Hỏi – đáp về một số tình huống trong quá trình bầu cử

08:10, 20/04/2016

Hỏi: Trường hợp người vừa câm, vừa điếc lại không biết chữ thì có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?

Trả lời: Người vừa câm, vừa điếc không thuộc các trường hợp quy định không được ghi tên vào danh sách cử tri, do đó vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về việc viết và bỏ phiếu, nếu họ không tự viết được phiếu bầu thì áp dụng theo quy định: cử tri nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình kiểm tra và tự bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Hỏi: Việc xác định người mất trí trong khi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tiến hành như thế nào?

Trả lời: Mất trí là tình trạng mất hết khả năng hoạt động trí óc, khả năng nhận thức, suy nghĩ, phán đoán... Mất trí là một nội dung của khái niệm mất năng lực hành vi dân sự. Việc xác định người bị mất năng lực hành vi dân sự được căn cứ vào quyết định của Tòa án hoặc do bệnh viện tâm thần hoặc chuyên khoa tâm thần của bệnh viện đa khoa xác nhận. Người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ không được thực hiện quyền ứng cử và bầu cử.

Hỏi: Những sự kiện bất ngờ làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu được xử lý như thế nào?

Trả lời: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục trong ngày bầu cử. Trường hợp có những sự kiện bất ngờ làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu, thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cho Ban bầu cử biết, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.

Trường hợp vì lý do đặc biệt phải hoãn ngày bỏ phiếu, thì Tổ bầu cử phải kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử biết để đề nghị Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định.

Hỏi: Bầu cử lại là gì? Có bao nhiêu trường hợp phải bầu cử lại? Việc bầu cử lại phải tuân theo những trình tự, thủ tục nào?

Trả lời:Trường hợp đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu ở cấp đó.

Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử tỉnh đề nghị Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử lại ở đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri.

Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định ngày bầu cử lại ở đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri sau khi đã báo cáo và được sự đồng ý của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Một trường hợp khác phải tổ chức bầu cử lại là khi ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Khi đó Hội đồng bầu cử quốc gia tự mình hoặc theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh hủy bỏ kết quả bầu cử ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đó.

Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên. Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.

Danh sách cử tri của cuộc bầu cử lại được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên và theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu QH khóa XIV và ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021

BHG- Tối 30.3, tại tổ 12, UBND - Ủy ban MTTQ phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

31/03/2016
Hội nghị tổng kết tháng thanh niên và triển khai kế hoạch tuyên truyền bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp

BHG- Ngày 30.3, Tỉnh đoàn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết tháng thanh niên năm 2016 và triển khai kế hoạch tuyên truyền bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Tham dự có: cơ sở Đoàn 11 huyện, thành phố. 

31/03/2016
Cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 của các thế lực thù địch, phản động

BHG- Đối với mỗi người dân Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là dịp thể hiện quyền công dân cao nhất, bằng việc lựa chọn người đủ đức, đủ tài làm đại diện cho mình. 

25/03/2016
Họp Tiểu ban đảm bảo phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021

BHG- Ngày 22.3, Tiểu ban đảm bảo phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 của tỉnh đã tổ chức cuộc họp, đánh giá tiến độ công tác chuẩn bị phục vụ và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của tiểu ban. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Tiểu ban đảm bảo phục vụ Ủy ban Bầu cử tỉnh chủ trì cuộc họp.

23/03/2016