Các chương trình chống virus mới nhất

22:02, 20/05/2007

Các chương trình gây hại (malware) nói chung hay virus máy tính nói riêng đang ngày một trở nên đa dạng và nguy hiểm. Đối phó với tình trạng này, các nhà phát triển phải liên tục cho ra đời và hoàn thiện sản phẩm chống virus. Năm 2007, Kaspersky Anti-Virus 6, Norton AntiVirus 2007, BitDefender Antivirus 10 và NOD32 là những chương trình phòng chống virus đáng lưu ý trên Windows Vista.


Kaspersky Anti-Virus 6

Chương trình chống virus mới nhất của Kaspersky Lab tỏ ra cực kỳ hiệu quả với tỷ  lệ nhận dạng malware lên đến 96% và khả năng diệt hoàn toàn là 86%. Chức năng Proactive Defense cho phép nhận dạng và chống lại cuộc "đổ bộ" của những virus hay malware chưa có trong cơ sở dữ liệu, nhưng hoạt động không tốt lắm khi chỉ phát hiện một nửa trong số hơn 200 mẫu thử. Ngoài ra, Kaspersky còn tích hợp chức năng chống phishing, quét qua dữ liệu truyền đi thông qua các giao thức như POP3, SMTP, IMAP và NNTP. Nó cũng theo dõi lưu lượng HTTP để nhận dạng các hiểm họa từ web. 

Kaspersky có giao diện đẹp mắt và trực quan cho phép bạn dễ dàng thiết đặt các cấu hình quét một cách dễ dàng. Nó phản ứng rất nhanh với các hiểm họa từ bên ngoài và hơn nữa rất ít ảnh hưởng đến tốc độ của hệ thống. Tuy nhiên, số tiền phải trả cho "ngôi sao" này là không ít: 50 USD để tải chương trình (60 USD nếu mua box trực tiếp), chưa kể lệ phí 35 USD phải trả hằng năm. Với số tiền này, bạn sẽ được hỗ trợ miễn phí thông qua e-mail và điện thoại trong giờ làm việc từ thứ hai đến thứ sáu.

Theo đánh giá của PC World lẫn CNET thì Kaspersky Anti-Virus 6 là sản phẩm diệt virus tốt nhất năm 2007. 

Norton AntiVirus 2007

Kể từ khi ra mắt vào 1990, đã có hơn 100 triệu người trên thế giới sử dụng Norton AntiVirus. Với cơ sở dữ liệu gồm hơn 75.000 virus các loại, tính năng LiveUpdate cực kỳ tiện dụng, Norton AntiVirus là chương trình diệt virus đồ sộ và rất phổ biến. 

Không phức tạp như trước, giao diện Norton AntiVirus phiên bản 2007 được thiết kế lại rất sáng sủa và đơn giản. Các cửa sổ riêng biệt của Norton Protection Center và Norton AntiVirus đã được chuyển thành từng tab trong một cửa sổ duy nhất. Một nút Fix Now cho phép bạn theo dõi và sửa chữa những gì hoạt động không đúng. Ngoài ra, trang hiển thị kết quả quét cũng đã được thiết kế lại để dễ dàng xem và tùy chọn các chức năng kèm theo. 

Với chi phí 40 USD để mua chương trình và 39 USD lệ phí hằng năm cùng 10 USD cho mỗi lần hỗ trợ kỹ thuật, Norton AntiVirus là chương trình đắt nhất xét về lâu dài và các khoản chi phí phát sinh. Tuy nhiên, có lẽ điều đó cũng xứng đáng với khả năng tìm và diệt virus mạnh mẽ không hề thua kém Kaspersky; khả năng kiểm tra toàn diện cả trong những dữ liệu gửi nhận của MSN, Yahoo và AOL; và đặc biệt, không còn ảnh hưởng nhiều đến hệ thống như các phiên bản trước.  

