Đường nào để phần mềm Việt toả sáng?

07:53, 25/07/2008
Sở hữu khá nhiều ưu thế, được nuôi dưỡng trong một môi trường "mẹ" (công nghệ thông tin Việt Nam nói chung) với tốc độ phát triển cực kỳ ấn tượng với cả thế giới, lại nhận được khá nhiều sự quan tâm từ những cấp cao nhất cả về vật chất và tinh thần thế nhưng ngành phần mềm Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng thực sự xứng đáng với tiềm năng vốn có của mình.

Cơ hội lớn, thách thức lớn

Tháng 4 vừa rồi, sau 2 năm "lỡ hẹn", ngành phần mềm Việt Nam đã về đến cái đích đầu tiên được đặt ra từ 7 năm trước: doanh số 500 triệu USD. Khép lại chặng đường thứ nhất của ngành phần mềm non trẻ còn nhiều điều đáng bàn, những người trong ngành lại chuẩn bị hướng tới một mục tiêu cao hơn - cái đích thứ hai vừa được Chính phủ đề ra trong quyết định 51: "...đến năm 2010, tổng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ phần mềm phải đạt 800 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 40%". Đây là một mục tiêu được đánh giá là không quá khó khi mà nhìn lại tốc độ phát triển trong năm qua, phần mềm luôn là một lĩnh vực được đánh giá là liên tục tăng trưởng và tăng trưởng ấn tượng với tốc độ trung bình luôn giữ khoảng 30%/năm và những chính sách của chính phủ hiện cũng đang rất hậu thuẫn cho phần mềm khi đánh giá đây là một "ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân".

 Nói như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam Vinasa, "nếu thực hiện đầy đủ và triển khai đồng bộ các giải pháp thì cái đích doanh số 800 triệu USD không phải là lớn".

Thêm vào đó, ngành phần mềm Việt Nam lại đang đứng trước cơ hội lớn. Ấn Độ - cường quốc về gia công phần mềm đang đứng trước những thách thức lớn. Sau giai đoạn trở thành tâm điểm thu hút các hợp đồng gia công phần mềm của châu Âu và Mỹ, Ấn Độ đang bị "bội thực" và không thể đáp ứng yêu cầu vì nhân sự không theo kịp tốc độ phát triển. Mạng lưới đào tạo dù rộng và chất lượng cũng không chạy theo được guồng "ngốn" nhân sự của các công ty ngày càng mọc lên như nấm. Nhiều sinh viên chưa ra trường đã có công ty đến đề nghị tuyển dụng. Còn những lập trình viên có kinh nghiệm lại nhảy việc liên tục vì những hấp dẫn lương bổng...

Những vấn đề nhân sự này đã khiến các công ty của Nhật, châu Âu hay Mỹ bắt đầu e ngại và chuyển hướng sang một thị trường mới. Lấy ví dụ như Hitachi. Nếu như năm 2003, khi bắt đầu quyết định đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam, Ấn Độ chiếm khoảng 20% lượng đặt hàng của Hitachi Software, tuy nhiên đến nay con số này đã giảm xuống 1% và với Việt Nam, con số ấy lại tăng lên tới 23%. Theo khảo sát, Việt Nam cũng đang đứng ở vị trí 20 trên danh sách 25 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới về outsourcing.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu 800 triệu USD ấy, một trong những điều kiện tiên quyết, theo báo cáo của vụ Công nghiệp CNTT, là phải đào tạo được 80 ngàn kỹ sư làm phần mềm chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn và đạt tiêu chuẩn quốc tế trong khi đó trên thực tế, chúng ta mới chỉ đang có khoảng hơn 1/4 số đó, tức là khoảng 26.000 kỹ sư làm phần mềm, chưa nói đến kỹ sư đạt trình độ quốc tế. Phần mềm là ngành công nghiệp của nhân sự, thế nhưng cái cốt lõi ấy chúng ta lại đang ... có vấn đề.

Lại là "bài toán" nhân lực

Từ kinh nghiệm của rất nhiều lần tiếp xúc với các doanh nghiệp phần mềm của các tên tuổi hàng đầu thế giới như Ai Len, Ấn Độ, Israel, Đan Mạch, ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội phần mềm Vinasa cho rằng, "tất cả các quốc gia thành công về phần mềm đều có một đặc điểm chung là công tác đào tạo nhân lực đi trước một bước và họ phải làm rất tốt công tác đào tạo nhân lực thì mới thành công được". Thực tế cũng cho thấy ngay cả những quốc gia mới nổi sau này như Trung Quốc, thì nhân lực cũng là chìa khoá dẫn họ tới thành công.

Nhìn lại nguồn nhân lực hiện tại, chúng ta phải thắng thắn mà thừa nhận rằng, nhân lực phần mềm của chúng ta đang thiếu và yếu. Cả nước có gần 100 trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành học liên quan tới IT với khoảng 40.000 sinh viên đặt chân vào các trường mỗi năm, nhưng tỷ lệ sinh viên ra trường đạt được yêu cầu của doanh nghiệp cao nhất chỉ là một nửa. 72% sinh viên ra trường thiếu kinh nghiệm thực tiễn, 46% thiếu kiến thức ngành và 42% không biết làm việc nhóm, kém ngoại ngữ. Phương thức đào tạo cũ cũng đang tạo ra một hệ thống những "công nhân cổ xanh", những kỹ sư phần mềm thiếu tư duy sáng tạo mà chỉ làm theo những gì có sẵn. Các sản phẩm phần mềm chỉ quanh quẩn những lĩnh vực kế toán, ERP, quản trị mà thiếu vắng những sản phẩm thuộc những lĩnh vực khác. Sự vắng bóng của các sản phẩm phần mềm đoạt giải "5 sao" của Sao Khuê 2008 cũng phần nào cho thấy sự chững lại này.

Song, nhìn nhận một cách lạc quan, chúng ta đang có sẵn những "mỏ vàng" mà cả thế giới đều nhận thấy - đó là những đợt "sóng ngầm" (chữ dùng của tiến sỹ Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng bộ Khoa học Công nghệ) trong cộng đồng phần mềm Việt Nam.

Nhân lực của đất nước 80 triệu dân luôn được đánh giá là một nguồn nhân lực trẻ, 50% dưới độ tuổi 35. Ngoài trở ngại về tiếng Anh, trình độ của các lập trình viên trẻ Việt Nam không thua bất kỳ nước nào. Sự thông minh, nhạy bén và ham hiểu biết về công nghệ đã từng khiến cho không ít những người Việt trẻ thành công trên thế giới. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài được đào tạo trong môi trường quốc tế luôn được trọng dụng và thậm chí trọng dụng hơn cả những sinh viên nước khác. Vậy nên, nói như ông Phạm Tấn Công, "rõ ràng vấn đề không nằm ở sinh viên mà nằm ở hệ thống đào tạo, tức là giảng viên và giáo trình đào tạo".

Cũng giống như một chu trình sản xuất có đầu vào, máy móc nhà xưởng sản xuất và sản phẩm cuối cùng, giáo dục cũng là một quy trình khép kín với đầu vào là người học, giáo trình, cơ sở vật chất là nhà xưởng, thiết bị và giảng viên là người điều khiển quy trình sản xuất. Để có sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, cả 3 yếu đó đều phải được chuẩn hoá với chất lượng cao nhất. Như thế cũng có nghĩa, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng lượng và chất của kỹ sư phần mềm, không có con đường nào khác là đầu tư và cải thiện giáo dục.

