10 sự kiện Thông tin truyền thông 2007
Thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông
Ngày 02/8/2007, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn việc thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở hợp nhất Bộ Bưu chính Viễn thông và chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản của Bộ Văn hóa Thông tin. Ông Lê Doãn Hợp được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Việc thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông không chỉ là sự đổi tên thông thường và phép cộng đơn giản các chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực BCVT-CNTT, báo chí, xuất bản, phát thanh - truyền hình, mà còn thể hiện một tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý. Việc thành lập Bộ Thông Tin và Truyền Thông cũng phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.
Đạt và vượt số thuê bao điện thoại của kế hoạch 5 năm
Mật độ điện thoại của Việt Nam đạt 35 máy/100 dân đúng vào ngày mùng Một Tết Đinh Hợi (17/2/2007). Với con số này, ngành BCVT đã hoàn thành trước 3 năm chỉ tiêu về mật độ điện thoại mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra cho kế hoạch 5 năm (2006-2010). Kết quả này là nỗ lực phấn đấu liên tục của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam trong các năm qua. Hiện Việt Nam đã đạt 46 triệu thuê bao điện thoại, trong đó thuê bao di động chiếm 75% và mật độ điện thoại là 54 máy/100 dân. Với con số này, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển điện thoại nhanh trên thế giới.
Công đoàn Bưu điện Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Được thành lập ngày 30/8/1947, Công đoàn BĐVN từng bước khẳng định vai trò của mình, và trở thành người đồng hành tin cậy của người lao động. Hiện nay, Công đoàn BĐVN quản lý 125 công đoàn trực thuộc với hơn 80.000 đoàn viên và trên 1.300 công đoàn cơ sở. Ghi nhận 60 năm nỗ lực cố gắng của Công đoàn BĐVN, ngày 30/8/2007, thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Công đoàn BĐVN.
10 năm phát triển và hội nhập của Internet Việt Nam
Ngày 19/11/1997, Việt Nam đã chính thức kết nối vào mạng Internet toàn cầu. Sau 10 năm phát triển, Việt Nam đã có hơn 5 triệu thuê bao Internet, với hơn 18 triệu người sử dụng thường xuyên, chiếm 21,6% dân số, vượt mức trung bình của thế giới và châu Á. Việt Nam là nước triển khai khá sớm nhiều dịch vụ Internet hiện đại như điện thoại Internet, Wimax, Wifi. Internet đã thâm nhập ngày càng sâu rộng vào mọi hoạt động KT-XH của đất nước và đời sống của người dân, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và xây dựng xã hội thông tin.
Thống nhất triển khai Chương trình ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước
Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng triển khai Đề án 112, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước sẽ được triển khai theo Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Trên cơ sở Nghị định này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và trình Chính phủ để ban hành Chương trình ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước triển khai Nghị định và Chương trình ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì và phối hợp xây dựng một số văn bản như Nghị định về quy chế quản lý đầu tư các dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thông tư hướng dẫn về chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho ứng dụng CNTT; Khung tương hợp Chính phủ điện tử, Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, Quy chế xây dựng, cập nhật và duy trì các cơ sở dữ liệu quốc gia ...
Công nghiệp CNTT khởi sắc
Năm 2007, một loạt tập đoàn CNTT, điện tử và viễn thông hàng đầu thế giới tiếp tục đầu tư lớn hàng tỷ USD vào Việt Nam như tập đoàn Intel, Foxconn, Nidec, Compal, Panasonic, Renesas... Không chỉ hấp dẫn các tập đoàn sản xuất phần cứng, một loạt các công ty lớn trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT như Yahoo, Microsoft, IBM, Vodafone, eBay... cũng tăng cường mở rộng hoạt động và hiện diện thương mại tại Việt Nam, đưa lĩnh vực công nghiệp CNTT trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư năm nay của đất nước.
Sản phẩm điện tử, vi tính và linh kiện của Việt Nam tiếp tục là một trong các sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của đất nước và đạt giá trị 2,18 tỷ USD. Bên cạnh đó, công nghiệp nội dung số và dịch vụ trực tuyến năm nay phát triển mạnh. Hàng loạt cổng thông tin trực tuyến, các công cụ tìm kiếm trực tuyến và các mạng xã hội tiếng Việt ra đời đã thu hút được đông đảo người tham gia từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến với người dân.
Thành lập Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam
Đây là sự kiện mang tính lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của toàn ngành BCVT Việt Nam. Sau 62 năm gắn bó khăng khít cùng hoạt động và hạch toán chung, hai khối bưu chính và viễn thông đã chính thức tách riêng. Việc tách riêng hoạt động của hai lĩnh vực nhằm hướng tới chuyên môn hoá việc quản lý và cung cấp dịch vụ cho xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho viễn thông hội nhập toàn diện và bưu chính từng bước phát triển độc lập, tự chủ để tiến tới tự cân đối thu chi và kinh doanh có lãi sau năm 2013.
Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành xuất bản, in, phát hành sách Việt Nam
Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Nhà in Quốc gia, từ đó đến nay, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách cả nước.
Từ cuốn sách “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra đời năm 1927, là tác phẩm cách mạng đầu tiên do chính những người thợ in Việt Nam làm ra từ những phương tiện hết sức thô sơ cho đến những cuốn sách ngày nay như “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” với phương tiện in ấn, xuất bản, phát hành hiện đại, các thế hệ những người làm công tác xuất bản, in, phát hành trong cả nước đã gửi đến nhiều thế hệ bạn đọc trong nước và quốc tế về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến và thời kỳ hoà bình, đổi mới và hội nhập quốc tế. Thông qua những cuốn sách, tờ báo, ngành xuất bản, in, phát hành đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, nâng cao nhận thức, dân trí, đạo đức và lối sống cho nhiều thế hệ người đọc suốt 55 năm qua.
Tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí
Thực tiễn 8 năm ban hành, Luật Báo chí sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo thuận lợi cho hoạt động báo chí có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định.
Tuy nhiên, bên cạnh đó Luật Báo chí sửa đổi cũng bộc lộ một số bất cập trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, khi hoạt động báo chí đang có những bước phát triển mới. Vì vậy, để bổ sung Luật Báo chí hiện hành nhằm khắc phục những mặt chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu đồng thời tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí với sự tham gia của đông đảo các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí và các tổ chức có liên quan đến hoạt động báo chí.
Giảm giá cước và công khai chất lượng các dịch vụ viễn thông
Trong bối cảnh giá cả hàng hoá và dịch vụ trên thị trường tiếp tục tăng cao, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông trên cơ sở nâng cao hiệu quả SXKD đã đồng loạt giảm mạnh các giá cước điện thoại quốc tế, thuê kênh, di động từ 15% đến 50%, góp phần bình ổn giá, phát triển sản xuất và giảm chi tiêu cho người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Năm 2007 là năm đầu tiên Cục Quản lý chất lượng BCVT – CNTT chính thức công khai chất lượng dịch vụ di động và Internet của các nhà khai thác viễn thông. Động thái này đã giúp doanh nghiệp có nhận thức và hành động cụ thể nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quy định, góp phần bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Ý kiến bạn đọc