Trưởng thôn trẻ Giàng A Thào làm theo lời Bác
BHG - Vận động nhân dân làm và mở rộng hơn 5 km đường liên thôn; kêu gọi kéo đường điện dài 4 km đưa điện đến từng nhà dân; thay đổi nếp sống với việc ăn sạch, ở sạch; vận động nhân dân phát triển kinh tế..., đó là những việc mà chàng thanh niên Giàng A Thào, sinh năm 1993 đã và đang làm kể từ khi được bầu làm Trưởng thôn Lùng Thoá, xã Minh Sơn (Bắc Mê).
Đường mới, đường điện vào thôn Lùng Thóa có được nhờ công vận động tích cực của Giàng A Thào (đứng giữa). |
Giàng A Thào, dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo, bằng ý chí vươn lên trong học tập đã trở thành 1 trong 3 học sinh người Mông trong xã đầu tiên đi học ở Hà Nội. A Thào tâm sự: “Nhà mình nghèo, không có tiền ăn học, nhưng nếu không học thì khó có thể thay đổi được cuộc sống. Bởi vậy, 3 năm học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, mình xin gia đình chưa đến 3 triệu đồng. Để trang trải thêm, lúc rảnh mình tranh thủ đi làm thêm ở các quán ăn. Ra trường mình trở lại quê nhà, phát triển kinh tế gia đình. Đầu năm 2017 được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn...”.
Thôn Lùng Thoá có hơn 40 hộ dân, gồm người Mông và Dao, kinh tế trước đây chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, tự cấp, tự túc. Nhưng nơi đây có điều kiện thuận lợi như: Đất đai rộng lớn, chất đất tốt, thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Dù người dân chăm chỉ làm ăn..., nhưng vẫn nghèo vì chưa biết cách phát triển kinh tế. Được đi học, có kiến thức và tiếp cận nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế từ bên ngoài, Giàng A Thào đã quyết tâm thay đổi cách nghĩ của người dân. Ban đầu chính là việc vận động người dân thấy được lợi ích của việc đưa điện, mở đường ở thôn và vận động mọi người tham gia Chương trình 755 (hỗ trợ mở rộng diện tích đất canh tác). Từ vận động, tuyên truyền của A Thào, đã dần thay đổi trong cách nghĩ và cách làm của người dân ở Lùng Thóa.
Dù còn rất trẻ, lại làm Trưởng thôn, để người dân nghe và làm theo không phải dễ dàng, đó là cả một quá trình. Trước đây, khi A Thào đi vận động, nhiều hộ nói “bao giờ có tiền Nhà nước cho mới làm, giờ chưa cần làm”... Nhưng nhớ câu nói của Bác Hồ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, để thay đổi tư duy trông chờ này, đầu tiên, A Thào thực hiện tuyên truyền, vận động thay đổi từ trong gia đình mình, sau đó là họ hàng và khi có kết quả mới chuyển sang vận động người dân. “Từ 30% rồi lên đến 70% và giờ đây là 100% số hộ dân trong thôn đã cùng chung sức góp tiền, góp công trong việc mở đường liên thôn, kéo điện về thôn. Nhiều hộ dân còn bán cả trâu, bò để thuê máy xúc về mở rộng diện tích đất canh tác...”, A Thào tâm sự.
Anh Nông Chí Bền, Phó Bí thư Đoàn xã Minh Sơn, cho biết: “A Thào chính là tấm gương thanh niên tiêu biểu của xã, là người dám nghĩ và dám làm. Bằng việc hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn của bà con trong thôn, từ đó A Thào đã vận động người dân quyên góp được hơn 370 triệu đồng kéo điện về từng hộ dân; 30 triệu đồng mở rộng đường cùng nhiều ngày công... Những con số này so với mức thu nhập của người dân là khá lớn, nhưng với việc không bỏ cuộc, A Thào đã khiến người dân thay đổi cách nghĩ, cùng đồng lòng và chung sức xây dựng quê hương...”.
Cùng với việc xây dựng quê hương giàu, đẹp, Giàng A Thào cũng xây dựng cho gia đình nhỏ của mình một nền tảng kinh tế vững chắc với 300 gốc chanh tứ mùa, hơn 3 ha cây dâu tằm; kết hợp chăn nuôi 2 con trâu, 4 bò, nhiều lợn, gà và cây ăn quả... Những việc làm của A Thào đã thể hiện được vai trò và nhiệt huyết của tuổi trẻ trong việc “học tập” và “làm theo” lời Bác Hồ dạy khi người lên thăm Hà Giang, góp sức xây dựng dựng quê hương, là tấm gương điển hình cho các bạn trẻ noi theo.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc