Bảo vệ môi trường, điều kiện làm việc và sức khỏe người lao động
08:57, 19/05/2008
Theo kết quả điều tra, trừ một số ít các cơ sở sản xuất (CSSX) có môi trường lao động ở mức hợp vệ sinh (có giá trị các yếu tố gây ô nhiễm nhỏ hơn hoặc bằng tiêu chuẩn cho phép), đa số đều bị ô nhiễm từ mức độ ô nhiễm nhẹ đến ô nhiễm rất nhiều.
Cán bộ, công nhân Nhà máy xi-măng Cẩm Phả trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan và bảo vệ môi trường. |
Trừ một số ít các cơ sở sản xuất (CSSX) có môi trường lao động ở mức hợp vệ sinh (có giá trị các yếu tố gây ô nhiễm nhỏ hơn hoặc bằng tiêu chuẩn cho phép), đa số đều bị ô nhiễm từ mức độ ô nhiễm nhẹ đến ô nhiễm rất nhiều. Trong đó, cao nhất là ô nhiễm nhiệt ẩm (53,2 - 69,8% cơ sở sản xuất bị ô nhiễm), sau đó tới bụi (19,7 - 51,6%), tiếng ồn (29,5 - 36,4%), hơi khí độc (18,7 - 38,2%).
Theo báo cáo của Bộ Y tế số công nhân lao động (CNLÐ) hằng năm được khám sức khỏe định kỳ từ 8 đến 12% tổng số CNLÐ. Ða số CNLÐ có sức khỏe loại 2-3 riêng CNLÐ có sức khỏe loại 4 và 5 tăng 5,9% năm 2001, lên 12,6% năm 2004.
Cũng theo số liệu thống kê của ngành Y tế năm 2004, trong số hơn một triệu người lao động (NLÐ) khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế có 26,9% mắc các bệnh đường hô hấp, 7,3% về mắt, 5,1% về cơ - xương - khớp...; còn trong số gần 58 nghìn người lao động được khám bệnh nghề nghiệp (BNN) có 7.900 người được chẩn đoán mắc BNN (13,8%) trong đó có 1.312 người đã được hưởng trợ cấp; cao nhất là bệnh bụi phổi Silic tiếp theo là bệnh điếc nghề nghiệp.
Sau mấy chục năm hoạt động, công tác bảo đảm môi trường và điều kiện làm việc (MT và ÐKLV) ở Việt Nam đã đạt những kết quả nhất định và được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang thực hiện CNH, HÐH thì việc bảo vệ MT và ÐKLV càng cần được quan tâm đầu tư hợp lý để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
So với thời kỳ trước, từ năm 1996 các địa phương, ngành và CSSX đã tập trung quan tâm hơn tới công tác bảo đảm MT và ÐKLV. Ða số các CSSX đều thành lập Hội đồng BHLÐ và thường do một phó giám đốc làm Chủ tịch Hội đồng. Số cán bộ chuyên trách về BHLÐ và mạng lưới AT - VSV đã được bổ sung, tăng cường hơn so với trước.
Hầu hết các CSSX mới xây dựng đều chú ý tới công tác bảo đảm MT và ÐKLV ngay từ khâu thiết kế, thi công. Nhiều CSSX cũ đã đầu tư cải tạo dây chuyền công nghệ hiện đại hơn, an toàn, sạch hơn và có trang bị các hệ thống cải thiện MTLÐ và xử lý chất thải do đó MT và ÐKLV của người lao động đã được nâng cao hơn.
Nhiều công trình, nhà xưởng máy móc thiết bị đã quá cũ kỹ, hư hỏng, có nguy cơ gây TNLÐ. Một số tiêu chuẩn, quy phạm về AT-VSLÐ và yêu cầu về giám định BNN đã trở nên lạc hậu, không phù hợp với giai đoạn phát triển sản xuất hiện nay (như quy định về chế độ nhiệt ẩm trong nhà xưởng, tiêu chuẩn về rung động, về điện - từ trường, về các bức xạ có hại...).
Việc cấp phát và trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) cho NLÐ đã tương đối đầy đủ về mặt số lượng theo quy định, nhưng về chất lượng kỹ thuật vẫn còn chưa bảo đảm và chưa có những quy định cụ thể về kiểm định chất lượng của các PTBVCN này...
Bảo đảm MT và ÐKLV trong sản xuất là một trong những vấn đề thời sự và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là trong quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Quá trình này đòi hỏi cần phải áp dụng những biện pháp thực tế, có hiệu quả bao gồm các giải pháp tổ chức - quản lý, khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục. Xin đề xuất một số giải pháp sau:
Cần có biện pháp và công cụ quản lý chất lượng công nghệ, quy trình sản xuất trong khối doanh nghiệp vừa - nhỏ - tiểu thủ công nghiệp phù hợp các tiêu chuẩn quy phạm về MT và ÐKLV, nhất là các khu vực sản xuất nông nghiệp. Triển khai hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, công nghệ cho khu vực này nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu mang tính giai đoạn trong bảo vệ và bảo đảm MT và ÐKLV trong CSSX và MT chung quanh CSSX. Nghiên cứu và thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư chăm sóc sức khỏe NLÐ và bảo vệ môi trường thông qua một số đòn bẩy kinh tế. Sớm triển khai hệ thống quản lý thống nhất công tác bảo đảm MT và ÐKLV như tinh thần Luật Lao động và Luật Môi trường sửa đổi và có chương trình hành động chung cho từng giai đoạn phát triển kinh tế.
Từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp, chế độ chính sách, tiêu chuẩn quy phạm về AT-VSLÐ và BVMT. Hoàn thiện bộ máy quản lý từ Trung ương đến cơ sở, thiết lập cơ chế hợp lý bảo đảm cho việc thực thi pháp chế; Từng bước hiện đại hóa công nghệ sản xuất: Lựa chọn sử dụng công nghệ hiện đại cho đầu tư mới, cải tạo nâng cấp công nghệ đã có. Trong việc cân nhắc tính toán hiệu quả đầu tư cần đạt tới sự tổng hòa giữa năng suất, chất lượng, an toàn VSLÐ và BVMT; Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện và giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là NLÐ, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức xã hội trong việc nhất quán tâm lý về sự phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với việc bảo đảm MT và ÐKLV. Xây dựng văn hóa an toàn vệ sinh nơi làm việc.
PGS, TS LÊ VÂN TRÌNH
Viện trưởng Nghiên cứu Khoa học
Kỹ thuật Bảo hộ lao động
Viện trưởng Nghiên cứu Khoa học
Kỹ thuật Bảo hộ lao động
Nhân dân
Ý kiến bạn đọc