Người phụ nữ điển hình ở Khuổi Niếng

06:59, 29/06/2017

BHG- Là 1 trong số 100 đại biểu được vinh danh trong Chương trình “Tự hào phụ nữ Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức vào tháng 3.2017, chị Hoàng Thị Sen (trong ảnh) để lại nhiều ấn tượng về hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi và luôn giúp đỡ phụ nữ nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông con tại thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành (Bắc Quang); Học hết lớp 7, chị Sen phải bỏ dở giấc mơ đến trường để ở nhà phụ giúp gia đình và lo cho các em ăn học. 20 tuổi, chị lập gia đình với một chàng trai cùng làng có đủ đầy tình yêu thương nhưng cũng bị cái nghèo đeo đẳng như gia đình chị; thế nên tài sản riêng có của đôi vợ chồng trẻ chỉ là chút của hồi môn ít ỏi được hai gia đình tặng lúc cưới.Giờ đây, chị đã có một gia đình nhỏ phải lo toan, làm sao để các con không bị đói ăn, đói chữ; để các con được viết tiếp giấc mơ đến trường mà chị còn bỏ dở...? Và chị quyết tâm vượt lên số phận, không cam chịu đói nghèo. Suốt thời gian dài, chị đến các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài xã để học hỏi kinh nghiệm và tìm cho mình hướng đi phù hợp, hiệu quả, bền vững. Nhận thấy Đông Thành cũng là đất trồng cam, nhiều hộ trồng cam hiệu quả nên chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và anh em, bạn bè để đầu tư trồng 450 cây cam trên diện tích 1 ha. Chịu khó chăm sóc, sau một thời gian, cây cam không phụ công người đã cho những quả ngọt đầu tiên. Sau mỗi mùa cam, chị tiếp tục chiết cành, nhân giống, trồng thêm lứa cam mới. Hiện nay, gia đình chị đã trồng được 5.500 cây cam, quýt trên diện tích 12 ha, trong đó có 5 ha đã cho thu hoạch. Ngoài trồng cam, chị đầu tư mua 2 máy xúc để phục vụ người dân có nhu cầu san lấp diện tích đất trồng cam có độ dốc lớn, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình chị còn mở dịch vụ bán hàng tạp hóa, nuôi cá trên diện tích ao 200m2, tổng thu nhập hàng năm đạt trên 2 tỷ đồng. Đặc biệt, việc phát triển trồng cam liên quan đến vấn đề bảo vệ thương hiệu cam Sành Hà Giang, nên gia đình chị thường xuyên tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Phụ nữ xã phối hợp tổ chức và áp dụng phương pháp trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, với tinh thần tương thân, tương ái, chị luôn mong muốn các chị em hội viên phụ nữ khác cũng mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tại những buổi sinh hoạt Chi hội Phụ nữ, chị thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của mình cho mọi người học tập; huy động nguồn vốn tiết kiệm tại Chi hội để kịp thời giúp đỡ chị em hội viên khó khăn; hàng năm gia đình chị giúp đỡ và tạo việc làm theo mùa vụ cho hơn 100 lao động nữ; đồng thời, trực tiếp giúp đỡ 3 hộ khó khăn trong xã có việc làm ổn định thường xuyên.

Chia sẻ về cuộc sống và những việc mình đang làm, chị Sen khiêm tốn: “Trồng cam, ngoài việc phát triển kinh tế gia đình thì việc giữ gìn thương hiệu và đảm bảo vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng là điều quan trọng hơn hết. Cây, con cũng giống con người, mình đừng phụ nó, mà tận tâm chăm sóc thì nó không phụ mình. Còn việc giúp đỡ các hội viên khác cùng làm giàu là việc rất nên làm, mình có bát gạo, cũng mong mọi người có được chén cơm. Khi ai cũng đủ đầy thì điều kiện sống sẽ tốt hơn, phụ nữ sẽ được thụ hưởng nhiều hơn các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, y tế và bình đẳng giới”.

Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII vừa diễn ra, chị vinh dự là 1 trong số 18 đại biểu xuất sắc của tỉnh Hà Giang tham dự. Với phẩm chất chăm chỉ, chịu khó, sống giản dị, hòa đồng và biết sẻ chia, chị Hoàng Thị Sen xứng đáng là tấm gương điển hình trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trần Thị Yến Nga  (Hội LHPN tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Dân vận khéo", "cầu nối" ý Đảng - lòng dân ở Kim Ngọc

BHG- Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác "Dân vận khéo" đã trở thành phong trào thi đua có sức lan toả tại xã Kim Ngọc (Bắc Quang). Chính điều này đã và đang góp phần quan trọng tạo diện mạo mới nơi cửa ngõ vùng Tiểu khu Trọng Con.

28/06/2017
Học Bác cách viết báo để gần dân hơn

BHG- Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới cũng là một bậc thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Thực tiễn làm báo và những căn dặn của Người trong thư gửi lớp học Báo chí cách mạng đầu tiên của nước ta cách đây gần 70 năm dành cho những người làm báo thực sự là những bài học giá trị về nghề báo. 

21/06/2017
Người con của dân bản

BHG- Tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2012, Thượng úy Lê Đình Trọng (sinh 1982) quê huyện Hải Hậu (Nam Định) về nhận công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang rồi là Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (VĐQC), Đồn Biên phòng Lũng Làn. 

21/06/2017
Câu hỏi 43: Nét nổi bật trong phong cách sống tôn trọng quy luật tự nhiên và gắn bó với thiên nhiên của Hồ Chí Minh là gì?

Trả lời:

Những người được sống bên Bác cho biết: chưa bao giờ thấy Người phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, bình thản trước mọi diễn biến của đất trời, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ, trán không nhăn, mày không nhíu, mát mẻ như mùa thu, ấm áp như mùa xuân, cứ thuận theo tự nhiên mà sống.

15/06/2017