Một đề tài vì người lao động

08:47, 22/02/2007

Cuối tháng 10.2006, Hội đồng Khoa học tỉnh đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp cơ bản nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước được sắp xếp, đổi mới tại Hà Giang”, có mã số: KX - HG - 03 (05).


Đây là đề tài khoa học xã hội đề cập đến một vấn đề bức thiết, nóng bỏng, mang tính thời sự hiện nay tại tỉnh ta là việc làm và đời sống cho công nhân lao động, nhất là lao động tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được sắp xếp, đổi mới. Mục tiêu của đề tài là đánh giá một cách khoa học về thực trạng việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động (NLĐ), để từ đó xây dựng được các giải pháp về giải quyết việc làm một cách thiết thực, khả thi, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho NLĐ, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN sau sắp xếp, đổi mới. Vì vậy có thể nói đây là một đề tài “vì người lao động”. Cơ quan thực hiện đề tài này là Liên đoàn Lao động(LĐLĐ) tỉnh Hà Giang, do cử nhân Ấu Xuân Chiểu, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, làm Chủ nhiệm; Sở KH&CN trực tiếp quản lý. Đề tài có sự phối hợp chặt chẽ của Sở Lao động - Thương binh & xã hội, Cục Thống kê, LĐLĐ các huyện thị, công đoàn ngành và các DNNN của tỉnh.

 

Trong quá trình triển khai, những người thực hiện đề tài đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã lý giải được tính cấp bách và tất yếu của việc sắp xếp, đổi mới các DNNN; nêu bật được vai trò, vị trí của giai cấp công nhân và NLĐ trong DNNN gắn với vấn đề giải quyết việc làm, chăm lo đời sống của NLĐ. Tiếp đó đề tài đã tập trung điều tra, nghiên cứu, phân tích thực trạng về việc làm, thu nhập, đời sống của NLĐ trong các DNNN được sắp xếp, đổi mới trên địa bàn tỉnh một cách chi tiết, trong đó nêu bật được nguyên nhân ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống và những nhu cầu bức thiết của NLĐ hiện nay, đặc biệt là nhu cầu tìm việc làm đối với lao động dôi dư. Khảo sát 30 DNNN trong diện sắp xếp, đổi mới (tính đến thời điểm 31.12.2004) có tổng số3.749 lao động (1.769 nữ), bình quân mỗi DN có khoảng 230 lao động; tổng số lao động dôi dư sau sắp xếp, đổi mới là 1.618 người, chiếm trên 43,15% tổng số lao động (trong đó có 774 lao động nữ). Trước đổi mới DNNN có 14,5% lao động thiếu việc làm dưới 3 tháng/năm; 3,6% thiếu việc làm từ 3 đến 6 tháng/năm; 5,1% thiếu việc làm trên 6 tháng... Sau đổi mới, sắp xếp lại DN, tình trạng thiếu việc làm tuy có được cải thiện hơn (trong số lao động được tiếp tục làm việc, số thiếu việc làm từ 3 tháng trở lên chỉ còn 2,32%), nhưng do quá trình thực hiện cổ phần hoá và chuyển đổi DN để đi vào hoạt động theo mô hình DN mới diễn ra còn chậm nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ, do đó số LĐ thiếu việc làm dưới 3 tháng chiếm 22,1%. Riêng đối với lao động dôi dư (còn trong độ tuổi lao động) số thiếu việc làm từ 3 tháng trở lên chiếm tới 18%, vì khi về gia đình họ không có đất sản xuất, thiếu vốn kinh doanh và chưa kịp chuẩn bị cho mình một nghề mới để tiếp tục ổn điịnh cuộc sống lâu dài...

 

Vấn đề đáng quan tâm nhất của đề tài là đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho NLĐ trong các DNNN được sắp xếp, đổi mới. Những người thực hiện đã nêu ra 3 nhóm giải pháp, gồm: nhóm giải pháp tạo động lực cho bản thân NLĐ (tuyên truyền giáo dục, tổ chức phong trào CNLĐ giúp nhau tìm việc làm); nhóm giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện nâng cao khả năng làm việc và tìm việc làm cho CNLĐ (đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho NLĐ; tư vấn giới thiệu việc làm cho CNLĐ); nhóm giải pháp giúp tạo việc làm mới cho CNLĐ (thu hút đầu tư, hỗ trợ khuyến khích phát triển SXKD cho các DNNN sau sắp xếp, đổi mới; cung cấp vốn tín dụng ưu đãi cho CNLĐ tạo việc làm mới; vận động, giúp đỡ CNLĐ đi xuất khẩu lao động). Ngoài ra, đề tài còn đề xuất một số đề án cụ thể do công đoàn triển khai, đó là: Đề án thành lập Ban liên lạc CNLĐ dôi dư của tỉnh; đề án thành lập Trung tâm giới thiệu việc làm và Trường dạy nghề Công đoàn tỉnh Hà Giang (đều dưới dạng đề cương sơ bộ).

 

Sau một năm thực hiện (từ tháng 6.2005 đến tháng 6.2006) đề tài đã hoàn thành toàn bộ nội dung và mục tiêu đề ra với chất lượng tốt và có tính khả thi cao. Trong quá trình triển khai, Ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để thu thập thông tin, tài liệu, tổ chức điều tra... xây dựng báo cáo đánh giá khoa học; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học cấp ngành, cấp tỉnh; xin ý kiến tham gia tư vấn của các chuyên gia thuộc Viện Công nhân Công đoàn Việt Nam, Trường Đại học Công đoàn, Viện Quản lý kinh tế - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

 

Đề tài đã được Hội đồng Khoa học cấp ngành nghiệm thu và đánh giá tốt; được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh bỏ phiếu xếp loại xuất sắc.


Nguyễn Trần Bé

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đề tài khoa học góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT-XH
(HGĐT)- Tôi đã được tiếp cận với nhiều đề tài khoa học ở các lĩnh vực khác nhau. Có đề tài đọc xong, dư âm đọng lại chẳng là bao. Nhưng cũng có đề tài đã để lại nhiều ấn tượng. Ấn tượng bởi ý nghĩa xã hội, sự tâm huyết, tập trung trí tuệ của người làm khoa học.
29/01/2007
Việt Nam tiếp tục nghiên cứu sản xuất thuốc chống cúm gà
Bất chấp thông tin mới nhất liên quan đến tình trạng kháng Tamiflu - thuốc được xem hiệu nghiệm nhất hiện nay trong phòng chống cúm gà- từ hai ca tử vong ở Ai Cập, các nhà khoa học Việt Nam cam kết vẫn tiếp tục nghiên cứu sản xuất thuốc chống cúm gà do virus H5N1 gây ra.
25/01/2007
Sắp có nhà máy sản xuất xăng sinh học tại Hậu Giang
Công ty TNHH Sơn Hà đang hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xăng sinh học, công suất 300 triệu lít /năm, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
24/01/2007
EVN Telecom sẽ triển khai mạng 3G từ quý 2 tới
EVN Telecom dự kiến sẽ đưa ra dịch vụ điện thoại định vị đầu tiên dựa trên việc triển khai hệ thống 3G từ quý 2 tới.
24/01/2007