Ngày Đa dạng sinh học (22.5.2008)
Tìm hiểu về Sinh vật ngoại lai xâm hại
(HGĐT)- Sinh vật ngoại lai xâm hại được hiểu là những loài không có nguồn gốc bản địa, khi đưa đến một môi trường mới có thể không thích nghi được với điều kiện sống và nó không tồn tại.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp do thiếu vắng đối thủ cạnh tranh thiên địch như ở “quê nhà” của chúng, gặp điều kiện thuận lợi về thời tiết khí hậu, thức ăn, môi trường sống… các loài này sinh sôi nảy nở rất nhanh, đến một lúc nào đó nó làm mất cân bằng sinh thái bản địa và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Lúc này nó trở thành loài ngoại lai xâm hại.
Sinh vật ngoại lai xâm hại có thể xâm nhập vào môi trường sống mới bằng nhiều cách: Đi theo con đường tự nhiên như theo gió, dòng nước sông, biển, bám vào các loài di cư, các hoạt động của con người từ nơi này sang nơi khác rất xa quê nơi chúng sinh ra từ vô tình hay cố ý, nhiều loài được du nhập một cách có mục đích nhằm phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học hay giải trí... Do lơ là chủ quan của con người, chúng sinh sôi nảy nở gây hậu quả tai hại không thể kiểm soát được. Chúng ta vẫn chưa quên được thảm hoạ ốc bươu vàng từ mười năm lại đây lan tràn từ miền Nam ra Bắc đã và đang gây tổn thất rất lớn về hoa màu; Nhà nước đã chi nhiều tiền, của nhằm khắc phục nhưng vẫn không thể dứt điểm được; hoặc cây xấu hổ, hoặc con sáo đá đã cạnh tranh nguồn thức ăn, nơi ở của các loài khác làm mất cân bằng sinh thái bản địa, giảm thiên địch, mùa màng suy giảm cho năng suất thấp, các loài có hại khác nguy cơ được dịp bùng phát.
Tác hại của sinh vật xâm hại gây ra cho môi trường sống rất đa dạng, có thể gộp thành bốn nhóm cơ bản sau:
-Cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn nơi sống…
-ăn thịt các loài khác.
-Phá huỷ hoặc thoái hoá môi trường sống.
-Truyền bệnh và ký sinh trùng.
Một ví dụ cụ thể các loài ngoại lai xâm hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như sự xuất hiện muỗi Anô phen truyền ký sinh trùng sốt rét (xuất xứ của chúng từ vùng rừng rậm nhiệt đới AMAZÔN châu Mỹ) nay chúng có mặt khắp nơi trên thế giới làm môi trường trung gian truyền ký sinh trùng sốt rétcho hàng trăm triệu người. Nhiều quốc gia đã bỏ không ít tiền, của để phòng, chống song vẫn chưa dứt điểm được.
Như vậy, các tác động của sinh vật ngoại lai xâm hại đối với môi trường sống rất lớn, chúng làm biến đổi môi trường và làm mất cân bằng đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước và địa phương, đầu tư kinh phí tiêu diệt chúng rất phức tạp, tốn kém.
Nhằm góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, chúng ta cần quan tâm:
Thứ nhất, tăng cường phổ biến rộng rãi ra công chúng về nhận thức tác hại của sinh vật ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học và sức khoẻ con người.
Thứ hai, không nên nhập khẩu hoặc mang sinh vật lạ đến địa phương khi chưa rõ nguồn gốc của chúng.
Thứ ba, khuyến khích và thực hiện các biện pháp kiểm soát và tiêu diệt các loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Duy trì các biện pháp hữu ích hiện có nhằm hạn chế sự sinh sôi nảy nở của chúng.
Ý kiến bạn đọc