"Gieo mùa Xuân" đất nước
BHG - “Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước
càng ngày càng Xuân”
Thực hiện Lời dạy của Bác Hồ về việc trồng cây, gây rừng, mỗi mùa Xuân sang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh lại tích cực hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Người dân huyện Vị Xuyên trồng cây Xuân Tân Sửu. |
Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác được nhân dân cả nước đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp mỗi dịp Tết đến, Xuân về và là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.
Hưởng ứng Tết trồng cây và Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động, ngay từ những ngày đầu Xuân mới Tân Sửu, các địa phương trong tỉnh đã sôi nổi tổ chức phát động Tết trồng cây. Tại huyện Vị Xuyên, ngày 17.2 (tức mùng 6 Tết âm lịch), huyện đã long trọng tổ chức Lễ phát động trồng cây Xuân Tân Sửu. Là địa phương có diện tích rừng lớn, huyện luôn xác định việc trồng cây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục gắn với sự phát triển kinh tế, trồng rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cải thiện môi trường sinh thái, góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai. Ngay sau lễ phát động, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, nhân dân Vị Xuyên đã trồng hàng chục cây Nhội, Chò chỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện phát động Tết trồng cây gắn với Lễ hội xuống đồng và cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu tạo khí thế thi đua lao động sản xuất sôi nổi ngay từ đầu năm.
Cùng với Vị Xuyên các địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trong tỉnh đều tổ chức phát động “Tết trồng cây” gây rừng. Đặc biệt, năm nay, thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, nhiều địa phương đã vận động nhân dân gắn việc trồng cây với ra quân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, phủ xanh đất trống đồi trọc và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Tỉnh ta có địa hình đồi núi phức tạp, bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn nên dễ xảy ra hiện tượng xói mòn, sạt lở, lũ quét, hạn hán. Để cải tạo môi trường và giữ đất, giữ nguồn nước, góp phần quan trọng trong chủ động phòng, chống thiên tại và tạo ra nhiều sinh kế giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững; những năm qua, tỉnh đã chú trọng trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và ba loại rừng; triển khai mô hình đưa giống tốt vào trồng rừng. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh trồng được trên 38.721 ha rừng, trong đó rừng tập trung 13.343 ha, rừng trồng lại sau khai thác 18.100 ha, trồng rừng thay thế trên 674 ha, trồng cây phân tán 6.604 ha (tương đương trên 9,9 triệu cây xanh); triển khai cấp chứng nhận rừng bền vững cho trên 9.126 ha. Công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng được quan tâm, chú trọng và thực hiện đồng bộ. Các ngành chức năng tích cực ứng dụng CNTT trong theo dõi phòng cháy, chữa cháy rừng và diễn biến tài nguyên rừng. Nhờ vậy, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng qua từng năm. Năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%.
Tiếp tục mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển rừng, ưu tiên bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng kinh tế bằng giống tốt gắn với phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; tăng cường khoán quản lý, bảo vệ, giao rừng cho người dân và cộng đồng; đẩy mạnh phát triển vùng rừng nguyên liệu tại các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần để đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến phục vụ xuất khẩu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, áp dụng các giải pháp lâm sinh hữu hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dịch vụ môi trường rừng; bảo tồn đa dạng sinh học. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện công tác khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên trên 20.000 ha, rừng trồng mới tập trung trên 30.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%.
Sinh thời, khi đi làm việc tại các địa phương và trong các bài báo viết mỗi dịp Xuân về, Bác Hồ đều nhắc nhở các địa phương và nhân dân thực hiện “Tết trồng cây”; phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, trồng cây nào, chắc cây ấy; “Tết trồng cây” không phải chỉ một đợt và một năm thời mà “Tết trồng cây” cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục… Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, trồng một cây xanh không chỉ là gieo thêm một mầm xanh cho đất trời mà còn là gieo thêm “mầm hy vọng” cho mùa Xuân phát triển của đất nước.
Biện Luân – Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc