Mấy suy nghĩ khi Xem Triển lãm về bảo tồn đa dạng sinh học
(HGĐT)- Từ ngày 13.6. 2007, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh phối hợp với Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia tổ chức “Triển lãm Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học động vật nuôi và động vật hoang dã vùng núi”, tại nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh.
Bảo trợ cho cuộc triển lãm này là Bộ KH & CN, UBND tỉnh Hà Giang và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Các đơn vị tham gia gồm: Trung thông Thông tin KH & CN Quốc gia, Văn phòng Dự án BiODIVA, Viện Chăn nuôi, Viện Công nghệ Sinh học, Sở GD-ĐT, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Giang.
Mục đích của cuộc triển lãm này nhằm mang đến cho người xem trong tỉnh những thông tin cần thiết và các hình ảnh sinh động về lĩnh vực đa dạng sinh học, về ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học động vật nuôi và động vật hoang dã trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (Tập trung ở ba tỉnh đang thực hiện dự án BIDIVA là Hà Giang, Nghệ An và Hà Tĩnh). Đối với tỉnh ta, hình ảnh các loại động vật gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, thuộc các bộ gen quý hiếm cần bảo tồn và phát huy (như bò vùng cao, trâu nước, lợn đen, gà Mông, dê núi, hươu sao…) chiếm một dung lượng khá lớn trong phòng trưng bày của triển lãm. Xem các hình ảnh (và cả mô hình thú nhồi bông) về các loại động vật nuôi và hoang dã đang có trên địa bàn tỉnh, người xem có cảm tưởng thêm yêu quý hơn, tự hào hơn, có trách nhiệm hơn đối với những con vật mà hàng ngày thấy quá đỗi thân quen, rất gần gũi với mình, nhất là khi họ biết được rằng, đấy chính là những động vật thuộc các bộ gen quý hiếm cần bảo tồn, nhân rộng. Khi lên vùng cao, được ăn thịt bò, thịt lợn đen và gà Mông ta cứ thấy thơm ngon hơn các thứ thịt cùng loại ở vùng thị xã và vùng thấp, bởi đó chính là các loại động vật mang nguồn gen quý hiếm, đặc biệt.
Xem triển lãm ta thấy, bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học là điều hết sức cần thiết, cả trước mắt và lâu dài. Nhưng làm cách nào để bảo tồn và phát huy được các giá trị đa dạng sinh học, đặc biệt là duy trì và phát triển được các loài động vật quý hiếm (cả vật nuôi và hoang dã), lại là vấn đề không dễ giải quyết, bởi bản thân người dân (đặc biệt là người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) đa phần chưa ý thức được hết các giá trị đa dạng sinh học mà mình đang có; cùng đó là tình trạng săn bắt trái phép động vật hoang dã vẫn đang có chiều hướng gia tăng, làm cho một số động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng!
Người viết bài này cứ suy nghĩ mãi một điều, vì sao người nước ngoài (Đại sứ Pháp) ở mãi xứ Tây xa xôi lại biết và quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học vùng núi nước ta, mà chính người dân ta lại chưa coi trọng đúng mức vấn đề này? Người viết không có ý trách cứ ai khi nêu ra câu hỏi như vậy, thực lòng chỉ muốn nêu vấn đề để các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân trong tỉnh, nhất là người dân vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thấy được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học - những thứ mà mình đang sẵn có hiện nay - đừng để đến khi chúng mai một, thậm chí mất đi, mới vội vã bỏ tiền của ra để bảo tồn!
Mấy suy nghĩ nhỏ khi xem một triển lãm rất bổ ích. Hi vọng trong thời gian không xa, việc bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học sẽ được đẩy mạnh ở tỉnh ta, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy những giá trị quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, mãi mãi phục vụ cho lợi ích của con người.
Ý kiến bạn đọc