“Chìa khóa vàng” mở cánh cửa thành công: Kỳ 2: “Cẩm nang” quý để Hà Giang phát triển
BHG - Cách đây 63 năm, ngày 26.3.1961 Bác Hồ lên thăm Hà Giang. Đây là sự kiện trọng đại, ghi dấu mốc lịch sử quan trọng - tỉnh ta lần đầu tiên và là lần duy nhất được đón Bác lên thăm. 8 lời căn dặn của Người tại buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành “cẩm nang” quý để Hà Giang vững bước trên hành trình phát triển nhanh và bền vững.
Lan tỏa tình đoàn kết, yêu thương
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu: 8 lời căn dặn của Bác toát lên những định hướng lớn, mang tầm vóc cách mạng, tầm nhìn vượt thời gian cho sự ổn định, phát triển bền vững của tỉnh trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, con người và đạo đức cách mạng. Giá trị của những lời căn dặn đó bao gồm một hệ thống quan điểm lý luận toàn diện và sâu sắc về chiến lược, kế sách phát triển của tỉnh trong những bước đường đã qua, cho hiện tại và tương lai phát triển của tỉnh về sau.
Tại xã Tiên Kiều (Bắc Quang), lớp học xóa mù chữ được thực hiện vào buổi tối sau khi học viên kết thúc ngày lao động. |
Trong 8 lời căn dặn, Bác Hồ đặt yếu tố đoàn kết dân tộc lên hàng đầu, yêu thương chân thành đi liền sau đó: “Trước hết, tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, yêu thương giúp đỡ nhau như anh em một nhà”; bởi, đoàn kết là sức mạnh, then chốt của thành công. Từ tinh thần đoàn kết, yêu thương đã kết tinh thành nhiều phong trào thi đua yêu nước, tạo nên những giá trị to lớn vì Hà Giang phát triển. Điển hình có thể kể đến các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần, kiệm xây dựng đất nước”; “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” hay phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia” trong lực lượng vũ trang...
Từ “mảnh đất” đoàn kết, yêu thương nảy nở ngày càng nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang đến động lực phát triển mới. Nổi bật là quyết sách của cấp ủy tỉnh về xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở với định mức hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà từ 100% nguồn kinh phí xã hội hóa. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh huy động trên 4.000 tỷ đồng, hơn 343.000 ngày công hỗ trợ xây dựng 6.700 ngôi nhà đảm bảo chất lượng, phù hợp với kiến trúc, nhà ở truyền thống cho 249 gia đình chính sách, người có công, 605 cựu chiến binh nghèo, 2.086 hộ nghèo xã biên giới và 3.760 hộ nghèo xã nội địa. Kết quả này không chỉ vượt xa so với kế hoạch ban đầu là 2.000 nhà ở mà còn là minh chứng quan trọng cho tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau như anh em một nhà của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho chương trình để các đối tượng thụ hưởng thực sự có mái ấm “an cư lạc nghiệp”.
Nhìn lại chặng đường những năm 60 đến 90 của thế kỷ XX, khi đó điều kiện KT-XH của Hà Giang thuộc diện đặc biệt khó khăn, hơn nữa, còn là địa phương thoát ra khỏi chiến tranh muộn nhất so với cả nước. Nạn mù chữ và thất học cao lại có nguy cơ tăng nhanh, nhất là ở các huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi từ 6 - 14 tuổi đến trường mới đạt trên 40% và 80% dân số trong độ tuổi lao động mù chữ. Tháng 10.1991, sau khi tái lập tỉnh (chia tách từ tỉnh Hà Tuyên), trước tình hình đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỉnh ta đã đoàn kết “diệt giặc dốt” theo lời căn dặn của Bác: “Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ”.
