Thông tin liên lạc tại các tỉnh biên giới: Đã đến lúc cấp thiết
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) một lần nữa thúc giục các DN viễn thông (VT) quan tâm đặc biệt đến việc phủ sóng; nâng cao năng lực thông tin liên lạc (TTLL) điện thoại (ĐT) cho các tỉnh biên giới.
Tăng cường năng lực thông tin liên lạc cho các vùng biên giới đang rất cấp thiết. |
"Vùng trũng" thông tin liên lạc
Có thể nói từ lâu, Chính phủ VN đã quan tâm đặc biệt đến vấn đề TTLL và việc đáp ứng mật độ ĐT cho các vùng biên giới. Bản thân Bộ TT&TT cũng đã thành lập hẳn Tổ điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm về vấn đề này. Thậm chí, bộ này còn thúc giục các DN cũng như kêu gọi sự đầu tư từ Nhà nước để lập Quỹ dịch vụ VT công ích cho các vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới. VN đã tự hào khi 100% số xã có ĐT; Tết Đinh Hợi vừa qua vượt mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra với mật độ 35 máy ĐT/100 dân...
Tuy nhiên, mật độ trung bình trên cả nước thì thể hiện con số thành công; song tại các vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới lại chưa đạt được con số này. Vì thế theo các chuyên gia, những nỗ lực trên vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu TTLL cũng như việc tăng cường mật độ ĐT cho các vùng biên giới. Theo Tổ điều phối, hiện mật độ ĐT và Internet ở các vùng này ở mức thấp nhất trên cả nước. Cụ thể, con số này chỉ bằng 2/3 mật độ ĐT trung bình của cả nước, với khoảng 30,64 máy/100 dân, so với mức bình quân trung bình 45,80 máy/100 dân của cả nước hiện nay.
Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho rằng: Mặc dù đây là vùng trọng điểm tuy nhiên sự quan tâm đầu tư lại chưa được nhiều. Với yêu cầu tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, Bộ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ bộ này và các DN cần tiếp tục có những đầu tư cả về tài chính, nhân lực, hạ tầng công nghệ để đáp ứng những yêu cầu bức thiết này.
Chồng lấn sóng và can nhiễu tần số
Tuy nhiên theo các chuyên gia thì ngay trong bối cảnh hiện tại đã xuất hiện không ít khó khăn. Cụ thể hiện nay sóng ĐT của Trung Quốc đã có hiện tượng chồng lấn khá sâu vào VN khoảng 5 - 7km. Vì thế, nhiều người dân vùng biên đã sử dụng dịch vụ di động trả trước của các DN Trung Quốc. Chưa hết, ngay như EVN Telecom đã nỗ lực xây dựng được 154 trạm thu phát sóng (BTS) để cung cấp dịch vụ cũng như đáp ứng các yêu cầu kinh tế, xã hội và quốc phòng tại các xã vùng biên.
Các DN như VNPT, Viettel cũng đã cung cấp các dịch vụ ĐT cố định không dây; tham gia xây trạm BTS phủ sóng tại tất cả các huyện giáp biên. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định mức độ phủ sóng đến các xã còn thấp. Bên cạnh đó, các DN như Viettel, EVN Telecom đang gặp phải vấn đề can nhiễu tần số với các nhà cung cấp dịch vụ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí, nhân lực, khó khăn về địa hình và sự đồng bộ để xây dựng các trạm BTS cũng đang là rào cản đối với nỗ lực của các DN.
Tại buổi họp bàn về việc phát triển các dịch vụ bưu chính, VT cho các tỉnh biên giới tổ chức hôm 20.12, các chuyên gia nhận định, phía các nước bạn đang có sự đầu tư rất mạnh cho các vùng biên giới. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng trọng điểm, VN không thể chậm trễ trong vấn đề này.
Cụ thể ngay trong thời gian trước mắt, các cơ quan VN cần đàm phán với phía Trung Quốc về vấn đề phối hợp tần số hiện nay cũng như xác định tần số cho 3G, Wimax. Bên cạnh đó, các DN cần đẩy mạnh cung cấp ĐT cố định không dây, hạn chế sử dụng cáp quang để vừa tiết kiệm, vừa triển khai nhanh và hiệu quả.
Về lâu dài, Bộ TT&TT thúc giục các DN VT đến năm 2010 phải phát triển tối thiểu 1.500 trạm thu BTS để phủ sóng mạnh tại các tỉnh biên giới Việt - Trung. Cũng nằm trong mục tiêu đến 2010, tại các xã vùng biên sẽ có khoảng 1.200 điểm phục vụ bưu chính, VT. Đặc biệt tại các cổng đồn biên phòng cũng sẽ được đầu tư các điểm phục vụ này. Đây là kênh vừa phục vụ đồn biên phòng, vừa phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo đó, trọng tâm là thúc đẩy, khuyến khích phát triển phổ cập dịch vụ ĐT cố định và truy nhập Internet băng rộng ở những khu vực khó khăn như nông thôn, miền núi, trên biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ thông tin liên lạc đến vùng nghèo, người nghèo và ngư dân trên biển. Đồng thời tăng cường kết hợp giữa nâng cao mật độ sử dụng ĐT, truy nhập Internet với các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở các địa phương.
Ý kiến bạn đọc