Những thành quả của hoạt động KH&CN năm 2006
Tiếp nối thành tích của những năm qua, năm 2006 ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh ta đã triển khai nhiều đề tài, dự án thiết thực và có hiệu quả; từng bước đổi mới quản lý KHCN theo tinh thần Luật Khoa học và Công nghệ. Các nhiệm vụ nghiên
cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh được tổ chức tuyển chọn kỹ và bám sát các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Trong năm 2006 có 40 đề tài, dự án đăng ký, trong đó được thẩm định thuyết minh 20 nhiệm vụ và được tỉnh phê duyệt 19 đề tài, dự án.
Đáng chú ý trong số đề tài đã được thực hiện năm 2006 (cả chuyển tiếp và đề tài, dự án mới) là: Các đề tài điều tra cơ bản và môi trường đã xây dựng được cơ sở dữ liệu cho quy hoạch phát triển các loại cây trồng chủ lực phục vụ phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp; nghiên cứu các giải pháp knh tế kỹ thuật, khai thác và sử dụng nguồn nước lộ Karst phục vụ cấp nước cho đồng bào vùng cao; điều tra, khảo sát an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của môi trường tự nhiên đối với sức khỏe cộng đồng dân cư khu vực Bản Máy (Hoàng Su Phì).
Về lĩnh vực nông lâm nghiệp và chăn nuôi, có 7 dự án mở rộng, tập trung giải quyết các vấn đề xây dựng mô hình cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị hàng hoá cao để nhân rộng. Nổi bật là các đề tài, dự án: Mở rộng mô hình trồng và thâm canh cây thảo quả đỏ ở Quản Bạ; sản xuất giống đậu tương ở Mèo Vạc; mở rộng mô hình thâm canh đậu tương và cỏ Goatêmala tại Đồng Văn; sản xuất đậu tương và lúa Tám thơm tại Quang Bình; nâng cao chất lượng vườn cam để phát triển uy tín nhãn hiệu “Cam sành Hà Giang”; điều tra, tuyển chọn cây ăn quả giống gốc có chất lượng cao...
Lĩnh vực giao thông, công nghiệp và xây dựng, tiếp tục tập trung vào các tiến bộ kỹ thuật về ứng dụng công nghệ xử lý môi trường cho các nhà máy gần khu vực dân cư, như lò giết mổ gia súc tại Thị xã Hà Giang; Xử lý nước thải Nhà máy giấy Long Giang (Bắc Mê); chuyển giao công nghệ sản xuất thức ăn gia súc quy mô trang trại; ứng dụng công nghệ mới trong chăm sóc sức khoẻ và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; ứng dụng công nghệ để xử lý môi trường nông thôn, rác thải y tế, tái chế thành những sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống; Mở rộng công nghệ sản xuất nâng cao chất lượng rượu ngô Thanh Vân (Quản Bạ)...
Khối khoa học xã hội và nhân văn bao gồm các đề tài: Điều tra nghiên cứu vị trí, vai trò già làng, trưởng họ một số tộc người thiểu số ở Hà Giang; Nghiên cứu thực trạng hoạt động tư pháp ở cơ sở - đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoật động của mạng lưới tư pháp cơ sở; Thực trạng và giải pháp chuẩn hoá đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức xã, phường, thị trấn ở tỉnh Hà Giang; Điều tra, khảo sát các di sản tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh; Giải quyết những vấn đề bức xúc phục vụ giáo dục ở trường phổ thông v.v...
Ngoài việc thực hiện các đề tài, dự án kể trên, trong năm qua Sở KHCN còn tiến hành việc đánh giá, nghiệm thu 2 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 1998-2002, đó là các dự án: Điều tra, khảo sát nguồn nước Karts xây dựng mô hình cấp nước điểm tại Cao nguyên Đồng Văn; ứng dụng công nghệ bơm va phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho cụm dân cư. Cùng đó là việc quản lý dự án ứng dụng TBKT xây dựng mô hình sản xuất cây giống rau, hoa và rau quả thương phẩm chất lượng cao tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ) được Bộ KH&CN phê duyệt và ủy quyền, triển khai thực hiện trong năm 2006.
Ngoài ra, trong năm qua ngành còn thực hiện hiện hàng loạt công tác chuyên môn khác, như: Quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ hạt nhân, trong đó trọng tâm là công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, tư vấn cấp phép, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh An toàn bức xạ...
Có thể nói, mặc dù còn một số đề tài, dự án kết quả chưa được như mong muốn, song những việc đã làm được trong năm 2006 của ngành KH&CN là rất đáng ghi nhận. Đó là cơ sở tạo ra niềm tin cho bước phát triển tiếp theo của ngành trong thời gian tới.
Ý kiến bạn đọc