Từ nguồn vốn xã hội hóa giúp nhiều hộ nghèo của xã Pả Vi (Mèo Vạc) xây được nhà ở kiên cố. |
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác giáo dục của tỉnh có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh có 820 cơ sở giáo dục, hơn 18.000 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 51,06%; tỷ lệ huy động học sinh 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99,23%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học hàng năm đạt từ 95% đến trên 97%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 97,53%. Đặc biệt, tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 25 biết chữ đạt 98,90%. Toàn tỉnh giữ vững kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
“Làm cho mọi người áo ấm, cơm no”
Ghi sâu lời Bác dạy: “Đời sống của đồng bào rẻo cao còn nhiều khó khăn, phải ra sức giúp đỡ đồng bào”, “ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no”; các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tương thân, tương ái vì an sinh xã hội. Trong đó, phát triển nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân lên đến gần 35,7 tỷ đồng (hoạt động không vì mục đích lợi nhuận) để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế.
Từ Quỹ hỗ trợ nông dân, toàn tỉnh có 734 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay gần 33 tỷ đồng để đầu tư các mô hình, dự án phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần quan trọng chuyển đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất quảng canh truyền thống sang thâm canh, áp dụng khoa học, kỹ thuật, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Thu nhập trung bình của các hộ tham gia mô hình, dự án tăng hơn 10% so với thời điểm chưa vay vốn, lợi nhuận từ 80 đến hơn 100 trăm triệu đồng/hộ/năm. Nhiều mô hình, dự án vay vốn đầu tư đạt hiệu quả cao như: Trồng hoa, cây cảnh tại xã Tân Quang (Bắc Quang); chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo tại xã Đông Hà (Quản Bạ); nuôi hươu sinh sản và lấy nhung tại thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên); nông dân làm dịch vụ du lịch, nhà nghỉ tại xã Lũng Cú (Đồng Văn)...
Những bungalow hình quẩy tấu tại khu nghỉ dưỡng H’Mong Village, xã Đông Hà (Quản Bạ) thu hút khách du lịch. |
4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh với 3/4 diện tích là núi đá. Nơi đây, 17 dân tộc cùng sinh sống phải thích nghi với đá, “Sống trên đá, chết vùi trong đá”. Thế nhưng, tận dụng thế mạnh của đá vững chắc và mát mẻ, đồng bào Mông sắp đặt khéo léo những viên đá thành đường đi và kiến tạo nên những hàng rào đá vững chãi không chỉ bảo vệ an toàn cho gia đình mà còn trở thành nét kiến trúc độc đáo, tạo điểm nhấn hút khách du lịch khám phá, trải nghiệm. Trên nương đá tai mèo sắc nhọn, để có lương thực, đồng bào Mông thực hiện thổ canh hốc đá để trồng ngô. Với không gian điệp trùng núi đá, nếu chăn nuôi bò thả rông thì bò không thể kiếm được thức ăn nên đồng bào làm chuồng nuôi bò nhốt, nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi.
Những dẫn chứng trên chỉ là mảnh ghép nhỏ trong bức tranh tổng thể về khát vọng chinh phục tự nhiên của đồng bào rẻo cao để có cuộc sống ấm no nhưng là bằng chứng thép cho tinh thần kiên trung bám đá giữ biên cương, “sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”. Khép lại quá khứ đói nghèo, lạc hậu, giờ đây, bằng những quyết sách quan trọng của tỉnh, 4 huyện vùng cao núi đá đã khoác lên mình diện mạo mới, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân có nhiều khởi sắc.
Đặc biệt, phong trào thi đua “Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hà Giang” được thực hiện sâu rộng trong toàn tỉnh, kết tinh nhiều thành quả trân quý, để Hà Giang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa KT-XH phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Giai đoạn 2021 – 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 5,94%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,66%. Năm 2023, giá trị thu hoạch bình quân đạt 62 triệu đồng/ha đất canh tác; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 293,58 triệu USD; lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt hơn 3 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch lên đến hơn 5.000 tỷ đồng; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 45,75%...
-----------
Kỳ cuối: Bình dị mà cao quý
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG - TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc