Xã hội hóa công tác "Đền ơn, đáp nghĩa" góp phần phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"

14:50, 22/07/2017

BHG- Khi Tổ quốc cần, lớp lớp thế hệ lên đường, sẵn sàng hy sinh máu xương, tuổi trẻ để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước. Và khi hòa bình lập lại, là lúc để chúng ta cùng phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, chăm lo cho người có công. Với đạo lý đó, hàng chục năm qua, chúng ta đã đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, thúc đẩy việc xã hội hóa chăm lo cho người có công. Với Hà Giang, dù còn rất nhiều khó khăn, là một trong những địa phương thoát khỏi chiến tranh muộn nhất, nhưng nhiều năm qua cùng với việc giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho người có công và thân nhân, tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”; thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình ghi công liệt sĩ.

Có thể nói, công lao và sự hy sinh của các Anh hùng, liệt sĩ, các thương, bệnh binh và những người có công với đất nước là vô giá. Chính vì thế, sinh thời Hồ Chủ tịch luôn nhắc nhở các cấp, các ngành, các địa phương phải thực hiện tốt chính sách hậu phương - quân đội; chăm lo, giúp đỡ những gia đình có công, các thương, bệnh binh. Cùng với chế độ, chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Hà Giang đã chú trọng việc xã hội hóa công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, góp phần đưa công tác này ngày càng phát triển cả về chiều rộng và bề sâu. Công tác xã hội hóa “Đền ơn, đáp nghĩa” thực sự được chú trọng trên địa bàn toàn tỉnh, đạt được những kết quả to lớn, huy động được sức mạnh của toàn xã hội cùng ghánh vác trách nhiệm chung.

Dưới sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền mà trọng tâm là sự tham gia của ngành Lao động thương binh và xã hội, việc xã hội hóa công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” đã và đang được thực hiện với những việc làm cụ thể như: Xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương; nhận chăn sóc, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam Anh hùng; giúp đỡ, chăm sóc các thương, bệnh binh, bố, mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ mồ côi và nhiều hoạt động thiết thực ở cơ sở.

Theo ghi nhận, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã đóng góp, xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được trên 12,37 tỷ đồng; xây mới 52 nhà tình nghĩa, trị giá 2,784 tỷ đồng; sửa chữa, xây mới 59 nhà, giá trị gần 900 triệu đồng. Trong tỉnh có 2 bà mẹ Việt Nam Anh hùng được một số cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời; các cơ quan, đơn vị đã tặng 324 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá trên 489 triệu đồng. Tại các địa phương, đơn vị, trường học, con em các thương, bệnh binh, liệt sỹ ngoài chế độ, chính sách của Nhà nước còn được quan tâm, ưu tiên về hoạt động giáo dục, việc làm... Thực hiện phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác chăm lo cho thương, bệnh binh, liệt sĩ, người có công, toàn tỉnh có 186/195 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. 98% số hộ chính sách có mức sống bằng hoặc hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Tiêu biểu trong phong trào này là các huyện: Mèo Vạc, Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình và T.p Hà Giang.     

Một số điển hình trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” giai đoạn 2013 – 2017 như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Chi nhánh Hà Giang đã ủng hộ và đóng góp cho hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị trên 36 tỷ đồng; nhiều địa phương như xã Linh Hồ (Vị Xuyên), xã Vô Điếm (Bắc Quang), xã Phương Thiện, phường Minh Khai (T.p Hà Giang)..., đã vận động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”. Các đơn vị như Huyện Đoàn Xín Mần, Bắc Quang, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang, Bộ Chỉ huy Quân sư huyện Quang Bình... đã có nhiều hoạt động chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, cùng nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ đến những Anh hùng, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng...

Song song với việc xã hội hóa công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TƯ, ngày 15.5.2013 của Bộ Chính trị và Quyết định số 1237/QĐ-TTg, ngày 27.7.2013 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động Thương binh và xã hội phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự sỉnh tham mưu cho tỉnh thành lập Ban chỉ đạo 1237 cấp tỉnh để triển khai nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Sở phối hợp với các đơn vị, các cơ quan báo chí, thông tin và truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.

Qua 5 năm từ 2013 đến nay, với sự quan tâm, tận tình và chu đáo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và nhiều đơn vị, nhân dân, toàn tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 60 bộ hài cốt liệt sĩ. Giải mã phiên hiệu, ký hiệu đơn vị được 236 lượt người, gửi 43 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ về Bộ Lao động Thương binh và xã hội để giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ. Ngành Lao động Thương binh và xã hội cũng đã phối hợp đón 228 lượt thân nhân lên thăm, viếng nghĩa trang liệt sĩ. Hàng năm, tổ chức đưa đón thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng mộ liệt sĩ tại nhiều nghĩa trang liệt sĩ tại Cao Bằng, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Thanh Hóa...

Cùng với việc thực hiện tốt chính sách với người có công của Đảng và Nhà nước, công tác xã hội hóa ĐƠĐN với sự chăm lo, đùm bọc của xã hội đã động viên, khích lệ các gia đình thương, bệnh binh, liệt sĩ không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, học tập. Những tấm gương thương, bệnh binh vượt khó làm giàu, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ tham gia xây dựng quê hương, đất nước có ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, trở thành những tấm gương sáng trong cộng đồng. 

Sùng Đại Hùng (Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách người có công trên địa bàn tỉnh

BHG- Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (TBLS)  (27.7.1947- 2017), phóng viên (PV) Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, về thực hiện chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công (NCC) với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

22/07/2017
Người thương binh giàu nghị lực

BHG- Đó là thương binh Trần Văn Thư, ở thôn Việt Thành, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) sinh năm 1959, quê ở Nam Sách – Hải Dương. Năm 1978, khi chiến tranh biên giới Tây Nam đang vào giai đoạn khốc liệt, ông Trần Văn Thư khi ấy vừa tròn 19 tuổi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, rời quê hương sang chiến đấu ở chiến trường Campuchia, giúp nước bạn chống lại quân Khmer Đỏ.

22/07/2017
Vượt lên số phận, trở thành điểm tựa của gia đình

BHG- Năm 23 tuổi, chàng thanh niên trẻ Ma Văn Dụng (sinh 1966) ở thôn Me Hạ, xã Vô Điếm (Bắc Quang) tạm biệt những người anh em, bạn bè cùng trực gác bảo vệ biên giới Vị Xuyên để trở về quê hương do vết thương nặng trong quá trình lao động. 

22/07/2017
Chung tay cùng địa phương "Đền ơn, đáp nghĩa"

BHG- Mỗi năm cứ đến dịp tháng Bảy, mỗi người dân Việt Nam lại hướng tới những hoạt động tình nghĩa, tưởng nhớ đến các Anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Và rồi có hàng ngàn những cuộc hành trình của CCB, gia đình thương binh, liệt sỹ đến với Vị Xuyên, Thanh Thủy thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương tri ân các Anh hùng, liệt sỹ tại Nhà bia ghi tên các Anh hùng, liệt sỹ tại xã Thanh Thủy. 

22/07/2017