Câu hỏi 40: Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh có đặc điểm gì?
Trả lời:
Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất trong cách nói và viết của Người. Hồ Chí Minh là nhà chính trị, nhà tuyên truyền, nhà báo, nhà thơ, nhà văn,... đã có nhiều tác phẩm thuộc các thể loại như báo chí, tiểu phẩm, thơ ca, truyện ký, kịch, văn chính luận... Tùy theo mục đích, đối tượng, thể loại mà Người có cách viết khác nhau, theo tiêu chí mà Người xác định là: Viết cho ai? Viết để làm gì... Từ đó, Người có phong cách diễn đạt rất đa dạng, phong phú: uyên bác, hàn lâm đối với các chính khách phương Tây; hàm súc, “ý tại ngôn ngoại” đối với các bậc đại nho; mộc mạc, giản dị đối với những đồng bào còn ít chữ...
Có thể nêu ra một số điểm về phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh như sau:
- Cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực: Mục đích nói và viết của Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người. Hồ Chí Minh hay dùng cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực.
- Diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng, có lượng thông tin cao: Bác Hồ thường viết ngắn, có khi rất ngắn, nên những tư tưởng lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động.
- Sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quẩn chúng, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể: Khi nói, khi viết, Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lốì nghĩ của quần chúng. Người dùng hình ảnh “con đỉa hai vòi” để nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; ví “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn”2; “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”3; người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận dụng chỉ là “cái hòm đựng sách”...
- Phong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng: Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày. Đó là sự đanh thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo (trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp), sôi nổi trong tranh luận, thiết tha trong kêu gọi, ân cần trong giảng giải, sáng sủa trong thuyết phục... Người dạy: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”4.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr. 340.
2,3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 275, 274.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 345.
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo T.Ư biên soạn)
Ý kiến bạn đọc