Ngành Y tế thực hiện tốt lời dạy của Bác
BHG - Ngày 27.2.1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi tới cán bộ ngành Y tại “Hội nghị cán bộ Y tế”. Trong thư, Bác dành những câu từ mộc mạc song đầy ý nghĩa, Bác dặn mỗi cán bộ y tế cần thật thà đoàn kết, phải yêu thương người bệnh và quan tâm chăm lo phát triển nền y học nước nhà. Bác nhấn mạnh “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích”. Thực hiện lời Bác dạy, trong những năm qua, ngành Y tế Hà Giang đã thực hiện hiệu quả các chương trình hành động về công tác y tế, dân số trong tình hình mới, góp phần thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.
Năm qua, công tác y tế đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao đạt và vượt 5/6 chỉ tiêu. Song song với đó, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, cụ thể đã tham mưu UBND tỉnh sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm Y tế huyện, thành phố; chuyển 12/18 Phòng khám Đa khoa khu vực về trực thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện.
Đoàn công tác Bộ Y tế và Sở Y tế kiểm tra thực tế các hộ mắc bệnh Bạch hầu tại xã Lũng Hồ (Yên Minh). Ảnh: TD |
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm được triển khai đồng bộ với nhiều biện pháp phòng dịch linh động, hiệu quả; các dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát tốt, các ca bệnh, ổ dịch được phát hiện, xử lý, khống chế kịp thời không để xảy ra dịch bệnh lớn; tập trung cùng chính quyền các địa phương bảo đảm công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Năm 2023, tỉnh ta ghi nhận sự xuất hiện trở lại của bệnh Bạch hầu, kể từ ca bệnh đầu tiên ngày 28.3.2023 tại huyện Mèo Mạc thì tính đến ngày 21.1.2024 Hà Giang ghi nhận 50 ca mắc, 5 ca tử vong; bệnh được ghi nhận rải rác chủ yếu tại 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Sau khi xuất hiện ca bệnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh Bạch hầu; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, điều tra, giám sát phát hiện ổ bệnh. Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh được chú trọng, hiện tại các khu vực có ca bệnh đã được kiểm soát.
Công tác quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm cũng luôn được chú trọng; các hoạt động phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, y học cổ truyền, an toàn thực phẩm, đào tạo phát triển nhân lực... tiếp tục được quan tâm. Công tác dân số có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện giảm sinh đạt 113,3% kế hoạch giao; tỷ suất sinh thô giảm xuống còn 17,41‰ năm 2023. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS được giám sát và kiểm soát tốt; duy trì việc triển khai các hoạt động điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, nhiễm trùng cơ hội và điều trị lao/HIV; duy trì hoạt động điều trị nghiện chất và hệ thống quản lý thông tin điều trị Methadone tại 6 cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: PHẠM HOAN |
Hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) có nhiều khởi sắc, công suất sử dụng giường bệnh chung đạt 109,9%. Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng ngày một nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở KCB tại tuyến huyện được đầu tư máy móc hiện đại và đồng bộ. Trong năm 2023, toàn ngành đã ứng dụng trên 130 kỹ thuật mới, 135 kỹ thuật cao và chuyển giao cho tuyến dưới 39 kỹ thuật đã góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị, giảm chi phí và thời gian cho người bệnh, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế cao, giảm tỷ lệ chuyển tuyến giúp giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sỹ tuyến dưới. Bên cạnh quan tâm đào tạo chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ thì việc đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại cũng luôn được chú trọng, điển hình là hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) hiện đại nhất hiện nay. Hệ thống DSA được xem là thủ thuật vàng trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mạch máu, trong năm 2023, kíp can thiệp động mạch vành của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVÐK) tỉnh đã chụp và can thiệp động mạch vành qua da độc lập cho gần 300 ca, 105 ca can thiệp đặt stent mạch vành.
Với mục tiêu lấy người dân là trung tâm, Sở Y tế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án: “Triển khai thí điểm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023 - 2025” nhằm nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đặc biệt là tuyến xã, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn. Cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.
Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành Y tế. Sở Y tế đã phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế, tập đoàn FPT, tập đoàn Viettel, tập đoàn VNPT tổ chức các hội thảo trực tuyến, trực tiếp về chuyển đổi số Y tế. Tại các cơ sở KCB, ngành Y tế đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ sức khỏe điện tử, kê đơn thuốc điện tử và sử dụng hệ thống phần mềm KCB (HIS), tiện ích VneID tích hợp hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT khi đi KCB. Hiện đã liên thông dữ liệu của hơn 1 triệu hồ sơ KCB của 17 cơ sở KCB trên toàn tỉnh và đang kết nối liên thông dữ liệu của 193 trạm Y tế với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; gần 12.000 đơn thuốc được kết nối liên thông với hệ thống đơn thuốc quốc gia...
Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự chung sức đồng lòng của mỗi cán bộ ngành Y tế, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
ThÙY Dung (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)
Ý kiến bạn đọc