Loạn… diệt Virus
Lẽ dĩ nhiên, có máy tính thì cần có phần mềm diệt virus để tránh mã độc, an toàn cho dữ liệu trong máy. Nhưng giữa “biển” phần mềm diệt virus, thật – giả lẫn lộn, khó lường lắm thay!
“Quy về một mối”
Theo lời rỉ tai của nhiều người, tôi ra phố Lý Nam Đế, một con phố gần như chuyên về linh kiện máy vi tính và phần mềm để tìm mua phần mềm diệt virus chính hãng. Những tấm biển quảng cáo linh kiện và các phần mềm máy tính được căng lên đỏ suốt dọc phố. Nhưng hình như nó chỉ thực sự là tuyến phố kinh doanh từ chập tối bởi lệnh cấm để xe trên vỉa hè trước 17h.
“Cần loại nào cũng có” – Lời khẳng định chắc nịch của người phụ nữ khoảng 30 tuổi, khi tôi ngỏ ý tìm mua phần mềm diệt virus loại cực mạnh. Nghe rồi chị mau mắn chỉ lên tủ kính một dãy, BitDefender, Norton, Symantec, Kaspersky,… đủ cả.
Nhấc ra 2 chiếc hộp màu xanh, một hộp giấy, một hộp nhựa, có ghi giá 180.000 đồng. Chị cho biết phần mềm diệt virus Kaspersky này là tốt nhất, “không ai vượt nó được”(!). Trong mỗi hộp đều có 1 chiếc đĩa và một mảnh giấy hướng dẫn sử dụng có độ lớn 10x15(cm). Trên đó ghi một mã số dài khoảng 20 ký tự và một thuê bao di động đầu số 0902 của Nguyễn Trung.
Chị này nhanh nhảu cho biết: “Đây là hàng “xịn” nên mã key cần bảo mật tối đa. Em nhắn mã số đến cho số điện thoại này thì sẽ nhận được ngay mã key”.
Thấy khách băn khoăn về cách lấy mã key khác thường, chủ cửa hàng lại liến thoắng cho biết các hãng khác thì có thẻ cào ngay trong hộp, nhưng hãng sản xuất này tránh khả năng làm nhái đến mức cao nhất. Vì vậy, họ đã chuyển toàn bộ việc tiêu thụ sản phẩm này cho 1 đầu mối (là Nguyễn Trung), cũng là để tiện bề… quản lý.
Chẳng lẽ tất cả sản phẩm tiêu thụ của hãng này tại VN đều qua tay chủ thuê bao 0902... này phân phát mã key? Điều này trái ngược hẳn với những gì chị này giới thiệu trước đó về khả năng phân phối, tiêu thụ của hãng sản phẩm này trên thị trường. Đem điều này ra thắc mắc, khách hàng chỉ nhận được cái cười trừ rồi bị đánh trống lảng sang loại khác…
Đĩa… "4 trong 1"
Để tránh mã độc, không thể thiếu phần mềm diệt virus. Ảnh: Anh Lê |
Không yên ả “ngầm” như phố Lý Nam Đế, phố Lê Thanh Nghị vốn là địa điểm “quen mặt” của học sinh, sinh viên “nghiện” game và cũng là nơi nổi tiếng với tệ nạn băng đĩa lậu. Việc mua bán diễn ra tấp nập ngay từ đầu phố.
Tại cửa hàng không trưng biển, bài trí giản dị cuối phố, với 3 mặt tường kín toàn đĩa CD, một thanh niên chừng 18 tuổi rút ngăn kéo đầy những đĩa và giơ ra 1 chiếc khi được hỏi về phần mềm diệt virus. Chiếc CD màu vàng đặt trong bao giấy, mặt trên ghi chữ VIRUS bằng bút dạ. Anh thanh niên này thủng thẳng cho biết một chiếc đĩa giá 8000 đồng này có bản Crack (bản bẻ khóa) của 4 loại phần mềm diệt virus tốt nhất hiện nay là BitDefender, Kaspersky, Nod 32 và Symantec. Không chỉ có phần mềm, mã key cũng… nằm luôn trong đĩa!
Khác với các phần mềm bản quyền, bản Crack không có chức năng cập nhật tự động. Người sử dụng phải thường xuyên cập nhật bằng tay nếu muốn tránh virus.
Không những thế, người thanh niên này còn tiết lộ: “Mỗi phần mềm trong này (trong đĩa – PV) chỉ dùng được khoảng 2 – 3 tháng thôi. Sau đó, key này có thể không cập nhật được nữa. Nhưng trong đĩa có đến 4 loại. Cứ thế mà dùng luân chuyển thì cũng… tẹt!” (?)
Hỏi về phần mềm chính hãng, nhận được câu trả lời buông thõng: “Bây giờ có ai dùng loại đó đâu, tốn kém mà cũng chẳng hơn gì! Dùng thế, thà tải bản free (miễn phí) mà dùng cho nhanh!”
Nhìn sự tấp nập suốt dọc phố nhan nhản băng đĩa, linh kiện, khó có thể đoán được mức tiêu thụ của loại mặt hàng này. Nhưng, chỉ cần nhìn qua số lượng đĩa ở đây, sự mau mắn, "thẳng thắn" trong cách bán hàng và tiếp thị ở cửa hàng này thì đủ biết thị trường này sôi động đến mức nào!
Ý kiến bạn đọc