Nghệ nhân dân gian Hoàng Kim Xinh, 20 năm gắn bó với nghề chế tác đàn Tính

07:23, 25/05/2016

BHG- Say mê tiếng đàn Tính réo rắt, lúc trầm, lúc bổng, đắm mình trong những làn điệu then, nghệ nhân dân gian Hoàng Kim Xinh ở thôn Trung Thành, xã Bằng Lang đã dành hơn 20 năm tìm tòi, nghiên cứu và chế tác ra những cây đàn Tính, gìn giữ “hồn” văn hóa của dân tộc Tày trên mảnh đất Quang Bình.

Nghệ nhân Hoàng Kim Xinh truyền dạy nghề chế tác đàn Tính cho con trai là anh Hoàng Văn Vệ.
Nghệ nhân Hoàng Kim Xinh truyền dạy nghề chế tác đàn Tính cho con trai là anh Hoàng Văn Vệ.

Nghệ nhân dân gian Hoàng Kim Xinh (sinh năm 1967) là người duy nhất còn làm nghề chế tác đàn Tính trên mảnh đất Quang Bình. Mới sang tuổi 50, nhưng ông đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Ông Xinh là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Trung Thành, xã Bằng Lang. Từ thuở nhỏ, ông Xinh đã “đắm mình” những câu hát then, hát cọi, đặc trưng truyền thống văn hóa của dân tộc. Say mê với những làn điệu Then, vừa nghe các ông, các cụ trong thôn, bản truyền dạy, ông Xinh vừa đi tìm tòi, học hỏi thêm các làn điệu hát Then, hát Cọi ở quanh vùng. Vốn có năng khiếu, từ bé ông Xinh đã tham gia biểu diễn hát Then, hát Cọi trong những dịp lễ, hội của thôn, của xã. Năm 17 tuổi, ông trúng tuyển vào Đoàn Ca múa nhạc tỉnh, nhưng rồi do hoàn cảnh khó khăn, ông đành “tạm gác” niềm đam mê cá nhân, chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Thời đó, cây đàn Tính rất quý giá vì không ai bán, người ta chỉ tự làm nhưng với số lượng rất ít, mà đàn thường chỉ dùng để múa biểu diễn trên sân khấu, bởi tiếng đàn rất nhỏ, không được trong, vang. Ông Xinh quyết tâm làm cho bằng được cây đàn Tính truyền thống để thỏa mãn niềm đam mê. Dù vậy, công việc, cuộc sống gia đình bận rộn, mãi đến đầu những năm 90, ông Xinh mới dành nhiều thời gian để tìm hiểu, chế tác cây đàn Tính. Từ những phác họa trên sách cổ, theo lời kể trong trí nhớ của người già trong thôn, trong bản, ông làm ra phần cần đàn, nhưng ông tìm khắp vùng cũng không tìm được nơi nào có quả bầu để làm bầu đàn. Phải lặn lội sang đến Lào Cai, ông Xinh mới tìm, xin được giống cây bầu về trồng, để làm đàn. Sau bao nhiêu công vất vả, khó nhọc, đúc rút kinh nghiệm, ông đã làm ra được cây đàn tính đầu tiên và dành tặng món quà ý nghĩa này cho người anh trai là Nghệ nhân hát Then, đàn tính Hoàng Tiến Sụng (62 tuổi). Trong hội thi liên hoan hát Then, đàn Tính dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang năm 2015, 2 ông đã xuất sắc giành giải B trong cuộc thi. Đây cũng chính là nguồn động lực to lớn để ông Xinh càng thêm yêu nghề chế tác đàn Tính và các làn điệu Then. Ông Xinh tâm sự: “Để làm ra được một cây đàn Tính không chỉ cần sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo, mà hơn cả là phải có niềm đam mê, yêu nghề thực sự; làm được cây đàn phải mất đến 5 – 6 ngày, qua rất nhiều công đoạn phức tạp mới tạo ra được cây đàn Tính. Đàn tính gồm các bộ phận chính: bầu đàn, cần đàn và dây đàn. Bầu đàn còn gọi là bầu vang làm bằng nửa quả bầu khô, cần đàn thường làm bằng gỗ rừng, dây đàn thì làm bằng dây cước Nhật (trước đây thường dùng tơ xe). Một quả bầu tốt để làm đàn phải là quả bầu nậm già, không bị sâu, miệng tròn, đường kính 15 – 20 cm, được đo, cắt cho vừa vặn sau đó đục lỗ cho bầu đàn. Xung quanh quả bầu được chia thành các điểm để dùi lỗ với kích thước bằng nhau giúp tạo âm cho đàn. Mặt đàn, cần đàn được chạm khắc tỉ mỉ, là loại gỗ mịn, ít vân, mắt, để cây đàn dùng được lâu mà cần không bị cong vênh, nứt nẻ.”. Cây đàn Tính của ông Xinh khi làm ra rất nhẹ (cả cây đàn chỉ nặng khoảng 2 lạng), có âm sắc chuẩn, ngân vang, trầm bổng, được nhiều khách hàng ưu chuộng. Mỗi năm ông làm ra từ 200 – 300 cây đàn, hầu hết đều được mọi người ở khắp nơi từ Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai hay cả khách nước ngoài “nghe tiếng” đến tìm mua với giá từ 600 – 700 nghìn đồng/chiếc (có những cây lên tới cả triệu đồng). Đó không chỉ là niềm vui, đam mê mà còn đem đến nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Nhắc đến việc truyền nghề, ông Xinh vui vẻ chia sẻ, hiện nay ông đang truyền dạy cách chế tác đàn Tính cho con trai là anh Hoàng Văn Vệ (sinh năm 1988). Ngoài ra, để cho nghề chế tác đàn Tính phát triển, không bị mai một theo thời gian, ông Xinh cũng tận tình chỉ bảo cho những thanh niên trong và ngoài địa phương có mong muốn học nghề. Anh Sin Văn Hải, Phó ban Dân vận Huyện ủy Quang Bình cho biết: “Gìn giữ nghề làm đàn Tính không chỉ là ước nguyện ông Xinh mà còn là mong muốn của các cấp, các ngành trong việc bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc tại địa phương. Ông Hoàng Kim Xinh luôn là người “giữ lửa” cho niềm đam mê tiếng đàn Tính, hát then dân tộc Tày tại huyện Quang Bình, ông xứng đáng là niềm tự hào của bà con nơi đây”.

YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Chiến sỹ đỏ" trên Cao nguyên đá

BHG- Trở lại Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên Đá Đồng Văn trong dịp công tác đầu năm, tôi được chứng kiến phong trào hiến máu tình nguyện ở đây phát triển một cách có quy mô cả về chất lượng và số lượng; sẵn sàng đáp ứng nhu cầu truyền máu trong cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện lân cận. Có được thành công đó, không thể không nhắc đến đóng góp rất lớn của anh Hoàng Văn Hải, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Ngân hàng máu sống tỉnh Hà Giang người được các tình nguyện viên (TNV) thường gọi anh với cái tên "Chiến sỹ Đỏ".

31/03/2016
19 lần hiến máu tình nguyện

BHG- Anh Nguyễn Công Định, sinh 1984, được kết nạp Đảng năm 2006, hiện đang là cán bộ bán chuyên trách Tổ chức, kiểm tra kiêm tuyên giáo, dân vận của phường Minh Khai (TPHG). Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do đồng lương ít ỏi, nhưng với tấm lòng sẻ chia, nhân ái, anh đã trực tiếp 19 lần tham gia hiến máu tình nguyện (HMTN) cứu người và trở thành người có số lần HMTN nhiều nhất tỉnh cho đến nay. Không chỉ vậy, anh Định còn được biết đến là một "thủ lĩnh" trong hoạt động thiện nguyện.

30/03/2016
Thôn đội trưởng, Bí thư Chi đoàn năng động, sáng tạo

BHG- "Năng động, sáng tạo, chịu thương, chịu khó và luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, XĐGN; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được giao". Đó là nhận xét của lãnh đạo xã Việt Lâm (Vị Xuyên) đối với Nguyễn Xuân Hùng, Thôn đội trưởng, Bí thư Chi đoàn thôn Việt Thành.

30/03/2016
Bác sĩ hiến máu cứu bệnh nhân vỡ gan

BHG- Bệnh nhân mất quá nhiều máu trong khi Ngân hàng máu của bệnh viện không đủ để truyền. Trước tình hình này, bác sĩ Dương Trọng Bình đã tham gia hiến máu cứu người.

29/03/2016
Hệ thống triệt lông https://lgclinic.vn