Phát triển chăn nuôi theo lời dạy của Bác
BHG - Năm 2021 vừa tròn 60 năm ngày Bác Hồ lên thăm Hà Giang và dành những lời căn dặn thiêng liêng, vô giá cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Trải qua hơn nửa thế kỷ, những lời căn dặn của Người đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Trong đó, lời dạy: “Đồng bào cần phải phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn... là nguồn lợi lớn lại là nguồn phân bón ruộng, nương”, đã được các cấp chính quyền vận dụng linh hoạt, sáng tạo thông qua các chương trình, đề án phát triển chăn nuôi, từ đó góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân nơi rẻo cao cực Bắc.
Người dân xã Bản Máy (Hoàng Su Phì) đẩy mạnh chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG |
60 năm trôi qua, cũng là từng ấy thời gian 8 lời căn dặn của Bác trở thành “kim chỉ nam” trong quá trình phát triển của Hà Giang. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện 8 lời dạy của Bác đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đồng thời, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển KT - XH, đảm bảo AN - QP và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở mỗi địa phương.
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo những lời dạy của Người trong điều kiện của một tỉnh miền núi, biên giới, nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp; những năm qua tỉnh ta tập trung phát triển chăn nuôi thông qua nhiều chương trình, đề án và các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Ưu tiên, khuyến khích phát triển chăn nuôi hàng hóa, chăn nuôi theo quy mô trang trại. Tạo điều kiện về quỹ đất, nguồn vốn để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư vào phát triển chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi. Thực hiện bảo tồn nguồn gen bò Hà Giang, triển khai thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò để cải thiện, nâng cao tầm vóc, thể trạng cho đàn gia súc…
Với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi, đàn vật nuôi của tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 1.2021, tổng đàn trâu của tỉnh là 163.004 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 là 4.794 tấn, tăng 7,68% so với năm 2019. Tổng đàn bò là 122.788 con, năm 2020 sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3.987 tấn, tăng 7,03% so với 2019. Tổng đàn lợn 572.018 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 đạt 31.900 tấn, tăng 4% so với 2019. Tổng đàn gia cầm đạt 5.231,4 nghìn con. Giá trị chăn nuôi năm 2020 đạt 3.464,89 tỷ đồng; tỷ trọng chăn nuôi đạt 31,3%, tăng 2,19% so với 2019.
Công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò được các ngành chuyên môn và các huyện, thành phố đặc biệt quan tâm. Trong năm 2020, toàn tỉnh thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 5.222 con trâu, bò, thành công 3.995 con (trâu 622 con, bò 3.373 con). Lũy kế từ 2018 đến nay, toàn tỉnh thực hiện thụ tinh nhân tạo thành công cho 11.794 con (trâu 1.560 con, bò 10.234 con), số con đẻ ra là 10.648 con. Ưu điểm của thụ tinh nhân tạo là chất lượng con giống được nâng lên rõ rệt, nguồn con giống được kiểm soát, hạn chế tối đa lây lan bệnh tật, khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, trọng lượng của đàn trâu, bò.
Hiện nay, các huyện, thành phố đang tích cực triển khai tái đàn lợn sau khi công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Nguồn con giống sử dụng tái đàn chủ yếu từ các cơ sở sản xuất giống của tỉnh, ngoài ra các trang trại chăn nuôi và các hộ nuôi nhỏ lẻ cũng thực hiện việc tự sản xuất con giống tại chỗ nên nguồn cung con giống cho việc tái đàn cơ bản được đảm bảo.
Với mục tiêu tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp năm 2021 đạt 31,5%, tổng giá trị thu được từ chăn nuôi đạt 3.577,823 tỷ đồng; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa năm 2021, đẩy mạnh triển khai Đề án nửa triệu con đại gia súc, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các cấp, ngành triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn sinh học; chăn nuôi con giống bản địa có giá trị kinh tế cao. Khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng trang trại; hình thành các liên kết từ khâu sản xuất tới chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện đồng bộ các biện pháp trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt những bệnh mới nổi như bệnh tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đồng thời, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động chợ buôn bán gia súc tại các huyện để thúc đẩy giao thương buôn bán gia súc. Phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Bạc hà và thịt bò Hà Giang. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm chăn nuôi nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho người dân…
60 năm trôi qua kể từ ngày tháng Ba lịch sử năm 1961 khi Người lên thăm Hà Giang, những lời căn dặn của Bác đến nay vẫn còn vang vọng. Làm theo lời dạy của Bác, những mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi hiệu quả trên địa bàn ngày càng được nhân rộng, giúp đời sống đồng bào rẻo cao được nâng lên, để “mọi người, mọi nhà đều được áo ấm, cơm no” như ý nguyện của Người.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc