Web 2.0 - Xu hướng tất yếu của báo điện tử
Web 2.0 - Xu hướng tất yếu của báo điện tử
8:18, 26/12/2007, cập nhật cách đây 2 giờ
Thuật ngữ Web 2.0 được coi là tương lai của báo chí điện tử toàn cầu. Nhưng nó là gì và ứng dụng nó ra sao thì ngay cả các Tổng biên tập của nhiều tờ báo vẫn còn khá mơ hồ.
Hội thảo về tương lai của báo chí điện tử toàn cầu với tên gọi “Beyond the Printed Word” thu hút 445 đại biểu từ 54 quốc gia trên thế giới tới thủ đô Dublin (Ireland). Phần lớn trong số họ là lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn báo chí lớn trên thế giới. Trong những xu hướng phát triển của báo điện tử toàn cầu được đề cập tại hội thảo, Web 2.0 được luận bàn nhiều nhất. Web 2.0 là gì ? Bà Liisa Kotilainen - Chủ tịch tập đoàn Sanoma Digital (Phần Lan) mở đầu thuyết trình của mình bằng câu hỏi như vậy. Bà cho biết, cách đây 2 năm, khi bà đề xuất việc áp dụng Web 2.0, ông chủ đã đưa ra câu hỏi này với bà.Vậy mà chỉ trong vòng một năm áp dụng, Sanoma đã đạt được những thành quả vượt ngoài mọi sự mong đợi khi số người truy cập đạt mức kỷ lục, mà chi phí cho phần nội dung có thể nói là... 0%. Thật ra, Web 2.0 không phải là cái gì hoàn toàn mới mà là sự phát triển từ web hiện tại. Nó vẫn là web như chúng ta dùng lâu nay, chỉ có điều giờ đây chúng ta làm việc với web theo cách khác. Nếu như thế hệ web hiện nay chúng ta đang dùng (Web 1.0) chủ yếu là phương tiện phát tin gồm các website "đóng" của các hãng thông tấn hay các Cty nhằm mục đích tiếp cận độc giả hay khách hàng hiệu quả hơn, thì giờ đây Web 2.0 là phương tiện chia sẻ thông tin. Ở đó, người tiêu dùng đang dần trở thành người sản xuất ra những nội dung thông tin cho chính mình.
Chính vì thế, Web 2.0 còn được gọi là mạng xã hội hay tờ báo công dân. Web 2.0 đã hiện hữu quanh chúng ta với hàng loạt website thế hệ mới. Với sự bùng nổ của blog như hiện nay, xu hướng chuyển đổi sang Web 2.0 đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế tất yếu. Những tập đoàn báo chí trên thế giới đã áp dụng Web 2.0 như The Sun (Anh), News24.com (Nam Phi), The Asashi Shimbun (Nhật Bản), Sinchew-i.com (Malaysia), Sanoma (Phần Lan), Los Angeles Times (Mỹ), Gatehouse Media (Mỹ)... Độc giả chính là tác giả của bài báo Elan Lohmann - Tổng biên tập của News24.com của Nam Phi - được coi là “người hùng” tại hội thảo khi ông đã tạo được bước đột phá khi áp dụng Web 2.0 cách đây 2 năm. Không những phát triển tờ báo điện tử, ông đã thúc đẩy sự phát triển của Internet tại quốc gia châu Phi này. Hiện nay, tờ báo điện tử do ông đứng đầu đã trở thành dịch vụ tin tức trực tuyến hàng đầu Nam Phi với số lượng độc giả truy cập nhiều nhất và đưa Nam Phi trở thành quốc gia đứng thứ 37 thế giới về số người sử dụng internet. Trong vòng 3 tháng, lượng thông tin cung cấp từ độc giả lên tới 700.000 từ và hơn 3.000 bình luận của độc giả được đăng tải. Tất cả chi phí cho công việc này... bằng 0, mà lại tạo sự gần gũi hơn với độc giả và làm thay đổi cách đọc báo truyền thống. Một trong những chuyên mục thu hút nhiều độc giả và tạo sự tương tác nhiều nhất là Phóng sự và Tin ảnh. Ông Mathew Buckland - Tổng Giám đốc của Mail& Guardian online (Nam Phi) - cho biết: Việc xây dựng website rất rẻ, nhanh chóng và có tính hợp tác, cộng thêm những bạn đọc thông thái, nó có thể tạo nên một website thân thiện hơn với độc giả và tạo nên một cộng đồng độc giả cho chính website của mình. Cùng quan điểm đó, Danny Dagan - Trưởng ban điện tử của News Group Digital (Vương quốc Anh) - nhấn mạnh trong phần thuyết trình của mình: “Hãy để độc giả tạo ra cuộc đối thoại”; hay có thể hiểu độc giả chính là tác giả của bài báo. Theo ông, những bài viết của độc giả thường có chất lượng cao vì họ không phải chịu những sức ép của tòa soạn và được viết trong tâm trạng nhiều cảm hứng. “Nếu bạn coi thường những ý kiến của độc giả, bạn đã hoàn toàn sai lầm” - Danny khẳng định. Cuối năm ngoái, The Sun - Tờ báo có số lượng lớn nhất Vương quốc Anh cũng đã áp dụng phương thức: nội dung do độc giả tự làm trên mạng để cung cấp thông tin cho báo chí. Đây vốn là tờ báo tiếng Anh được đọc nhiều nhất, nay lại trở thành một kênh thông tin không có đối thủ cạnh tranh.
|
Ý kiến bạn đọc