Chạy đua công nghệ thanh toán điện tử tại Việt Nam
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, rào cản về pháp lý không còn, dịch vụ của các ngân hàng gần tương đương nhau. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn trở thành yếu tố quyết định cuộc chạy đua giành niềm tin khách hàng.
Thanh toán điện tử vẫn nóng nhất trong các kỳ hội thảo Banking Vietnam. |
Theo ông Bùi Quang Tiên, Trưởng ban Thanh toán - NHNN Việt Nam, với khoảng 15 triệu người sử dụng Internet, gần 50 triệu người sử dụng điện thoại di động hiện nay, rõ ràng Internet banking và Mobile banking sẽ là trào lưu phát triển tiếp theo tương tự như phát triển của thẻ thanh toán.
Hiện tại, khái niệm tiền điện tử vẫn là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu và đưa ra thị trường loại thẻ thanh toán đa mục đích để chơi game, sử dụng Internet hay mua hàng hóa trên website của doanh nghiệp. Một vài ngân hàng cũng đã bắt đầu đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng quan kênh điện tử như Internet banking, Mobile banking.
Phương tiện thanh toán được nhân lên gấp đôi
Những dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người tiêu dùng sẽ được các ngân hàng đẩy mạnh trong năm 2008. Đến cuối năm nay, số lượng phương tiện thanh toán điện tử sẽ được đưa vào sử dụng gần gấp đôi so với từ năm 2007 trở về trước. Trong đó, máy rút tiền tự động ATM từ khoảng 4.500 chiếc hiện nay sẽ được đẩy lên 6.889. Thiết bị thanh toán dùng thẻ POS (Point of Sale) lắp đặt tại điểm bán hàng từ 14.858 chiếc lên 29.215 chiếc. Thẻ thanh toán dự kiến phát hành gần 14 triệu chiếc.
Đặc biệt, hai liên minh thẻ lớn nhất Việt Nam hiện nay là Smartlink và Banknetvn sẽ kết nối chính thức với nhau từ ngày 23/5. Liên minh thẻ Smartlink do Vietcombank đứng đầu gồm 29 NH thành viên hiện chiếm khoảng 25% thị phần. Banknetvn do 3 NH lớn gồm Agribank, BIDV và Incombank cùng 4 NHTM CP khác thành lập chiến 70% thị phần. Khi liên kết với nhau, Smartlink và Banknetvn tạo thành hệ thống chiếm tới 95% số thẻ và 70% số máy ATM hiện có. Như vậy, người dân gần như không cần quan tâm đến việc mình dùng thẻ của NH nào, mà chỉ cần đến cột ATM là có thể sử dụng được.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ mới sẽ làm việc thanh toán dễ dàng hơn và đó là cơ sở để người dân "mặn mà" hơn với chiếc thẻ. Khi dịch vụ còn chưa thực sự phát triển, người dùng sẽ phải đối mặt với nhiều nỗi lo như: có tiền trong tài khoản mà không được tiêu vì máy hết tiền, nghẽn đường truyền, vấn đề bảo mật, làm quen với những quy trình thanh toán trong mua sắm,... Đó cũng là nguyên nhân nhiều người thường rút hết tiền trong tài khoản thành tiền mặt để tiêu hoặc đi xa phòng trường hợp "không tìm được cột".
Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng
Theo thống kê của Cục Nghiệp vụ Tin học Ngân hàng (thuộc NH Nhà nước VN), số lượng lệnh thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng năm 2007 đã tăng 40% so với năm 2006, tổng số tiền gian dịch cũng lớn gấp 2 lần (tăng 107%). Bình quân mỗi ngày hệ thống thực hiện từ 35.000 - 45.000 lệnh thanh toán, thời gian thực hiện mỗi lệnh là 10 giây.
Thống kê NHNN VN cho thấy khối lượng những giao dịch thanh toán bằng tiền mặt tuy vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng những phương tiện thanh toán, mặc dù xu hướng đã giảm dần. Trong khi đó, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt có xu hướng tăng lên. Đặc biệt là ủy nhiệm chi-chuyển tiền (lệnh chi) và thẻ ngân hàng đang có xu hướng tăng mạnh.
Để thúc đẩy hoạt động thanh toán tại Việt Nam, Hệ thống thanh toán điện tử liên NH sẽ được nâng cấp toàn diện. Trung tâm thanh toán Quốc gia (NPSC) và NCSC Backup sẽ được tăng cường trang bị kỹ thuật. 6 trung tâm cấp tỉnh (PPC) sẽ được nâng lên thành trung tâm khu vực (RPC). Toàn bộ hệ thống viễn thông và bảo mật được nâng cấp để có thể hoạt động thông suốt, liên tục, đảm bảo xử lý trên 2 triệu giao dịch mỗi ngày.
NHNN sẽ phối hợp với UBCK Quốc gia để xây dựng và triển khai Đề án chi tiết quyết toán tiền giao dịch chứng khoán tại NHNN. Từ đó kết nối hệ thống quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Đối tượng cung ứng dịch vụ thanh toán cũng được mở rộng. Các tổ chức không phải NH cũng có thể cung cấp một số dịch vụ thanh toán, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán điện tử, theo những điều kiện nhất định.
Song song với chương trình thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, nhiều tập đoàn công nghệ nước ngoài trình diễn những công nghệ mới nhất tại Banking Vietnam 2008. Đáng chú ý là giải pháp mới nhất của core banking như AMBIT của Sungard, mới được ứng dụng lần đầu tại HDBank, thiết bị ATM thế hệ mới có khả năng thu đổi ngoại tệ, giải pháp mã hóa bảo mật Hybrid Quantum Encryption, máy đếm tiền nhiều mệnh giá lẫn lộn,...
Ý kiến bạn đọc