Giải pháp bảo vệ và phát triển rừng nguyên liệu giấy
(HGĐT)- Rừng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với cuộc sống con người, bởi sản phẩm từ rừng có rất nhiều công dụng và lợi ích, là nguồn nguyên liệu không thể thiếu đối với nhiều ngành sản xuất, trong đó có sản xuất giấy.
Mặt khác, rừng có ý nghĩa hết sức to lớn đối với việc giữ cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường sống. Thực tế cho thấy, ở đâu có nhiều rừng ở đó có khí hậu tốt, sẵn nguồn nước, sẵn chim thú, sẵn các sản phẩm từ rừng (thường được gọi là lâm thổ sản).
Trong bài viết này chúng tôi xin đưa ra một vài vấn đề về thực trạng bảo vệ và phát triển rừng hiện nay trên một số địa bàn trọng điểm của tỉnh ta. Điều nhận thấy trước tiên là phong trào bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) ở tỉnh ta đã và đang ngày càng sâu rộng trong nhân dân. Bên cạnh các chính sách đầu tư cho việc BV&PTR (như Chương trình 327 trước đây và 661 hiện nay của Chính phủ, cùng với các chủ trương, chính sách cụ thể của tỉnh), nhận thức của bà con các dân tộc cũng được nâng cao một cách đáng kể. Hầu như mọi người dân đều thấy được ý nghĩa quan trọng và lợi ích to lớn cả trước mắt và lâu dài của rừng và kinh tế rừng. Chính vì lẽ đó phong trào BV&PTR ở các địa phương trong tỉnh ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng. Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào này lại diễn ra chưa được như mong muốn. Có nơi phát triển quá mạnh, nhưng lại chưa hợp lý và mất cân đối. Chẳng hạn chỉ chú trọng đến việc trồng mới mà ít chú ý đến việc chăm sóc, bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng tái sinh và ngược lại; có nơi quá chú trọng đến các loại cây trồng mới (đặc biệt là keo) mà quên đi việc bảo vệ và phát triển rừng cây bản địa có thế mạnh (giang, nứa, vầu...). Điều này được minh chứng rất rõ nếu chúng ta đến thăm các khu rừng và vườn rừng ở một số xã thuộc các huyện vùng thấp như Bắc Quang, Quang Bình... Đến các nơi này chúng ta thật sự ngỡ ngàng trước những cánh rừng xanh bạt ngàn, nhìn thật thích mắt, song cũng không khỏi ái ngại và tiếc nuối khi khá nhiều rừng giang, nứa, vầu... (thuộc loại cây nguyên liệu sợi dài) bị bà con ta chặt phá và đốt đi để trồng keo, gây lãng phí rất lớn một lượng nguyên liệu sản xuất bột giấy đang có sẵn. Không thể phủ nhận những ưu điểm nổi bật của cây keo (người viết bài này cũng đã từng viết về các thế mạnh và lợi ích rất lớn của cây keo trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc cách đây không lâu), nhưng điều ấy không có nghĩa là chỉ có cây keo mới là cây lâm nghiệp có giá trị. Các loại cây nguyên liệu sợi dài kể trên thực sự là những loại cây lâm nghiệp bản địa hết sức quý báu do chúng phù hợp với đất đai, khí hậu trong vùng; chúng có sức phát triển cực kỳ nhanh và bền vững, cho sản phẩm lớn trong một thời gian ngắn và chóng tái sinh. Ngoài nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là sản xuất bột giấy, tiểu thủ công nghiệp (mây tre đan...), các loại cây như giang, nứa, tre, vầu, trúc, sặt... còn là nguồn thực phẩm (măng), là nguyên vật liệu, chất đốt quan trọng và thiết yếu cho sinh hoạt thường ngày của người dân. Việc phá chúng đi để trồng cây keo và một số cây lâm nghiệp khác chưa hẳn đã là một cách làm hay và hữu ích, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà nguyên liệu cho các nhà máy giấy và các xưởng sản xuất mây tre đan xuất khẩu trong tỉnh đang thiếu hụt một cách nghiêm trọng!
Việc thiếu nguyên liệu cho các nhà máy giấy mới hình thành và đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh ta rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng “khai thác non” rừng trồng, khai thác quá mức rừng tái sinh, thậm chí khai thác cả rừng phòng hộ và rừng đặc dụng... khiến nguồn tài nguyên rừng cạn kiệt, sẽ làm mất cân bằng sinh thái và gây hậu quả lớn về môi trường! Để giải “bài toán khó” về thiếu nguyên liệu, chúng tôi xin nêu thử mấy giải pháp dưới đây:
Một là, đối với các địa phương, cần tập trung vận động, hướng dẫn nhân dân BV&PTR một cách hợp lý và cân đối. Kiên quyết không cho phép người dân phá rừng cây bản địa thuộc các loại cây nguyên liệu sợi dài để trồng keo. Định hướng cho dân trồng keo ở những khu vực thuộc đất trống đồi trọc và các khoảng trống ở vườn rừng gia đình, ven quốc lộ, tỉnh lộ... Hướng dẫn, kiểm tra người dân khai thác rừng một cách hợp lý, có hiệu quả và không khai thác trắng, nhất là các rừng kinh tế. Hạn chế việc trồng rừng đồng loạt, trên diện rộng mà thiếu chiều sâu và chỉ có một vài loại cây nhất định. Chú ý đến việc trồng rừng gối vụ và đa dạng hoá các loại cây trồng (tất nhiên cũng phải xác định được một số cây trồng chính và chủ lực).
Hai là, đối với các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu, sản phẩm từ rừng (các nhà máy giấy, các cơ sở sản xuất, chế biến đồ gỗ, sản xuất mây tre đan xuất khẩu...) cần có giá cả thu mua hợp lý, có hình thức khuyến khích, đầu tư thoả đáng cho người dân trồng và bảo vệ rừng. Về lâu dài cần có chính sách đầu tư vốn cho người trồng rừng và mua sản phẩm của họ (theo thoả thuận giữa đôi bên) để người trồng rừng có tiền tái sinh vốn rừng và doanh nghiệp luôn dồi dào nguồn nguyên liệu để phát triển sản xuất một cách ổn định và bền vững.
Ba là, Nhà nước, trực tiếp là cấp tỉnh, cần có chính sách khuyến khích, ưu tiên hợp lý để phát triển rừng, nhất là đầu tư nguồn vốn cho phát triển rừng kinh tế, tái sinh vốn rừng, đảm bảo cho rừng khai thác liên tục mà không cạn kiệt và không suy thoái môi trường; đảm bảo đời sống của người dân trồng rừng ngày càng cao hơn, gắn bó với rừng hơn. Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ rừng, xử lý thích đáng những kẻ phá hoại rừng, trước mắt là ngăn chặn quyết liệt việc người dân phá rừng nguyên liệu sợi dài để trồng keo.
Hi vọng ý kiến trên đây sẽ là những gợi ý có ích cho các cấp các ngành trong việc BV&PTR nguyên liệu giấy đang thiếu hiện nay. Góp phần vào việc BV&PTR và bảo vệ môi trường sinh thái nói chung.
Ý kiến bạn đọc