VINASAT-1 chính thức được bàn giao cho Việt Nam
Vào lúc 14h chiều 29/5/2008, tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đại diện Tập đoàn sản xuất vệ tinh Lockheed Martin đã chính thức bàn giao vệ tinh VINASAT-1 và hoá đơn bán hàng, kết thúc hợp đồng sản xuất và phóng vệ tinh cho chủ đầu tư VNPT.
Bà Lindsay Virginia Thompson, Phó chủ tịch tập đoàn Lockheed Martin chuyển giao hoá đơn bán hàng, biên bản kết thúc hợp đồng với đại diện chủ đầu tư VNPT, Phó tổng Giám đốc Bùi Thiện Minh. |
Quá trình chuyển giao công nghệ, xây dựng hai trạm điều khiển và antena điều khiển vệ tinh VINASAT-1 tại Quế Dương (Hà Tây) và 1 trạm dự phòng tại Bình Dương cũng được đại diện Lockheed Martin trình bày trong nội dung bàn giao. Toàn bộ cấu tạo, chức năng và công suất của VINASAT-1 cũng đã được vận hành, đo kiểm nhiều lần tại vị trí quỹ đạo khai thác 132 độ Đông.
Theo ông Alan B. Kligerman, Giám đốc kỹ thuật các Chương trình vũ trụ thương mại của Lockheed Martin, nguồn điện từ 2 tấm pin mặt trời của VINASAT-1 có công suất vượt mức dự kiến, cao hơn 17% so với mức hệ thống của vệ tinh cần và hơn 8% so với yêu cầu kỹ thuật.
Các thử nghiệm về điều khiển, công suất hoạt động, truyền phát tín hiệu của VINASAT-1 cũng đã được Lockheed Martin phối hợp cùng công ty VTI (đơn vị khai thác VINASAT-1 trực thuộc VNPT) tiến hành với kết quả rất tốt.
Cũng theo nội dung tổng kết của đại diện Lockheed Martin, các bộ phát đáp băng tần C và Ku đã truyền phát tốt và đúng thời hạn 23/5 mà Liên minh Viễn thông Thế giới ITU yêu cầu VINASAT-1 phải đi vào hoạt động. Các thử nghiệm truyền dữ liệu số được lặp lại nhiều lần đều khẳng định khả năng hoạt động bền bỉ và ổn định của vệ tinh VINASAT-1.
Theo thông tin ban đầu mà VietNamNet có được, hiện tại, vệ tinh VINASAT-1 đang phát thử thành công 4 kênh truyền hình vệ tinh, chất lượng tín hiệu phục vụ tốt các vùng sâu vùng xa và hải đảo.
Giám đốc chương trình VINASAT của Lockheed Martin, ông Jim Bucklkey cho biết lượng nhiên liệu lỏng hiện có trong vệ tinh được dự đoán đủ dùng trong vòng 26 năm, trong khi yêu cầu kỹ thuật chỉ là 20 năm.
Các đại diện của Lockheed Martin đều nhấn mạnh về quá trình hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa đối tác VNPT, nhà thầu giám sát Telesat (Canada) liên tục hàng tuần trong suốt thời gian 2 năm dự án được tiến hành là yếu tố quan trọng giúp dự án thành công.
Không chậm tiến độ là một thành công lớn
Đại diện nhà thầu giám sát dự án, hãng Telesat, ông Mc Cormick Roderic John chia sẻ tại lễ bàn giao dự án VINASAT 1: "Việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 đã đánh dấu một bước phát triển mới của Việt Nam. Đây là một dự án đầy kỳ vọng, và cũng là một cơ hội phát triển mới của đất nước các bạn."
"Đó là vì công nghệ duy nhất để kết nối con người một cách hoàn thiện, ở bất cứ nơi đâu chính là thông qua vệ tinh viễn thông. Lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam đã có một công cụ cho phép một công dân của mình có thể kết nối tới bất kỳ người nào khác, dù họ đang ở bất cứ nơi đâu trên thế giới."
Người đại diện Telesat cho biết quá trình làm việc và phối hợp cùng đối tác Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2000, khi VNPT bắt đầu quá trình mời thầu cho dự án. tới năm 2006, Telesat mới bắt đầu tham gia phối hợp cùng Lockheed Martin. Khoảng thời gian triển khai bị giới hạn trong vòng 2 năm theo thời hạn ITU đặt ra chính là một áp lực rất lớn, nhưng cùng với trình độ và công nghệ tiên tiến của hãng Lockheed Martin, dự án đã được hoàn thành và chuyển giao cho VNPT đúng tiến độ và thời hạn.
Theo ông Mc Cormick Roderic John, trong ngành công nghiệp vệ tinh, chuyện các dự án sản xuất và phóng vệ tinh bị chậm tiến độ và thời hạn là chuyện rất bình thường. "Dù thời hạn bị bó hẹp trong 24 tháng, nhưng các đối tác Lockheed Martin và VNPT đã phối hợp triển khai với những nỗ lực rất lớn, và có được kết quả đúng thời hạn đề ra. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì đã được tham gia vào dự án quan trọng này."
Trong phần nghi lễ bàn giao quan trọng nhất, bà Lindsay Virginia Thompson, Phó chủ tịch tập đoàn Lockheed Martin đã chuyển giao hoá đơn bán hàng, biên bản kết thúc hợp đồng với đại diện chủ đầu tư VNPT, Phó tổng Giám đốc Bùi Thiện Minh.
Ý kiến bạn đọc