Yếu tố quan trọng để phát triển tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường bền vững
(HGĐT)- Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khoá XV vừa ra Nghị quyết phê chuẩn kết quả rà soát qui hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đây là một quyết định chính xác và kịp thời của cơ quan quyền lực Nhà nước địa phương.
Diện tích rừng ở huyện Mèo Vạc được chăm sóc, bảo vệ tốt
Ảnh: Thế Học
Nghị quyết này tạo “hành lang pháp lý” và là tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh triển khai các chương trình, dự án phát triển rừng, góp phần đắc lực vào tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống của người dân vùng núi và bảo vệ môi trường bền vững...
Theo thống kê của ngành lâm nghiệp, toàn tỉnh Hà Giang có diện tích tự nhiên trên 792.000 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp và đất đồi núi chưa sử dụng là 573.000 ha, chiếm trên 72% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Điều đáng nói là, trong những năm gần đây việc qui hoạch phân chia 3 loại rừng (gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) và sử dụng đất lâm nghiệp của tỉnh được triển khai không đồng bộ, có nhiều vùng chưa được qui hoạch, có vùng qui hoạch chồng chéo; việc bố trí, sử dụng đất chưa hợp lý, chưa đúng quy định của Nhà nước, thậm chí sai mục đích, gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác tiềm năng của rừng và đất rừng, đặc biệt là phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5.12.2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát qui hoạch ba loại rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Chi cục Lâm nghiệp tỉnh phối hợp với Trung tâm Tài nguyên Môi trường Lâm nghiệp và các ngành chức năng tiến hành rà soát qui hoạch ba loại rừng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay cơ cấu ba loại rừng của tỉnh ta không hợp lý, tỷ lệ diện tích rừng phòng hộ ở một số huyện, xã quá lớn, dẫn đến thiếu diện tích rừng sản xuất cho nhân dân địa phương; ranh giới rừng đặc dụng của các khu bảo tồn thiên nhiên rộng nhưng nhiều nơi không đảm bảo các tiêu chí nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ...
Trong quá trình thực hiện việc rà soát, qui hoạch rừng phòng hộ, ngành lâm nghiệp và các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành xây dựng bản đồ phân cấp phòng hộ lý thuyết trên cơ sở hệ thống tiêu chí rừng phòng hộ của Bộ đã ban hành theo Quyết định 61/2005/QĐ-BNN; kiểm chứng ở thực địa kết hợp với tham vấn ý kiến của địa phương, các chủ quản lý kinh doanh rừng làm căn cứ để bổ sung và điều chính ranh giới các cấp phòng hộ phù hợp với thực tế ở địa phương; tổng hợp xây dựng bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ tỉnh. Đối với hệ thống rừng đặc dụng, tiến hành rà soát, qui hoạch lại phạm vi ranh giới các khu rừng Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN): Tây Côn Lĩnh, Phong Quang, Du Già, Bắc Mê, Bát Đại Sơn, Khau Ca. Các khu rừng này được rà soát, qui hoạch lại theo tiêu chí mới về rừng đặc dụng (theo Quyết định 62/2005/QĐ-BNN), những diện tích không đủ tiêu chuẩn sẽ được chuyển sang rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất. Đối với rừng sản xuất, thực hiện rà soát diện tích hiện có; qui hoạch diện tích rừng sản xuất từ quỹ đất đồi núi chưa sử dụng; chuyển những diện tích rừng phòng hộ trước đây ở khu vực ít xung yếu sang rừng sản xuất; định hướng phát triển các loại rừng sản xuất. Trên cơ sở kết quả rà soát 3 loại rừng, tiến hành tổng hợp lên bản đồ toàn tỉnh tỷ lệ 1/100.000, kèm theo đó là bộ số liệu diện tích các trạng thái rừng thuộc rừng đặc dụng và phòng hộ.
Kết quả rà soát, quy hoạch cho thấy: Về qui hoạch đất lâm nghiệp, theo số liệu rà soát năm 2005, hiện trạng có gần 402.500 ha; sau khi rà soát, quy hoạch, diện tích đất lâm nghiệp lên tới trên 552.000 ha, tăng gần 150.000 ha, được bổ sung từ quỹ đất đồi núi chưa sử dụng. Đối với rừng đặc dụng, trước khi rà soát, diện tích tự nhiên theo ranh giới các khu đặc dụng đã được phê duyệt là 114.527 ha, nhưng thực tế chỉ có 57.958 ha, còn lại là các loại đất khác xen kẽ; hiện tại dân sống trong ranh giới các khu BTTN tương đối nhiều, do vậy các diện tích không đảm bảo theo tiêu chí mới về rừng đặc dụng, sẽ được rà soát chuyển đổi. So sánh kết quả trước và sau rà soát cho thấy: Diện tích đất lâm nghiệp sau rà soát qui hoạch tăng so với hiện trạng năm 2005 là 193.765 ha; tương ứng với đó, rừng phòng hộ sẽ giảm 35.791 ha, rừng đặc dụng giảm 8.434 ha. Diện tích đất có rừng giảm 1.568 ha do quy hoạch chuyển sang đất xây dựng 20 hồ đập thuỷ điện nhỏ và đất khai thác khoáng sản của 40 mỏ quặng. Đáng chú ý là, diện tích rừng sản xuất tăng lên gần 150.000 ha, là loại rừng tăng nhiều nhất, phù hợp với chủ trương mở rộng diện tích rừng sản xuất, tạo điều kiện cho người dân địa phương được giao đất sản xuất lâu dài, từ đó họ có thể đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp, cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo. Khi đó người dân sẽ có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ và phát triển vốn rừng, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Kết quả rà soát, quy hoạch ba loại rừng tỉnh Hà Giang là căn cứ để điều chỉnh phân bố lại sản xuất lâm nghiệp, giao đất giao rừng... nhằm phục vụ cho công tác quản lý kinh doanh rừng hiệu quả hơn; đồng thời khai thác sử dụng hợp lý, có hiệu quả và tiết kiệm được tài nguyên đất đai, lao động trên từng địa bàn, nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp dân cư sống gần rừng...
Ý kiến bạn đọc