BitDefender Antivirus 10

BitDefender Antivirus 10 là chương trình phòng thủ 2 trong 1 với khả năng chống virus lẫn chống spyware khá hiệu quả. Nó nhận diện được 96% phần mềm có hại, nhưng tỷ lệ diệt được chỉ khoảng 70%. Ngoài ra, nó còn có 0,1% khả năng nhận sai các tập tin vô hại là malware. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện virus chưa có trong cơ sở dữ liệu thì lên đến 61% (nếu so với 50% của Kaspersky và Nortor AntiVirus). 

Theo mặc định, chương trình sẽ quét kiểm tra toàn hệ thống hằng ngày. Nó sẽ kiểm tra lưu lượng e-mail trên các giao thức POP3 và SMTP, ngoài ra còn tích hợp rất tốt với Microsoft Outlook, Outlook Express và Windows Mail để chống spam. Một tính năng hữu dụng khác là Privacy Guard cho phép kiểm tra khi thông tin cá nhân như thẻ tín dụng bị đánh cắp.  Với giá khá "mềm" 30 USD và phí gia hạn 22 USD/năm, BitDefender Antivirus 10 lẽ  ra đã trở thành một phần mềm diệt virus được ưa chuộng.  Thế nhưng nhược điểm lớn là nó lại làm chậm hệ thống một cách đáng kinh ngạc. Theo thử nghiệm của PC World, tỷ  lệ làm chậm hệ thống của BitDefender lên đến 124%. Để mở một ứng dụng như Firefox trên Windows Vista, bạn cần gấp 3 lần thời gian để làm một điều tương tự trên máy không có BitDefender. Tuy nhiên, nhà sản xuất tuyên bố đây chỉ là lỗi trong phiên bản dành cho Vista và sẽ có bản vá trong thời gian tới.

NOD32

Chương trình chống virus trị giá 39 USD NOD32 của Công ty Eset là một lựa chọn tương đối hợp lý. NOD32 có những thiết đặt chuẩn mực ngay từ khi vừa cài đặt vào máy mà một khách hàng bình thường không cần phải hiệu chỉnh thêm. Có lẽ vì thế mà nếu muốn thay đổi các tùy chọn, bạn buộc phải trải qua một giao diện bị lạm dụng kỹ thuật một cách thái quá. Và nhất là, không có hướng dẫn nào nếu bạn không tự tìm kiếm tại trang chủ http://www.nod32.com.

Điểm mạnh nhất của NOD32 là khả năng nhận dạng virus mới lên đến 79%, bỏ xa các đối thủ còn lại. Tuy nhiên, các phần khác thì lại tỏ ra không mấy ấn tượng với 90% các malware thử nghiệm bị nhận diện, trong đó chỉ 55% được diệt hoàn toàn. Một kết quả đáng thất vọng. Chương trình tích hợp khá tốt với Outlook và Outlook Express nhưng lại không hề kết hợp với bất kỳ ứng dụng chat nào để kiểm tra file gửi, nhận và các siêu liên kết đáng ngờ. 


Thanh niên Online

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các nước Đông Nam Á sẽ xây dựng tuyến cáp quang tới Mỹ
17 tập đoàn viễn thông của nhiều quốc gia vừa thành lập một tổ hợp công ty để chuẩn bị xây dựng một tuyến cáp quang băng thông rộng ngầm dưới biển, liên kết giữa Đông Nam Á và Mỹ với một khoản chi phí lên tới 500 triệu USD.
30/04/2007
Chế tạo thành công thiết bị đun nước bằng năng lượng mặt trời
Nhóm kỹ thuật Sở Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Năng lượng (Bộ Công nghiệp) vừa chế tạo thử nghiệm thành công thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời nhằm phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
29/04/2007
Tự học tiếng Anh với các website
Tại trang web www.rong-chang.com, hàng loạt giáo trình được đưa lên, người học có thể vào đây và tự học theo khả năng của mình. Tại đây, người học có thể học theo các dạng như tiếng Anh cho thầy giáo, tiếng Anh trẻ em.
27/04/2007
Các nước châu Á- Thái Bình Dương bàn về tiêu thụ và sản xuất bền vững
Từ ngày 25 đến 27-4, Hội nghị bàn tròn châu Á- Thái Bình Dương về tiêu thụ và sản xuất bền vững lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội.
27/04/2007