Người phụ nữ khuyết tật tiêu biểu

08:31, 18/04/2017

BHG- Khi được tin chị Nguyễn Thị Thu, Ủy viên Ban Thường vụ Hội người Khuyết tật tỉnh Hà Giang, Chủ tịch Hội người Khuyết tật huyện Vị Xuyên được vinh dự là một trong 4 đại diện nữ tiêu biểu của Hội người Khuyết tật và Hội người Mù tỉnh ta tham dự Lễ vinh danh phụ nữ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội của người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc (do Liên hiệp Hội người Khuyết tật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 10 năm 2016) tôi rất vui nhưng không bất ngờ. Tôi không bất ngờ, bởi lẽ những gì chị Thu đã làm được cho Hội người Khuyết tật của tỉnh, của huyện là hoàn toàn xứng đáng.

Lần đầu tôi gặp chị Thu tại Hội nghị tổng kết công tác Hội người Khuyết tật tỉnh Hà Giang năm 2015. Tham luận của chị về hoạt động của Hợp tác xã Lâm Thủy - một hợp tác xã may mặc có 100% thành viên là người khuyết tật ở thị trấn Việt Lâm và một số xã lân cận của huyện Vị Xuyên, mà chị Thu là Phó Giám đốc - đã thực sự gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Ấn tượng lớn nhất là HTX này đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đứng ra mở các lớp dạy may cho những người khuyết tật, rồi thu nạp họ vào HTX để làm việc. HTX hợp đồng nhận các nguyên liệu về may gia công, tạo ra thu nhập để tự trang trải một phần cuộc sống, không lệ thuộc quá nhiều vào gia đình và xã hội. Để duy trì hoạt động của HTX là nỗ lực của tất cả thành viên, đặc biệt là Hội đồng quản trị HTX, nhưng vai trò của chị Thu là rất lớn trong việc tập hợp, động viên, tạo điều kiện của Hội người Khuyết tật huyện.

Sau lần gặp ấy, tôi đã liên lạc với chị Thu để về thăm xưởng may của HTX Lâm Thủy (đặt tại thôn Lùng Sinh, xã Việt Lâm), trò chuyện với các thành viên, nắm tình hình hoạt động của HTX và hoạt động của Hội người Khuyết tật ở đó. Và tôi thật sự ngỡ ngàng trước những việc mà chị Thu đã làm được cho Hội người Khuyết tật tỉnh Hà Giang và huyện Vị Xuyên. Xin kể ra đây những việc mà chị Thu đã làm:

Với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra tỉnh Hội, hàng năm chị đã tham mưu cho lãnh đạo Hội xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác Hội ở các huyện, thành phố nhằm giúp các cấp Hội thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là thực hiện đúng Điều lệ hội, duy trì sinh hoạt và thực hiện tốt chế độ báo cáo; thường xuyên giữ mối liên hệ với các cơ quan chức năng, nhất là phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng nội vụ để theo dõi và quản lý hoạt động của Hội trên địa bàn, báo cáo kịp thời, đầy đủ với các cơ quan chức năng về hoạt động của mình.

Trong vai trò là Chủ tịch Hội người Khuyết tật huyện, chị Thu luôn cố gắng hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch các nhiệm vụ, mục tiêu các cấp Hội đề ra; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện về công tác hội và phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành chức năng để có những việc làm cụ thể, nhằm giúp người khuyết tật trên địa bàn huyện có cơ hội được hưởng lợi từ những chính sách của Nhà nước đối với họ. Hằng năm chị luôn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động rất chi tiết, cụ thể để chỉ đạo các hội cấp xã làm tốt công tác phát triển Hội theo đúng Điều lệ; có biện pháp thiết thực xây dựng các ban vận động thành lập hội cấp xã để tập hợp số người khuyết tật có nguyện vọng tham gia Hội; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức Đại hội thành lập Hội cấp xã theo điều kiện thực tế và có lộ trình cụ thể. Là một người khuyết tật, hoạt động trên địa bàn rộng tới 24 xã, đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm của một người đứng đầu tổ chức cấp huyện, chị Thu đã cố gắng vượt qua mọi trở ngại, phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng các xã, thị trấn xây dựng được 10/24 Ban vận động thành lập Hội cấp xã, thu hút, tập hợp được 525 hội viên tham gia sinh hoạt ở tổ chức Hội; đã tranh thủ sự giúp đỡ và nguồn kinh phí của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ theo các chương trình, dự án mở các lớp dạy nghề tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật, thành lập được một HTX may công nghiệp dành cho người khuyết tật của huyện, dạy nghề cho 143 hội viên, tạo công ăn việc làm cho hàng chục hội viên; tổ chức đưa hội viên đến Trung tâm học nghề ở các tỉnh bạn để đào tạo, bồi dưỡng ở một số lĩnh vực đòi hỏi trình độ tay nghề cao (đã có 5 hội viên tham gia lớp đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật, do CRS tổ chức tại Hà Nội; 2 hội viên học lớp chân hương tại Trung tâm đào tạo nghề tỉnh Hà Nam). Hầu hết các hội viên này sau khi học xong đều tự mở nghề kinh doanh tại nhà, có thu nhập khá.

Cùng với những việc làm trên, chị Thu đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền về Hội, nhất là về các hoạt động kỷ niệm Ngày người Khuyết tật Việt Nam 18.4; tổ chức tốt các phong trào thi đua trong toàn Hội và các ngày lễ, Tết cho con em hội viên; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình hội viên bị ốm đau, hoạn nạn, giúp đỡ nhau trong việc hiếu, hỉ; tạo điều kiện cho các hội viên có năng khiếu tham gia các cuộc thi văn nghệ quần chúng (có 1 hội viên nữ thi hát ru, hát dân ca đoạt giải Ba cấp huyện)... Bên cạnh đó, chị còn làm tốt việc kết nối, giao lưu, trao đổi công tác hội với các Hội người Khuyết tật các huyện bạn trong tỉnh, tạo ra mối thân tình, đồng cảm, chia sẻ giữa các hội với nhau.

Về cá nhân, tuy bị bại liệt teo một chân nhưng chị Thu không trông chờ, ỉ lại mà luôn tự mình phấn đấu vươn lên. Những năm trước chị đã vay vốn làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo 10 triệu đồng từ Ban Phụ nữ Hội người Khuyết tật tỉnh để đầu tư vào chăn nuôi lợn nái và làm hàng ăn sáng, thu nhập mỗi năm đạt khoảng 60 triệu đồng. Con số này rất có ý nghĩa đối với một người khuyết tật tham gia công tác xã hội như chị.

Tôi xin lấy lời tâm sự mở lòng của chị Thu để kết thúc bài viết này: “Những việc em làm chẳng có mục đích gì khác ngoài việc góp phần cùng xã hội chung tay hỗ trợ người khuyết tật có cơ hội vươn lên, hòa nhập với cộng động, xóa bỏ những mặc cảm, để họ được tiếp cận và thụ hưởng các quyền lợi một cách bình đẳng trong xã hội. Và điều quan trọng nhất là để khẳng định một điều: Người khuyết tật “tàn nhưng không phế”.

NGUYỄN TRẦN BÉ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Có một chàng trai Hà Giang xuất sắc trên xứ sở Bạch Dương

BHG - Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Giang, từ nhỏ Phạm Xuân Thiện luôn xác định rằng con đường học vấn chính là lựa chọn đúng đắn nhất để đạt được ước mơ hoài bão của mình.Phạm Xuân Thiện (sinh 1996), hiện đang sinh sống và học tập tại Trường Đại học Tổng hợp Liên bang Ural, tthành phố Yekaterinburg, Liên Bang Nga. 

29/03/2017
Hiệu quả công tác tư tưởng gắn đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Xuân 2017 - Xác định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, hàng năm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14.5.2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) và gắn với Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. 

27/01/2017
Người nông dân lấy lời Bác dạy làm động lực phát triển kinh tế

sâu sắc. Bản thân mỗi người con trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc đều luôn khắc ghi và lấy đó làm động lực vươn lên. Anh Chu Tả Minh, thôn Khai Hoang Bản Vàng, xã Hữu Vinh (Yên Minh) là một trong những tấm gương tiêu biểu làm theo lời Bác dạy: "Phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng. Trồng cây ăn quả và cây làm thuốc".

25/03/2017
Phạm Đình Phẩm - người thầy thuốc tận tụy

BHG- Đó là nhận xét của những đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Đồng Văn dành cho Bác sỹ Phạm Đình Phẩm, hiện là Giám đốc BVĐK huyện Đồng Văn.

25/02/2017