Khảo sát điểm lộ nước kasrt, thiết kế mô hình cấp nước cho thị trấn Mèo Vạc

14:27, 27/11/2007

(HGĐT)- Mèo Vạc là một trong những địa phương thiếu nước trầm trọng nhất tỉnh ta. Vào cuối mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, người ta phải dùng xe cơ giới và các phương tiện thô sơ chở nước từ nơi khác về cung cấp cho thị trấn và làng bản lân cận.


 

 Hồ trữ nước xã Tả Lũng, Mèo Vạc - Hà Giang. (Ảnh: Yến Khanh)

Xuất phát từ nhu cầu cấp bách đó, năm 2006- bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, Viện Địa chất thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai đề tài “Khảo sát điểm lộ nước Karst thị trấn Mèo Vạc, lựa chọn công nghệ, thiết kế mô hình cấp nước”. Sau hơn 2 năm thực hiện, đề tài đã đạt được những kết quả rất khả quan, làm cơ sở quan trọng để giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho Mèo Vạc nói riêng và các huyện vùng cao tỉnh ta nói chung.

Huyện Mèo Vạc là cao nguyên đá vôi, phổ biến với các đỉnh núi đá tai mèo, các thung lũng hẹp, phát triển mạnh các phễu karst, giếng karst và các hang động khô. Nước dưới đất ở Mèo Vạc chủ yếu thuộc loại hình nước khe nứt –kasrt. Chúng tồn tại chủ yếu ở dạng nước vách núi, nước cấu trúc nông và nước hang động. Nước cấu trúc nông phân bố ở độ cao tương đối lớn (1200-1300m) lưu lượng xuất lộ nước lớn nhưng không ổn định mà thay đổi theo từng trận mưa và theo mùa. Cực đại là 0,02- 0,05m3/s, cực tiểu là 0,05-0,011m/s. Vậy nên, việc xác định được các điểm xuất lộ nước có lưu lượng nước lớn để xây dựng các điểm cấp nước là hết sức khó khăn. Do đó mục tiêu chính của đề tài là phải tìm ra các điểm xuất lộ nước trên địa bàn huyện.

Từ đặc điểm địa chất cũng như địa hình của vùng đất này, đề tài đã khảo sát, thống kê được 35 điểm xuất lộ nước có lưu lượng đáp ứng việc xây dựng các điểm cấp nước tập trung. Qua nghiên cứu và đánh giá, đề tài đã đưa ra 3 giải pháp công nghệ chính để khai thác nước tại các điểm xuất lộ nước kasrt khu vực Mèo Vạc. Giải pháp thứ nhất, là giải pháp vách nhả nước và hào thu nước đối với khu vực nguồn nước. Là kỹ thuật khai thác nước trong các sườn vách nước, can thiệp kỹ thuật để nước ngầm xuất lộ nhân tạo khi tạo vách đứng, nước sẽ chảy ra từ vách núi, sau khi kết hợp với hào thu nước sẽ tập trung về nơi chứa, trữ. Giải pháp thứ hai, là giải pháp bể thu điều hoà lưu lượng nguồn, áp dụng cho các nguồn tự chảy có lưu lượng dao động mạnh; Giải pháp thứ ba, là công nghệ hồ treo trữ nước điều hoà nguồn thu và cấp nước. Giải pháp này thường được xây dựng trên cao và lợi dụng các phần hạ thấp của địa hình để làm vị trí xây hồ- công nghệ áp dụng nhằm trữ nước tối đa và cấp nước theo yêu cầu sử dụng. Nước được dẫn tới hồ từ các điểm xuất lộ và vách nhả nước.

Trên cơ sở các điểm xuất lộ nước đã được khảo sát, giải pháp công nghệ được lựa chọn, đề tài đã tiến hành thiết kế mô hình cấp nước cho thị trấn Mèo Vạc. Trong những điểm xuất lộ nước ở thị trấn Mèo Vạc có 3 điểm xuất lộ nước có lưu lượng lớn, đó là các điểm: Đèo Gió, Dương Trung Nhân (phía Nam thị trấn), Sảng Pẻ. Điểm xuất lộ nước kasrt Sảng Pẻ nổi bật bởi có lưu lượng rất lớn trong các trận mưa và giảm nhanh chỉ trong 3- 4 ngày khi mưa kết thúc. Trong khi mưa lớn, lưu lượng đạt tới 50-70 L/s, sau 3-4 ngày lưu lượng giảm xuống 11L/s và thấp hơn.

Từ những ưu thế trên, đề tài đã lựa chọn điểm xuất lộ nước Sảng Pẻ để thiết kế mô hình cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Mèo Vạc. Giải pháp công nghệ được chọn ở đây là sử dụng hồ treo trữ nước. Các công đoạn kỹ thuật chủ yếu gồm: Vách nhả và hồ thu nước ở khu vực nguồn, bể điều hoà lưu lượng nguồn, hồ chứa trên nền phễu kasrt, đường ống dẫn xuyên núi, bể lọc tinh và hệ thống cấp nước tập trung. Giải pháp thiết kế đảm bảo tận thu nguồn nước bao gồm các hạng mục lớn như : Vách nước nhả dài 200- 300m, bể điều hoà dung tích 600m3, hồ chứa nước dung tích tối đa 15 vạn m3, đường ống dẫn xuyên núi 150m, bể lọc tinh 300m3. Việc khai thác nguồn nước Sảng Pẻ đòi hỏi áp dụng các công nghệ mới như: công nghệ tạo vách nhả nước, công nghệ chống sập và chống thấm đáy hồ, công nghệ khoan ngang xuyên núi. 
 

Nguồn nước Sảng Pẻ có chất lượng tốt, không mùi, không vị, tổng độ khoáng hoá nhỏ thuộc loại nước siêu nhạt. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng, tổng độ cứng nằm trong giới hạn cho phép sử dụng vào mục đích ăn uống, sinh hoạt theo tiêu chuẩn số 1329/2002/BYT của Bộ Y tế. Mô hình cấp nước điểm trên dự kiến sẽ xây dựng dự án đầu tư vào năm 2008. Khi đưa vào sử dụng, ngoài việc đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân thị trấn còn tạo ra cảnh quan đẹp cho thị trấn vùng cao Mèo Vạc.

Đề tài “ Khảo sát điểm lộ nước kasrt thị trấn Mèo Vạc, lựa chọn công nghệ, thiết kế mô hình cấp nước” do Viện địa chất thực hiện đã cơ bản đạt được các mục tiêu KHCN đã đề ra. Kết quả đã đưa ra được giải pháp cụ thể về xây dựng mô hình cung cấp nước địa hình kasrt. Đây cũng là cơ sở khoa học cho việc xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tại huyện lỵ Mèo Vạc, nhằm giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho địa phương trong những thời gian tới.


Yến Khanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sẽ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nếu sử dụng thực phẩm nhiễm dioxin
Các nhà khoa học cảnh báo về lượng chất độc da cam/dioxin còn tồn lưu trong đất tại khu vực sát sân bay Biên Hòa ( Đồng Nai) và người dân không nên sử dụng các thực phẩm tươi sống nuôi, bắt ở những vùng này.
31/10/2007
Ứng dụng thành công máy phát điện chạy bằng khí biogas
Phân viện Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung-Tây Nguyên đã ứng dụng thành công mô hình sử dụng khí biogas để chạy máy phát điện tại trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Hữu Thắng ở thôn 5, xã Hòa Ninh, Hòa Vang (Đà Nẵng).
29/10/2007
Đôi điều suy nghĩ về thực trạng cán bộ Tài nguyên & Môi trường cấp xã, phường hiện nay
(HGĐT)- Nếu như một cán bộ Tài nguyên & Môi trường cấp xã, phường được đào tạo một cách bài bản thì công tác quản lý Tài nguyên & Môi trường (TNMT) hiện nay được nhà nước giao phụ trách tham mưu cho chính quyền cơ sở bao gồm 6 lĩnh vực: đo đạc bản đồ, tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và khí tượng thuỷ văn.
26/11/2007
Nhiên liệu sinh học sẽ thay thế dần nhiên liệu truyền thống
"VN sẽ làm chủ việc sản xuất các dạng vật liệu, chất phụ gia phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH)- loại nhiên liệu được hình thành từ hợp chất có nguồn gốc động - thực vật, thân thiện với môi trường; đồng thời ứng dụng thành công công nghệ lên men hiện đại để đa dạng hoá các nguồn nguyên liệu cho quá trình chuyển hoá sinh khối thành NLSH".
26/11/2007