Viễn thông Việt Nam tăng tốc trong thời hội nhập
Các công nghệ mới được đầu tư nhiều hơn so với năm trước, thị trường mở rộng hơn với các gói sản phẩm đa dạng, đầy cạnh tranh, các chính sách cơ chế có sự cải tiến rõ rệt... Đó là những thứ có thể nhìn thấy của viễn thông Việt Nam trước thềm năm mới 2008 và trước ngưỡng cửa hội nhập.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng đang đối thoại trực tuyến trên VietNamNet hôm 9/1/2008. |
Thị trường viễn thông vẫn tiếp tục sôi động trong năm 2008 bởi các gương mặt mới sẵn sàng nhảy vào cuộc cạnh tranh vốn đang “nóng”. Thông tin về công ty di động Vimpelcom sắp vào VN và liên doanh với 1 tổng công ty của bộ Công an để xin giấy phép cung cấp dịch vụ 3G, được Thứ trưởng Lê Nam Thắng giải đáp tại cuộc đối thoại trực tuyến hôm 9/1 trên VietNamNet: Theo quy định của pháp luật VN, nếu các công ty nước ngoài muốn tham gia thị trường, phải thông qua hình thức đầu tư trực tiếp (thành lập công ty hoặc gián tiếp thông qua mua cổ phần doanh nghiệp trong nước).
“Chúng tôi chưa có thông tin cụ thể là Công ty Vimpelcom sẽ tham gia dưới hình thức nào nên khó có thể trả lời chính xác câu hỏi này. Tuy nhiên, đã có một số công ty nước ngoài khác như G-Tel đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc để tham gia vào thị trường viễn thông VN. Việc tham gia thị trường vẫn phải tuân theo đầy đủ quy định của Pháp luật về cấp phép. Hiện giờ chúng tôi đang xem xét cấp phép cho G-Tel theo đúng các quy định về quản lý viễn thông của VN”.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho biết quan điểm của Bộ TT-TT về việc một DN cung cấp dịch vụ muốn chuyển từ nền tảng công nghệ này sang một nền tảng công nghệ khác rằng: "Chính sách quản lý chung của Bộ là trung lập về mặt công nghệ. Các doanh nghiệp căn cứ vào năng lực của mình, vào nhu cầu thị trường và thực tế công nghệ để lựa chọn công nghệ cung cấp".
Ví dụ, China Unicom của Trung Quốc vừa khai thác cả GSM lẫn CDMA. Ở Úc, mạng Telstra đã chuyển từ GSM lên WCDMA ngay trên nền băng tần 800.
Và vì thế, Bộ TT-TT không phản đối việc doanh nghiệp chuyển từ công nghệ này sang công nghệ khác, miễn là việc làm đó không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng và doanh nghiệp, cũng như không gây xáo trộn gì lớn cho thị trường.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng lần đầu tiên xác nhận với PV VietNamNet thông tin xin chuyển từ cung cấp dịch vụ viễn thông trên nền CDMA sang GSM của nhà cung cấp HT Mobile: “Đúng là HT Mobile đã có công văn gửi đến Bộ TT-TT xin chuyển từ CMDA sang e-GSM, tức là GSM mở rộng. Hiện tại chúng tôi đang xem xét và nghiên cứu công văn này”.
Thứ trưởng Bộ TT-TT cho rằng, đối với 1 thị trường viễn thông như Việt Nam, số lượng 6 nhà cung cấp dịch vụ như hiện nay đã là vừa đủ. Nếu có thêm 1 nhà cung cấp thứ 7 thì sẽ là quá nhiều. Bởi như hiện nay, thị trường viễn thông VN vẫn còn nhỏ, quy mô của các DN nhỏ, nên hiện tại số lượng DN chưa ảnh hưởng nhiều. “Nhưng về lâu dài, khi giá cước giảm, cạnh tranh tăng, tôi cho rằng con số này là nhiều”.
Tuy nhiên, giải thích theo Pháp lệnh BCVT và Nghị định 160 của Chính phủ, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói, nếu DN nào đáp ứng các yêu cầu về tài nguyên, quy hoạch, Bộ TT-TT sẽ xem xét cấp phép, cung cấp hạ tầng và cung cấp dịch vụ. Nếu DN đáp ứng các điều kiện cấp phép về tài nguyên viễn thông theo đúng quy hoạch thì Bộ TT-TT sẽ xem xét cấp phép. Theo đúng quy định WTO, thị trường không hạn chế số lượng DN tham gia. Việc tham gia thị trường phụ thuộc chủ yếu vào tần số tài nguyên VT.
“Chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ, làm sao không chỉ các DN Nhà nước được tham gia thị trường viễn thông VN”.
Trả lời một câu hỏi của độc giả tại Bắc Giang về việc hiện có nhiều DN được cấp phép nhưng không triển khai, thì Bộ có thu hồi giấy phép không, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết: Liên quan đến việc cấp phép, DN phải có đề án xin phép, trong đó ngoài tư cách pháp lý thì có 2 nội dung chính là đề án kỹ thuật và phương án kinh doanh chỉ rõ trong 5 năm đầu triển khai thực hiện đề án như thế nào? Quy định hiện hành đã có những yêu cầu, ví dụ DN cung cấp dịch vụ điện thoại di động phải mở rộng vùng phủ sóng như thế nào, tăng thuê bao ra sao?
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giấy phép thì có DN tuân thủ đúng, thậm chí triển khai vượt kế hoach họ đề ra. Nhưng cũng có DN triển khai chậm, và có DN chưa triển khai theo cam kết. Theo quy định, sau 2 năm không triển khai dịch vụ Internet thì thu hồi giấy phép nếu không có lý do chính đáng.
Nhưng cũng còn phụ thuộc vào sự phát triển thị trường. Bộ sẽ trên cơ sở cam kết của DN và sự phát triển thị trường để có hình thức xử lý phù hợp. Thời gian tới Bộ sẽ giám sát mạnh hơn việc triển khai của DN, biện pháp mạnh tay hơn để đảm bảo việc triển khai của DN.
Quản lý chặt chẽ hơn các DN chiếm thị phần khống chế!
Trả lời thắc mắc về việc căn cứ vào đâu để Bộ xác định một hay một nhóm DN chiếm thị phần khống chế? Thị phần ở đây được hiểu là doanh thu, thuê bao hay lưu lượng?, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ TT-TT Nguyễn Minh Sơn cho biết: Việc Bộ phân định DN chiếm thị phần khống chế và không chế là nhằm mục tiêu để quản lý, lành mạnh hóa thị trường và thúc đẩy cạnh tranh. Tiêu chí để phân biệt DN chiếm thị phần khống chế và không chiếm là dựa trên Luật cạnh tranh. Theo quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá cước các dịch vụ BCVT và thông tư 02 của Bộ quy định, DN chiếm thị phần khống chế là DN chiếm thị phần doanh thu hoặc lưu lượng từ 30% trở lên đối với dịch vụ mà DN đó cung cấp và gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thâm nhập thị trường của các DN khác. Đó gọi là DN chiếm thị phần khống chế.
Còn nhóm 2 DN chiếm thị phần khống chế thì có mấy định nghĩa thế này: là 2 DN chiếm thị phần doanh thu hoặc lưu lượng từ 50% trở lên đối với dịch vụ mà DN đó cung cấp và gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thâm nhập thị trường của các DN khác. Nhóm 3 DN chiếm thị phần khống chế là có thị phần doanh thu, lưu lượng từ 65% trở lên, 4 DN thì chiếm 75% trở lên. Điều này được quy định trong Luật cạnh tranh, được áp dụng cho các DN BCVT và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Làm thế nào để các DN viễn thông có thể cạnh tranh bình đẳng, không có hiện tượng chèn ép trong quá trình kinh doanh, ông Sơn cũng cho biết một vài quan điểm của nhà quản lý:
“Chính sách thì có nhiều, chỉ xin đơn cử như vấn đề kết nối. Trước đây chúng ta kết nối theo cơ chế xin cho, khiến DN mới khi muốn kết nối với DN chủ lực gặp rất nhiều khó khăn. Ngay sau đó, Bộ đã có chỉ đạo xây dựng quy chế kết nối dựa trên cơ chế kinh tế, nên đã đảm bảo cho vấn đề kết nối đến nay đã trở nên hết sức bình đẳng. Các DN đều dựa trên hợp đồng kinh tế để tiến hành kết nối.
Một biện pháp nữa như tôi vừa nói là vấn đề quản lý DN theo thị phần khống chế. Những DN chiếm thị phần khống chế thì có cách quản lý chặt chẽ hơn. Những DN không chiếm thị phần khống chế được tự do hơn về một số mặt, chẳng hạn quyết định giá cước và vấn đề kết nối để có điều kiện phát triển. Chúng ta có thể thấy thị trường viễn thông VN thời gian qua phát triển khá tốt, đứng thứ nhất thứ nhì thế giới về tốc độ phát triển.
