Bắc Mê phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
BHG - Khi Bác Hồ đến thăm Hà Giang, Bác có nói: “Đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Đồng thời, cải tiến nông cụ sản xuất; phát triển chăn nuôi gia súc; bảo vệ, trồng cây gây rừng”. Khắc ghi 8 lời dạy của Bác, huyện Bắc Mê triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, liên kết sản xuất; phát huy những mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của địa phương.
Đoàn Thanh niên thị trấn Yên Phú hỗ trợ người dân thôn Nà Phia gặt lúa. |
Nổi bật từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Nông nghiệp huyện đã bám sát sự chỉ đạo của huyện, tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, xã, thị trấn; sự đồng lòng của nhân dân tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó, tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương duy trì phát triển ổn định. Tổng diện tích lúa gieo cấy cả năm 2.746,7 ha, đạt 100 % so với kế hoạch. Cơ cấu giống lúa chủ yếu gồm Nhị ưu 838, Nhị ưu 725, Nhị ưu 986, Việt lai 20, CT16, Thiên ưu 8,... triển khai thực hiện 35 ha giống lúa VAS16 theo chương trình lúa chất lượng cao của tỉnh tại xã Yên Định và Yên Phong. Năng suất bình quân ước đạt 55,8 tạ/ha, đạt 99,8% so với kế hoạch, bằng 99,7% so với cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 15.330,2 tấn, đạt 99,8% so với kế hoạch, bằng 102,1% so với cùng kỳ. Toàn huyện có 26 hợp tác xã (HTX) và 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Một số HTX, doanh nghiệp có nhiều nét đổi mới, khởi sắc, tạo việc làm, thu nhập cho nhân dân; nhiều HTX đã mở rộng được sản xuấ,t kinh doanh, đầu tư thêm máy móc, nhà xưởng, tuyển thêm lao động, tạo ra nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Các HTX này đã chủ động xây dựng, thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái theo hướng sạch, hữu cơ.
Tiếp đó, Bắc Mê chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu ban hành Kế hoạch thực hiện liên kết, hợp tác với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp khoa học trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Trong đó tập trung vào 6 nội dung hợp tác, liên kết nghiên cứu, đầu tư phát triển trong các lĩnh vực: Phát triển chăn nuôi thủy sản; chăn nuôi đại gia súc; cây dược liệu; cây ăn quả; sản phẩm chè và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện. Đến nay, nhiều doanh nghiệp, HTX đã tạo ra nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh như các doanh nghiệp, HTX: Công ty Cổ phần đầu tư nông nghiệp Hà Giang trồng 290 ha chuối xuất khẩu. HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn (Minh Ngọc) liên kết trồng, chế biến tinh bột nghệ. HTX khởi nghiệp Thành Công (Yên Phú) trong việc sản xuất nghệ, rượu và các sản phẩm nông nghiệp. HTX Nà Xá hoạt động dịch vụ mạ khay, máy cấy, gặt. HTX Thiên Ân (Yên Cường) liên kết trồng dâu nuôi tằm...
Chất lượng sản phẩm nông sản có sự phát triển vượt bậc, toàn huyện có một sản phẩm đạt 4 sao (Tinh bột nghệ vàng, hộp 10 gói) của HTX tổng hợp nông, lâm nghiệp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc; có 7 sản phẩm đạt 3 sao; trong đó: 5 sản phẩm của HTX tổng hợp nông, lâm nghiệp Ngọc Sơn và 2 sản phẩm của HTX khởi nghiệp Thành Công, thị trấn Yên Phú. Sản phẩm nông nghiệp an toàn của Bắc Mê từng bước tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Ấu Quốc Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, cho biết: Phát huy những thành tựu, kinh nghiệm của những năm qua, thời gian tới ngành Nông nghiệp Bắc Mê sẽ tích cực tham mưu với các cấp, các ngành tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất gắn với phát huy lợi thế của địa phương và thị trường tiêu thụ. Tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiện đại, gắn với xây dựng Nông thôn mới, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp, HTX liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nhằm giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường; tăng hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên (đất, nước, rừng); quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt và chế biến...
Bài, ảnh: VĂN QUÂN