Công ty Cổ phần Xi-măng Hà Giang
Đầu tư cho công nghệ sản xuất và xử lý môi trường
(HGĐT)- Đến nay, Công ty Cổ phần Xi - măng Hà Giang đã tròn một năm đi vào hoạt động kể từ khi được cổ phần hoá. Chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm 2006, mức doanh thu của công ty đạt 21 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu khả quan để công ty đảm bảo duy trì sản xuất trong năm 2007 một cách an toàn và kinh doanh có lãi.
Công nhân nhà máy xi măng Hà Giang trong giờ sản xuất.
Trên địa bàn Hà Giang hiện nay, nhu cầu tiêu thụ xi-măng phục vụ cho xây dựng vô cùng lớn, khoảng từ 250-300.000 tấn mỗi năm. Đây thực sự là cơ hội và một thị trường tiềm năng cho sản xuất và tiêu thụ xi-măng. Từ thực tế đó, năm 2007, Công ty Cổ phần xi-măng Hà Giang đề ra kế hoạch sẽ cho ra lò 48.000 tấn xi-măng thành phẩm và 42.000 tấn Clinke, đáp ứng khoảng 20% so với nhu cầu thực tế. Để đạt được kế hoạch đề ra, ông Vũ Duy Chanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty tâm sự: Công ty hiện đang như một gia đình lớn, tất cả cán bộ, công nhân đều đoàn kết hăng say lao động, toàn bộ dây chuyền sản xuất đang hoạt động khá hiệu quả, đặc biệt nhờ sự chủ động đầu tư kịp thời nên năng suất và sản lượng xi-măng của công ty đạt hiệu quả khá cao. Trong 6 tháng đầu năm, công ty đã sản xuất được gần 21.000 tấn xi-măng, đạt trên 43,5% kế hoạch; gần 18.000 tấn Clinke; khai thác được 18.000m3 đá hộc và đá phụ gia... ngoài ra công ty đang tiến hành mở rộng quy mô khu vực mỏ khai thác đá nguyên liệu, phục vụ sản xuất xi măng và cung cấp toàn bộ đá xây dựng cho thị trường Hà Giang với mức tiêu thụ 1000m3 đá/ngày. Được biết mới đây, UBND tỉnh Hà Giang đã đồng ý cho công ty thực hiện triển khai nâng cấp chuyển đổi quy trình sản xuất xi-măng từ công nghệ xi-măng lò đứng sang công nghệ sản xuất xi-măng lò quay hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế với công suất 360.000 tấn/năm, nhằm tiết kiệm tối đa nguyên liệu, nhiên liệu, điện năng. Dự kiến năm 2008 khi dây chuyền mới đi vào hoạt động và để phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành sản xuất xi-măng trên đường hội nhập, Hội đồng quản trị sẽ quyết định loại bỏ hoàn toàn dây chuyền sản xuất lò đứng (sớm hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu), với mục tiêu thực hiện khai thác 75% công suất thiết bị, đảm bảo tiêu thụ ổn định 100% sản lượng sản phẩm do nhà máy sản xuất ra trong năm và những năm tiếp theo, đồng thời xây dựng phương án kinh doanh với mục tiêu sản phẩm của công ty sẽ chiếm lĩnh toàn bộ thị trường Hà Giang và có hướng đưa sản phẩm ra tiêu thụ tại các tỉnh lân cận... dự kiến đến năm 2010, nhà máy sẽ huy động tối đa công suất, theo đó giá thành sản phẩm sẽ được hạ xuống mức thấp nhất, đồng thời công ty dự định sẽ phát hành cổ phiếu, nhằm thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư khác.
Sản xuất kinh doanh nhằm đem lại lợi ích cho công ty, người lao động và đóng góp ngược lại cho xã hội là điều hiển nhiên theo quy luật phát triển, song điều chúng tôi quan tâm là cách làm ăn kể từ khi cổ phần hoá, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý chất độc hại và khí thải của nhà máy ra môi trường xung quanh... về điều này, ông Vũ Duy Chanh khẳng định: Để đảm bảo lợi ích sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả cao và có tính bền vững cho Công ty, trong một năm vừa qua, công ty đã đầu tư gần 9 tỷ đồng để mua máy móc thiết bị mới nhằm tăng năng suất, sản lượng, song chủ yếu là các máy móc xử lý khói bụi như: Hệ thống túi lọc bụi, dây chuyền bể lắng lọc khí thải, dây chuyền đóng bao mới... từ đó đã làm giảm tối đa lượng khói bụi (giảm trên 30% bụi so với trước đây) ra môi trường xung quanh. Tới đây, khi dây chuyền mới đi vào sản xuất, tình trạng ô nhiễm môi trường do khói, bụi gây ra sẽ còn được giảm xuống mức cho phép theo quy định.
Nhìn hàng cây trong khuôn viên nhà máy xanh tốt không có khói bụi bao phủ, các khu vực sản xuất được công nhân vệ sinh sạch sẽ sau mỗi giờ tan ca, chúng tôi tin lời ông nói, tin vào sự tồn tại, phát triển lâu dài trong tương lai của một nhà máy công nghiệp nằm trong lòng thị xã.
Ý kiến bạn đọc