Quản Bạ, ứng dụng khoa học - công nghệ
Trong những năm qua, huyện Quản Bạ có chỉ số tăng trưởng KT - XH rõ nét. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệphóa - hiện đại hóa ở huyện.
Ứng dụng tiến bộ KHKT vào thực tế sản xuất luôn được huyện Quản Bạ ưu tiên hàng đầu. Trong những năm qua, Quản Bạ đã chủ động ứng dụng những tiến bộ KHKT tiên tiến vào sản xuất. Xác định thế mạnh hiện có của mình và quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để hình thành các mô hình điểm. Đến thời điểm hiện nay, huyện Quản Bạ đã đưa các giống lúa, ngô mới có năng suất cao vào gieo cấy như Nhị ưu 838, Nhị ưu 735, ngô CP 989, CP 999, LVN 10, Q2... có năng suất và sản lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Việc áp dụng các đề tài, dự án khoa học trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến nông sản, chăn nuôi đã được huyện triển khai trên diện rộng, đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế. Như một số vùng sản xuất: Mô hình hồng không hạt, rau hoa chất lượng cao xã Quyết Tiến; dự án sản xuất, quảng bá thương hiệu rượu ngô Thanh Vân; dự án trồng thảo quả ở các xã Tùng Vải, Tả Ván, Cao Má Pờ, chế biến thảo quả khô, thảo quả muối, miến dong tại Công ty 567 thị trấn Tam Sơn; mô hình trông su su, lê Đài Loan, trồng cỏ nuôi trâu, bò hàng hóa; mô hình nâng cao sản lượng, chất lượng ngô; dự án bình tuyển đàn trâu, bò giống tốt, phục vụ chương trình nuôi trâu, bò hàng hóa... Đây là những mô hình đã góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị kinh tế.
Việc nâng cao trình độ canh tác, sản xuất cho nông dân là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất. Hàng năm, thông qua các chương trình, dự án, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã trực tiếp tập huấn, hướng dẫn, hội thảo đầu bờ để chuyển giao kỹ thuật tới nông dân. Với cách làm “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ thuật canh tác trực tiếp tại ruộng, nương đã giúp bà con nắm vững kiến thức, kỹ thuật canh tác, ứng dụng hiệu quả những tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Chú trọng khơi dậy nguồn lực tại chỗ; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, huyện Quản Bạ khuyến khích cán bộ, công nhân, viên chức, các thành phần kinh tế, tùy theo ngành nghề của mình có khả năng nghiên cứu ứng dụng KHKT vào sản xuất, mở rộng liên doanh, liên kết với các trung tâm khoa học để kêu gọi đầu tư. Huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ kinh phí, xây dựng mô hình để thử nghiệm. Đây chính là một trong những định hướng quan trọng trong việc phát triển khoa học và công nghệ tại địa phương.
Đồng chí Lệnh Thế Hội, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Khoa học huyện, cho biết: Xác định phát triển khoa học-công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất là động lực phát triển KT - XH của địa phương, Quản Bạ đã chú trọng nghiên cứu, áp dụng các đề tài, dự án khoa học - công nghệ vào sản xuất theo nhu cầu và lợi thế của từng vùng để triển khai thực hiện. Với cách làm không chạy theo phong trào, xây dựng mô hình có chọn lọc, có tính khả thi và đem lại hiệu quả kinh tế cao mới thực hiện nhân rộng mô hình, dự án. Thực tế, với cách làm này, đến thời điểm hiện nay,một số chương trình dự án đã thành công và rất hiệu quả như: Dự án sản xuất rượu ngô Thanh Vân; dự án trồng, chế biến thảo quả khô, thảo quả muối; dự án hồng không hạt, rau hoa quả Quyết Tiến; mô hình sản xuất vải lanh thổ cẩm Lùng Tám…và nhiều chương trình dự án khác nhau được triển khai. Có thể thấy việc đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, ứng dựng tiến bộ KHKT vào sản xuất là yếu tố quyết định trong phát triển KT - XH.
Khoa học và công nghệ là nền tảng quyết định sự tăng trưởng trong phát triển KT - XH. Với huyện Quản Bạ, tuy còn nhiều khó khăn, trở ngại bởi nhiều yếu tố điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, trình độ dân trí... Thế nhưng, với chiến lược ưu tiên cho phát triển khoa học và công nghệ, coi trọng đẩy mạnh việc ứng dụng KHKT, tiếp nhận những công nghệ mới vào sản xuất, chính là yếu tố quyết định sự thắng lợi trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn miền núi ở Quản Bạ.
Ý kiến bạn đọc