Có những vấn đề cụ thể xảy ra, chẳng hạn như DN này không cho DN kia triển khai cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng... thì đó là việc thoả thuận giữa các DN. Còn Bộ chỉ đảm bảo cho việc khách hàng của các DN không bị phân biệt đối xử”.
Chạy đua 3G, Wimax và NGN
Dự kiến, Bộ TT-TT sẽ phát hồ sơ mời thi tuyển cấp phép cung cấp dịch vụ 3G vào đầu tháng 2/2008. Như vậy, DN sẽ có 3 tháng để chuẩn bị hồ sơ, sau đó Hội đồng sẽ chấm điểm các hồ sơ (trong 1 tháng), báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và tiến hành cấp phép cho các hồ sơ trúng tuyển trong quý II/2008. Khi được cấp phép, có thể doanh nghiệp sẽ mất 1-2 năm để đầu tư mạng lưới, triển khai và sau đó mới có thể cung cấp dịch vụ.
Trước lo ngại về việc dịch vụ 3G sẽ sử dụng băng tần nào và công nghệ này có bị chồng chéo với phổ tần của GSM và CDMA hiện đang sử dụng hay không, ông Đoàn Huy Hoan, Cục trưởng Cục Tần số, Bộ TT-TT cho biết: Theo quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động IMT-2000 (còn gọi là 3G) thì dải tần phân bổ cho 3G là 1900-1980 MHz, 2010-2025 MHz, 2110-2170 MHz. Bộ TT-TT đã quy hoạch cho 4 nhà khai thác được cung cấp dịch vụ 3G trên băng tần này, nên trong mỗi nhà khai thác được cấp ít nhất 15 MHz trong các đoạn băng tần 1920-1980 MHz/2110-2170 MHz và 5 MHz trong đoạn 1900-1920 MHz.
Hiện tại, theo quy định của Bộ, các doanh nghiệp có thể tự lựa chọn sử dụng một trong hai công nghệ 3G phổ biến nhất hiện nay là WCDMA và CDMA 2000 để cung cấp dịch vụ 3G trên băng tần này, chứ không quy định cứng là phải sử dụng công nghệ nào. Đây là 2 công nghệ khả thi và được ứng dụng phổ biến trên băng tần mà Bộ dự định cấp phép.
Các băng tần quy hoạch và đang được sử dụng cho các hệ thống GSM là 890-915 MHz/935-960 MHz, 1710-1785 MHz/1805-1880 MHz; cho CDMA là 829-845MHz/874-890 MHz và 453,08-457,37 MHz/ 463,08-467,37 MHz.
Như vậy, băng tần dành cho 3G và WiMax không trùng với băng tần dành cho GSM và CDMA. Tuy nhiên, trong tương lai các công nghệ 3G và trên 3G có thể được phát triển ngay trong các băng tần quy hoạch cho GSM và CDMA.
Hiện đại hóa quy hoạch tần số
Đối với việc quy hoạch và phát triển các kênh truyền hình dựa trên việc phân bổ và quy hoạch tần số của cơ quan quản lý và khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm” của các đài truyền hình, Cục trưởng Cục Tần số Đoàn Huy Hoan cho biết: Trước hết, phải khẳng định rằng tình trạng các đài PT-TH tỉnh "mạnh ai nấy làm" của những năm trước đây hiện nay đã chấm dứt. Hiện tại, bộ TT-TT đã tăng cường đẩy mạnh quản lý tần số đối với phát thanh truyền hình trên cả phương diện quy hoạch và thực thi pháp luật.
Nếu như trước đây, cuối những năm 90, báo chí đưa ra bàn bạc về một sự kiện gọi là "Cuộc chiến trên tần số phát thanh truyền hình" thì ngày nay, vấn đề đó cơ bản đã được giải quyết chứ không phải ở tình trạng mạnh ai nấy làm. Bộ TT-TT đã ban hành các quy hoạch về kênh tần số cho truyền hình tương tự mặt đất, kênh tần số cho phát thanh FM.
Khi tuân thủ các quy hoạch này thì hầu hết các đài phát thanh truyền hình của trung ương và địa phương đều thực hiện đúng quy hoạch. Tuy nhiên, một số đài đang trong quá trình chuyển đổi từ kênh tần số cũ sang kênh tần số được quy hoạch thì có những kênh chưa được chấm dứt hoàn toàn. Hai quy hoạch này vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi để cho phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay là có thêm các đài được phép cung cấp dịch vụ truyền hình. Đối với các đài địa phương, sở dĩ Bộ quy hoạch mỗi 1 đài địa phương chỉ có 1 kênh tần số được phát truyền hình analog trừ TP.HCM và Hà Nội là dựa trên tiềm năng của nguồn tài nguyên phổ tần.
Hiện Việt Nam không có đủ tần số để quy hoạch và cấp phép nhiều hơn 1 kênh cho các đài PT-TH địa phương và thực tế thì điều đó cũng phù hợp với năng lực sản xuất chương trình của các đài địa phương.
Các quy hoạch này đang được nâng cấp lên một bước. Bộ TT-TT đang trình Thủ tướng ban hành quy hoạch về truyền dẫn sóng phát thanh, truyền hình. Hy vọng, khi thực hiện quy hoạch này một cách đầy đủ, nghiêm chỉnh thì trong tương lai, tình trạng phát triển tự do trong phát thanh truyền hình sẽ hoàn toàn chấm dứt.
Số hóa hạ tầng truyền dẫn phát sóng
Lộ trình tiến tới "số hóa" hạ tầng truyền dẫn phát sóng ở VN đã được Bộ TT-TT đưa ra bằng 6 mục tiêu và 4 định hướng cơ bản trong Quy hoạch Phát thanh truyền hình đến năm 2020 đã trình Thủ tướng.
6 mục tiêu: Thứ nhất là đến năm 2015, phải đảm bảo TH được phủ sóng 95% dân cư. Đến năm 2020, phủ sóng hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Phát thanh, đặc biệt sóng phát thanh AM và FM, đến năm 2015: phủ sóng toàn bộ dân cư. Thực hiện việc số hóa toàn bộ hạ tầng truyền dẫn phát sóng trước năm 2020.
Đối với Phát thanh cũng khuyến khích số hóa trước năm 2020. Truyền hình cáp, đến năm 2015, bảo đảm 100% trung tâm các tỉnh, thành phố có mạng truyền hình cáp, với việc ứng dụng rộng rãi cáp quang và ngầm hóa mạng ngoại vi. Và mục tiêu thứ 6 là bảo đảm cho người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu vùng xa và biên giới hải đảo được cung cấp đầu thu TH số, với giá cước phù hợp, ưu đãi.
Để đạt được mục tiêu này, quy hoạch đưa ra 4 định hướng quan trọng: Thứ nhất là xây dựng hạ tầng truyền dẫn PT-TH hiện đại, tiên tiến, thống nhất về mặt tiêu chuẩn công nghệ; bảo đảm có thể chuyển tải được tất cả các dịch vụ CNTT, phát thanh, truyền hình trên cùng một hạ tầng.
Thứ hai là phân định rõ hoạt động về sản xuất chương trình nội dung với hoạt động truyền dẫn, nhằm mục tiêu để hình thành thị trường cung cấp dịch vụ truyền dẫn PT-TH với hai tiêu chí: hoạt động về nội dung theo luật báo chí, và chuẩn của hạ tầng công nghệ PTTH theo các quy hoạch viễn thông, Internet. Mục tiêu này là thúc đẩy và tạo điều kiện mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng truyền dẫn PT-TH.
Thứ ba, đẩy mạnh quá trình số hóa toàn bộ hạ tầng truyền dẫn phát sóng PT-TH, đến năm 2010, ngừng hệ thống tương tự để chuyển sang toàn bộ PT-TH số trước năm 2020. Trong năm 2008, nếu quy hoạch này được Thủ tướng phê duyêt, Bộ cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng đề án Số hóa truyền dẫn phát sóng PT-TH.
Thứ tư, xác định hạ tầng phục vụ cho các chương trình truyền dẫn PT-TH công ích, phân biệt với các hạ tầng truyền dẫn có mục đích khác để có cơ chế chính sách phù hợp về vốn, đầu tư, thuế...Chúng tôi cũng rất hy vọng quy hoạch được Thủ tướng sớm phê duyệt để tạo điều kiện phát triển hạ tầng truyền dẫn sóng PT-TH và tăng cường công tác quản lý về mặt cộng nghệ, chất lượng, tiêu chuẩn của hạ tầng này.
Thắt chặt công tác thanh tra, đo kiểm
Việc công khai kết quả kiểm tra cũng như những thông tin về chất lượng được thực hiện theo quyết định số 33 của Bộ TT-TT, trong đó yêu cầu công khai tất cả kết quả kiểm tra, tất cả những nội dung doanh nghiệp công bố chất lượng trong đó không quy định công khai mức xử phạt. Phó Chánh thanh tra Bộ TT-TT cho biết, mức xử phạt không có gì là bí mật cả. “Vấn đề là chúng tôi thực hiện theo đúng quy định. Hiện nay, khi một số báo đặt câu hỏi, chúng tôi cũng trả lời rõ rằng DN nào vi phạm và bị xử phạt bao nhiêu một cách công khai. Chúng tôi cũng xin nói lại là chúng tôi làm hoàn toàn theo quy định. Trong đó không quy định việc công khai mức xử phạt nên chúng tôi không nêu công khai trong đó”.
Thanh tra Bộ TT-TT cũng giải thích việc công bố công khai kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ trong năm 2007 nhưng lại có sự đính chính, rằng: “Thực ra đây là 1 sơ suất đáng tiếc trong quá trình soạn thảo văn bản. Kết quả này liên quan đến việc kiểm tra của Saigon Postel (SPT), trong quá trình soạn thảo văn bản, giữa bên DN và đoàn kiểm tra cũng không phát hiện được lỗi đánh máy nhầm về chỉ tiêu thực đo được con số cụ thể về tỷ lệ gọi thành công, kết quả đã đo trước đó là 99,82% nhưng đánh máy nhầm thành 95,18%.
Thực chất là chúng tôi đính chính lại chứ không đo lại kết quả đó, và cũng xin nói rõ rằng lỗi này cũng là một lỗi đáng tiếc vì con số 95,78%, nếu các bạn muốn kiểm tra thì đó chính là kết quả đo trước đó của EVN Telecom. Đó hoàn toàn là sai sót về mặt soạn văn bản. Con số trên mạng 95,78% là thể hiện của mạng EVN Telecom. Các bạn cũng lưu ý rằng việc đính chính này cũng không hề nói lên chất lượng của SPT là được nâng lên hay không mà chỉ nói rằng có vi phạm hay không. Chỉ tiêu này trước và sau khi đính chính thì cũng có kết luận rõ ràng là chỉ tiêu này của STP và không bị vi phạm”.
Vai trò của công tác thanh tra trong việc xử lý các tiêu cực của các đại lý Internet, Bộ TT-TT cho biết: Để hạn chế tiêu cực, các chủ đại lý phải tìm hiểu, nắm vững quyền hạn và trách nhiệm của mình được quy định tại thông tư 02 về quản lý đại lý Internet; thông tư liên tịch 60 về quản lý trò chơi trực tuyến (game online); tìm hiểu các mức xử phạt quy định trong Nghị định 55 của CP về quản lý cung cấp và sử dụng internet; Nghị định 56 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động văn hoá, thông tin; thông tư 03, 05 của Bộ BC-VT cũng đã có quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính rất rõ ràng...
Về phản ảnh của độc giả, khi người dân hoặc chủ đại lý phát hiện những bằng chứng cho thấy cán bộ thanh tra, kiểm tra nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh tiền... cần phải báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương (Sở BC-VT) hoặc công an địa phương. Bằng nhiều biện pháp, có thể cung cấp chứng cứ hoặc cơ quan công an vào cuộc điều tra thu thập chứng cứ, bắt quả tang... Các hiện tượng nói trên sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Hướng tới “Hội tụ tất cả trong 1 đường dây”
Trong lộ trình phát triển của CNT, liệu đến khi nào thì truyền hình cáp, điện thoại cố định và ADSL có thể đi cùng trên 1 đường dây?Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết quan điểm riêng: Thực ra trên thế giới, người ta đã ứng dụng hội tụ dịch vụ viễn thông, điện thoại, Internet, CNTT phát thanh truyền hình...trên cùng một hạ tầng. Vấn đề ở đây không phải về công nghệ mà là vấn đề kinh doanh, thị trường.
Không phải tất cả các nước phát triển đều triển khai dịch vụ này nhưng tại một số nước đã cung cấp được trên cùng một đôi dây vừa cung cấp được ĐT, Internet và truyền hình Thị trường ta bắt đầu ứng dụng dịch vụ này để làm sao cung cấp được dịch vụ - dịch vụ Triplay, "3 trong 1".
Ở Việt Nam, để triển khai được dịch vụ này phải trên cơ sở triển khai nền tảng của mạng NGN. Thực ra từ năm 2005, các doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai mạng NGN nhưng chủ yếu là mạng lõi, và các mạng truy cập sẽ được triển khai từ năm 2008 trên nền IP. Hy vọng rằng, trong tương lai gần, các doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ triplay - 3 trong 1 - tại Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc