Ý chí vượt khó làm giàu của thanh niên Triệu Chàn Ton
BHG - Học hết lớp 9, cha đột ngột mất vì tai nạn, hoàn cảnh gia đình càng thêm khó khăn..., chàng trai người Dao Triệu Chàn Ton ở thôn Trung Thành, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) phải nghỉ học giữa chừng, từ bỏ ước mơ trở thành một cán bộ giúp ích cho dân; cùng mẹ vượt khó khăn và trở thành chỗ dựa vững chắc nuôi 2 em gái ăn học trưởng thành và anh đã trở thành tấm gương sáng về ý chí vươn lên làm giàu từ phát triển kinh tế.
Được sự giới thiệu của Huyện đoàn Hoàng Su Phì, chúng tôi đến xã Hồ Thầu và hỏi thăm về nhà anh Triệu Chàn Ton; ai cũng nhiệt tình chỉ đường: “Anh Ton có cái nhà xây to đẹp nhất xã đấy à? Anh Ton sửa xe máy phải không? Nhà ở thôn Trung Thành đây này... Đó là những điều mà bà con trong xã nói về anh Ton, một TN trẻ phát triển kinh tế tiêu biểu nhất vùng. Bên ngôi nhà xây khang trang, anh Ton và vợ thay nhau kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện làm kinh tế của gia đình với biết bao gian nan, thử thách.
Anh Triệu Chàn Ton sửa xe máy cho khách. |
Anh Ton (sinh 1986) và lớn lên trên quê hương thôn Trung Thành, xã Hồ Thầu. Là người con cả trong gia đình có 3 anh em, tuổi thơ của anh được viết nên bằng những ngày lao động vất vả theo cha mẹ mưu sinh trên núi cùng những thửa ruộng bậc thang. Từ nhỏ, anh luôn ước mơ được đi học để trở thành một cán bộ nông nghiệp giúp ích cho bản. Song, cuộc sống không như mong muốn, học hết lớp 9, gác lại ước mơ cắp sách tới trường; anh Ton phải nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Năm 2003, bố anh mất vì tai nạn giao thông, để lại cho anh cùng mẹ và 2 người em gái trong nỗi đau thương tưởng chừng như không vượt qua được. Khi ấy, dù tuổi đời còn rất trẻ, xong anh Ton đã phải trở thành người đàn ông trụ cột duy nhất của gia đình. Anh tâm sự: “Bố mất, mình khổ thêm gấp nhiều lần. Trước đây, trong gia đình, bố hiểu biết và được làm văn thư của xã; mình là con lớn trong gia đình được bố kỳ vọng sẽ trở thành cán bộ. Khi bố mất, phải nghỉ học cũng buồn nhiều lắm, nhưng mình chấp nhận hy sinh cho các em; dù phải vất vả nhiều hơn nhiều, xong mình chưa bao giờ bắt các em nghỉ học, luôn động viên phải học để nên người”.
Từ khi bố mất, anh Ton đã tự lập làm kinh tế, từ làm ruộng, nuôi trâu, anh còn tự vượt quãng đường hơn 60 km ra chợ Tân Quang (Bắc Quang) tìm hiểu và mở quán bán hàng tạp hóa. Mỗi tuần một lần, anh đều nhập một chuyến hàng vào xã bán. Khi thấy quán duy trì ổn định, anh để cho mẹ ở nhà trông. Chưa dừng lại ở đó, anh tiếp tục học sửa xe máy; năm 2006, anh mở quán sửa xe máy đầu tiên ở Trung tâm xã Hồ Thầu. Năm 2008, không chê cảnh nghèo khó, chị Triệu Mùi Pham, người cùng thôn, đã kết hôn với anh và tiếp thêm nghị lực cho anh có được những thành quả hôm nay. Hiện, anh đã có 2 cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi. Hai em gái của anh Ton đều đi học chuyên nghiệp và đã có gia đình, công việc ổn định.
Những ngày gian nan chèo lái con thuyền đưa gia đình ra khỏi cơn bi cực đã qua, không ngờ rằng chàng TN ngày ấy giờ đây đã sở hữu trong tay khối tài sản bạc tỷ, là chủ của căn nhà 100 m2 mới xây trị giá 1 tỷ đồng, ngoài bán hàng tạp hóa, sửa xe máy; gia đình anh còn mua ô-tô để chở hàng, nuôi 5 con trâu, khoảng 100 con gà thịt, anh dự định sẽ trồng rừng kinh tế với các loại cây: Xoan, sa mộc, quế... gần 2 ha; thu nhập mỗi năm của gia đình anh ước tính gần 100 triệu đồng.
Anh Hoàng Xuân Hòa, Phó Bí thư Huyện đoàn Hoàng Su Phì cho biết: “Đồng chí Ton là một TN rất chịu khó trong phát triển kinh tế, hăng hái tham gia các phong trào Đoàn phát động, là tấm gương để TN trong và ngoài xã học tập, noi theo”.
30 năm tuổi đời, chàng TN người Dao lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng và xuất phát điểm không mấy thuận lợi ở một xã khó khăn của huyện nghèo miền Tây năm nào, nay đã có một cơ ngơi khang trang mà nhiều người tuổi lớn hơn vẫn luôn ngưỡng mộ. Với những cố gắng của mình, anh đã được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012 – phần thưởng cao quý của BCH T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc” cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, huyện và xã...
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc