Chị Nguyễn Thị Hòa làm giàu từ nghề may trang phục dân tộc
BHG - Đam mê với nghề may cùng đôi tay khéo léo, chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Nà Quạc, xã Phú Nam (Bắc Mê) đã biến trang phục dân tộc mình thành sản phẩm hàng hóa được thị trường ưa chuộng. Hiện, sản phẩm của chị có mặt tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn... Những bộ trang phục đẹp, cầu kỳ của người Tày đã giúp chị phát triển kinh tế gia đình và tạo nguồn thu nhập cho nhiều chị em trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Hòa (bên phải) thực hiện các công đoạn hoàn thiện trang phục dân tộc. |
Nói về quá trình gây dựng nghề may, chị Hòa tâm sự: “Kinh tế gia đình trước đây phụ thuộc vào nghề nông, năm cũng chỉ một vụ. Tuy nhiên, khi ấy hai vợ chồng làm không đủ ăn, con cái lại nheo nhóc... bởi vậy, để có thêm thu nhập, mình đã đi học nghề may với mục đích phục vụ gia đình và bà con trong xã. Cách đây 9 năm, mình bắt đầu mang sản phẩm đi bán ở chợ phiên tại các xã trong huyện, qua đó nhận được nhiều khen gợi, ủng hộ của bà con, điều này đã trở thành động lực thúc đẩy mình mở rộng thị trường. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm của mình được nhiều người biết đến, từ đó số lượng, doanh thu không ngừng tăng”.
Mỗi bộ trang phục, chị bán ra thị trường với đầy đủ các phụ kiện của dân tộc Tày là: Khăn đội đầu, thắt lưng, giày, váy và áo... giá bán dao động từ 400 – 800 nghìn đồng/bộ. Cùng với đó, chị nhận hợp đồng may đồng phục tại các trường học cho học sinh, mỗi mùa từ 150 – 200 bộ. Ngoài việc bán ở các phiên chợ, hiện chị còn mang đến các gian hàng trưng bày và bán cho các điểm du lịch tại Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc... Bằng việc đa dạng mẫu mã sản phẩm và chất lượng đã giúp chị thu về khoảng 200 triệu đồng/năm. Những lúc nhiều đơn hàng, chị thuê thêm 5 - 6 chị em cùng làm, bình quân mỗi người thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng tùy vào năng suất lao động và sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Đời cho biết: “Mình tranh thủ lúc rảnh vào trưa và tối, hay những lúc nông nhàn đến làm thêm cho chị Hòa. Công việc nhẹ, chủ yếu là khâu cúc và đính hạt cườm, mỗi tháng được gần 3 triệu đồng giúp trang trải cuộc sống gia đình; hiện mình đang theo chị Hòa học cách cắt, may quần, áo...”.
Từ tháng 8 đến tháng 10 và những ngày giáp Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm nhiều đơn đặt hàng nhất, cơ sở của chị làm việc hết công suất cũng không trả kịp hàng cho khách. Những cuộn vải bày kín nhà, những bộ quần áo may xong chờ để chuyển cho khách chiếm hết diện tích căn nhà của chị. Chị Hòa cho biết thêm, mấy năm gần đây người dân có xu hướng diện những bộ quần áo dân tộc đi ăn cưới, lễ, Tết và các em cũng mang trang phục dân tộc đến lớp học... Bởi vậy, nhu cầu tăng cao, mỗi lần chi phí nhập vải cũng 40 – 50 triệu đồng, nhưng chỉ 3 tháng phải nhập tiếp. Những lúc nhiều đơn đặt hàng, các chị em phải thức cả đêm mới mong trả được đơn hàng...”.
Những họa tiết đơn giản và cách may trang phục người Tày đã được chị Hòa biến tấu khiến nó trở thành trang phục cầu kỳ, đẹp mắt, thể hiện được sự khéo léo, nhạy bén trong việc chọn phương thức kinh doanh và thị hiếu của người dân. Từ đó, giúp gia đình chị vững hơn về kinh tế, các con được hưởng những điều kiện tốt nhất và chị cũng trở thành tấm gương của nhiều chị em trong xã, trong huyện.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc