cơ khí khoáng sản) tràn ra suối gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, đe doạ cuộc sống của nhiều hộ dân. Kiểm tra thực tế khu vực nhà máy cho thấy: Nước thải của xưởng tuyển thu gom cùng chất thải quặng đuôi được chứa trong ao cạnh suối Lũng Vầy có dung tích khoảng 40 nghìn m3, bờ ao đắp bằng đất. Trong quá trình sản xuất, phân xưởng tuyển có lắp hệ thống bơm, bể sử dụng nước tuần hoàn cho xưởng tuyển. Do độ dốc lớn, khi mưa to nước thường tràn ra suối. Mặt khác, do ao chứa được đắp bằng đất nên việc nước thải thẩm thấu qua bờ ao, ngấm xuống lòng đất, gây ảnh hưởng đến nguồn nước là điều khó tránh khỏi. Hay như nước thải do sản xuất bột giấy của Công ty lâm nghiệp Vĩnh Hảo cũng vậy, có lúc chất thải chưa qua xử lý được đổ thẳng ra sông…
Nhìn thực tế, căn nguyên phát sinh ô nhiễm môi trường cho thấy tất cả đều xuất phát từ ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi người. Tìm hiểu ở một vài điểm thường phát nguồn gây ô nhiễm, lý do được đưa ra là các cơ sở sản xuất không tập trung, không xây dựng được hệ thống xử lý chất thải đồng bộ nên khó tránh khỏi việc gây ô nhiễm. Nhưng nếu các cơ sở sản xuất quan tâm thì vấn đề ô nhiễm môi trường không đến nỗi bức bách. Trước khi xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, các chủ đầu tư đều có phương án đảm bảo môi trường nhưng họ thường không thực hiện đúng cam kết. Kinh phí bố trí xây dựng hệ thống xử lý nước thải chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng đầu tư cho nhà máy. Nhà máy sản xuất giấy đế Long Giang luôn là “điển hình” gây ô nhiễm không khí, nguồn nước. Công ty TNHH Thuỳ Linh - chủ đầu tư sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng xây dựng nhà máy, mua dây chuyền máy móc nhưng không dành được trăm triệu cho hệ thống xử lý nước thải. Thời gian đầu hoạt động, nước thải được chứa tạm bợ trong 1 ô đất ruộng công ty thuê của dân. Sau vài tiếng vận hành, nước thải đã tràn qua bờ, hoà vào dòng suối làm cá, tôm chết hàng loạt, mùi hôi thối khuyếch tán trong không khí gây ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn. Sau nhiều lần các đoàn liên ngành của tỉnh, huyện kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt chủ đầu tư mới chịu xây mấy bồn chứa nước thải nhưng cũng không ngăn được việc gây ô nhiễm. Đối với Nhà máy giấy thuộc Công ty lâm nghiệp Vĩnh Hảo, sau nhiều năm gây ô nhiễm, vừa qua công ty mới lập Dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ xử lý nước thải với số vốn gần 2 tỷ đồng. Nhưng dự án vẫn đang thực hiện theo lộ trình và không biết đến bao giờ hệ thống này mới hoàn thiện, vận hành. Còn Nhà máy xi-măng, dù biết khói bụi gây ô nhiễm môi trường nhưng không thể giải quyết ngay, trước mắt người dân xung quanh khu vực nhà máy vẫn phải sống chung với bụi. Ngay như hệ thống xử lý chất thải của Nhà máy giấy Hải Hà đặt tại cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang) được coi là bài bản nhất nhưng hoạt động chỉ mang tính chất đối phó với cơ quan chức năng… Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, các đoàn thanh tra liên ngành liên tục được thành lập, kiểm tra, các cơ sở liên tục cam kết không để chất thải gây ô nhiễm môi trường. Nhưng khi đoàn kiểm tra đi thì đâu lại vào đó, có xử phạt cũng như không. Đã có nhiều cơ sở buộc phải tạm đóng cửa để khắc phục hậu quả môi trường nhưng sau đó vẫn vi phạm.
Môi trường - cuộc sống có liên quan trực tiếp đến nhau. Nếu ta bạo hành với môi trường thì ngay bản thân con người sẽ phải trả giá. “Bài toán” ô nhiễm môi trường chỉ có lời giải khi lương tâm, trách nhiệm mỗi người được đánh thức. Vì vậy, ngay từ bây giờ mỗi người nên tạo cho mình ý thức bảo vệ môi trường để cuộc sống của chính chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.
Ý kiến bạn đọc