Mang đến cho nhiều bà mẹ niềm hạnh phúc
Ðến đầu năm 2007, có hơn 2.000 trẻ em ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên hiện nay đã 8 tuổi. Tuy nhiên, so với thụ tinh trong ống nghiệm có chi phí cao, thời gian điều trị kéo dài, hiện nay, kỹ thuật nuôi trưởng thành trứng non (IVM) là kỹ thuật tiên tiến nhất, có nhiều "ưu thế" hơn trong hỗ trợ sinh sản.
Chương trình triển khai IVM của Bệnh viện Từ Dũ đang là chương trình IVM thành công nhất và lớn nhất ở Ðông - Nam Á sẽ đem cơ hội làm mẹ cho nhiều phụ nữ Việt Nam.
Kỹ thuật này chính thức triển khai từ tháng 9-2006 và đã thành công ngay từ trường hợp đầu tiên. Ðến nay, gần 100 trường hợp phụ nữ hiếm muộn được áp dụng kỹ thuật IVM, một nửa trong số này đã có kết quả tốt, thai bắt đầu phát triển. Em bé đầu tiên áp dụng IVM sẽ ra đời vào tháng 6-2007.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Trưởng khoa Hiếm muộn cho biết: "IVM là kỹ thuật điều trị phức tạp phối hợp các phác đồ về lâm sàng, nội tiết, đồng thời phải kết hợp kiến thức về sinh lý tế bào noãn, quy trình nuôi cấy gồm nhiều bước". Ðiểm đáng chú ý là kỹ thuật IVM đặc biệt thích hợp với những trường hợp người bệnh bị buồng trứng đa nang, đối tượng thường gặp khi đến khám ở Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ và nhiều bệnh viện chuyên khoa trong cả nước.
IVM được thực hiện trên thế giới từ năm 1991, có hiệu quả nhất ở các nước Hàn Quốc, Ðan Mạch, Ca-na-đa, Nhật Bản. Ðội ngũ bác sĩ và kỹ sư sinh học của Bệnh viện Từ Dũ nghiên cứu áp dụng kỹ thuật IVM tại các trung tâm lớn, có uy tín như Bệnh viện CHA (Hàn Quốc) - trung tâm thực hiện IVM thành công đầu tiên trên thế giới, Bệnh viện Maria (Hàn Quốc)-trung tâm IVM lớn nhất thế giới hiện nay và trung tâm IVM Osaka lớn nhất ở Nhật Bản..., sau đó lựa chọn phác đồ phù hợp với người dân Việt Nam.
Với kỹ thuật IVM, chi phí cho một ca điều trị vô sinh chỉ còn khoảng 15 triệu đồng, rẻ hơn 1/3 thụ tinh trong ống nghiệm thông thường. Trong khi đó, thời gian điều trị chỉ từ 7-10 ngày. Ðồng thời kỹ thuật này giúp an toàn cho bệnh nhân, nhờ loại trừ được nguy cơ quá kích buồng trứng. Số lần siêu âm theo dõi ít hơn và không cần thử máu. Hy vọng, trong tương lai không xa, kỹ thuật này có thể tiến hành phân lập trứng non từ mô buồng trứng và trữ lạnh trứng non cho những bệnh nhân ung thư cần hóa trị hay xạ trị.
Ðến nay, trên thế giới, ước tính đã có hơn 400 em bé ra đời từ kỹ thuật IVM. IVM được các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ sinh sản đánh giá là một tiến bộ vượt bậc và có khả năng thay thế thụ tinh trong ống nghiệm để điều trị vô sinh. Giáo sư Ga-bơ Cô-vác, giám đốc Trung tâm thụ tinh ống nghiệm của Trường đại học Melburn, Australia, trung tâm lớn nhất về hỗ trợ sinh sản thế giới cho biết: "Kỹ thuật này khẳng định vị trí của Bệnh viện Từ Dũ về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong khu vực và cả trên thế giới".
Ý kiến bạn đọc