Giáo dục đi trước một bước, đào tạo nhân lực phần mềm đi trước một bước và phải thực sự chú trọng đầu tư, đó là những điều mà các quốc gia đi trước như Ai Len, Đan Mạch, Israel, Ấn Độ hay Trung Quốc đã từng làm và đã từng thành công từ đó. Còn với VN, quan trọng hơn, đó sẽ là một nguồn lực cực kỳ quý giá khi thế giới đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực trầm trọng thời gian tới. Hiện tại nhân lực của chúng ta đang thiếu, nhưng với những tiềm năng sẵn có đã được thế giới công nhận như dân số trẻ, 50% dưới độ tuổi 35, nền giáo dục phổ cập, học sinh có năng khiếu toán học, ham học hỏi và cầu thị... chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng và biến những tiềm năng này thành lợi thế quốc tế cho VN trong 10,15 năm nữa.

Trong 10 năm nữa, Việt Nam rất khó có thể trở thành một cường quốc phần mềm. Nhưng việc trở thành một cường quốc về nhân lực phần mềm thì lại hoàn toàn có thể.

Lợi thế nhân công giá rẻ rồi sẽ mất đi, và chất lượng sẽ ngày càng được chú trọng hơn. Nếu chúng ta có được sự chuẩn bị từ bây giờ thì không những không bị mất đi lợi thế, chúng ta còn trở nên hấp dẫn hơn và đó cũng sẽ là một ngành kinh tế thực sự mang lại những nguồn lợi lớn cho đất nước, là con đường mà ngành phần mềm VN nên lựa chọn trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của nguyên Thủ tướng Nguyễn Văn Khải trong chuyến thăm Mỹ hồi năm 2005, vị kiến trúc sư tài ba Microsoft, Bill Gate đã từng khuyên Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến 3 điểm mấu chốt: xây dựng nền CNTT tiên tiến; đầu tư, cải thiện giáo trình và cuối cùng là nâng cao trình độ tiếng Anh cho các kỹ sư phần mềm. Chắc hẳn không phải là một sự ngẫu nhiên khi 2 trong 3 điểm ấy lại là câu chuyện nhân lực. Biết tận dụng thế mạnh của mình và tập trung mũi nhọn vào đó là nguyên nhân đã làm nên thành công của nhiều quốc gia, nhiều ngành CNPM ở nhiều nước. Còn VN, liệu có làm được hay không, đó là câu hỏi phải chỉ thời gian mới trả lời được.


VTV.VN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Viettel đạt 20 triệu khách hàng
(HGĐT)- Chiều 26.6, Chi nhánh Viễn thông Quân đội tại Hà Giang (thuộc Tổng Công ty Viễn thông Quân đội) tổ chức Lễ công bố mạng di động Viettel đạt 20 triệu khách hàng.
29/06/2008
Một số cách thức đưa các dự án phát triển nông thôn miền núi về các tỉnh miền núi
(HGĐT)- Về một số vấn đề chung cần lưu ý trong CGCN cho khu vực nông thôn miền núi.Trước hết, để công nghệ được chuyển giao sớm phát huy tác dụng và đưa lại lợi ích kinh tế-xã hội (KT-XH) thiết thực cho người dân, các kênh CGCN cần đặc biệt lưu ý xem xét/ thẩm định “tính phù hợp” của công nghệ.
28/06/2008
Windows XP được hỗ trợ đến 2014
Microsoft quyết định gia hạn cho hệ điều hành XP do có quá nhiều yêu cầu từ phía khách hàng, đồng thời khẳng định Windows 7 sẽ có mặt vào đầu năm 2010.
27/06/2008
Cả thế giới đang dùng hơn 1 tỷ PC
Theo hãng nghiên cứu Gartner, với mức tăng trưởng mạnh tại các thị trường mới nổi, con số đó sẽ là 2 tỷ vào năm 2014. Hiện nay, các thị trường đã trưởng thành chiếm 58% trong con số 1 tỷ PC đầu tiên, nhưng họ sẽ chỉ chiếm 30% trong 1 tỷ thứ hai, Gartner cho biết.
25/06/2008
403 Forbidden

Forbidden

You don't have permission to access this resource.