Người thương binh gắn cả cuộc đời với ngành In
BHG- Đứng trước Công ty cổ phần In Hà Giang, tôi cứ đặt ra câu hỏi: Nghị lực nào đưa ông đến với những thành công ở một tỉnh đầy rẫy những khó khăn trở ngại nơi đỉnh đầu Tổ quốc này. Hơn thế, ông lại chọn một ngành mà sự cạnh tranh, cơ chế thị trường đầy khốc liệt để tồn tại và vươn lên làm giàu cho mình, cho xã hội. Đó là ông Lê Công, Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần In Hà Giang, một người sinh ra và lớn lên tại một vùng quê chiêm trũng, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Hơn 40 năm làm việc trên vùng đất khó khăn, nơi biên cương Tổ quốc, giao thông không thuận tiện, đường rừng núi đi lại khó khăn, nhất là phải ăn mì hạt, sắn lát thay cơm..., nhiều lúc Lê Công tưởng không chịu nổi. Nhưng rồi yêu mảnh đất đầy tiềm năng, nhưng còn nghèo khó này, anh đã trở thành cán bộ tuyên giáo Thị ủy, rồi lên làm Chánh Văn phòng Thị ủy Hà Giang. Yêu nghề văn hóa, anh được tổ chức điều động sang làm Trưởng ban Văn hóa, Thông tin thị xã Hà Giang, vào Thị ủy viên, Giám đốc Công ty Dịch vụ văn hóa, rồi trở thành Bí thư chi bộ, Giám đốc Công ty In Hà Giang... Và khi chia tách tỉnh Hà Tuyên, anh trở thành Bí thư chi bộ, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần In Hà Giang...Ông cũng như nhiều thanh niên ở cái ngày ấy, xung phong lên đường chống Mỹ, cứu nước. Trải qua những năm tháng nơi chiến trường miền Nam, bảo vệ Tổ quốc, ông bị thương nhiều lần. Đến năm 1970, chàng thương binh Lê Công chuyển ngành. Khi xin lên Hà Giang công tác, anh thương binh Lê Công được nhiều bạn bè rỉ tai: “Anh xin lên đấy là gì, một tỉnh thuộc diện khó khăn nhất nước đấy?”. Lê Công chỉ cười và anh quyết định nghe theo tiếng gọi từ trái tim mình.
Cũng ngần ấy năm, từ năm 1991 đến nay, ông Lê Công đã gắn bó với Công ty cổ phần In Hà Giang như hình với bóng mà trước đây là Xí nghiệp In Hà Giang. Những ngày đầu nói là Xí nghiệp In, nhưng chỉ có 8 công nhân, với cái nhà xưởng trống không và 2 chiếc máy in TYPO sắp chữ chì. Trước nhiệm vụ được giao là in ấn báo chí, in ấn tài liệu tuyên truyền của địa phương. Không thể ngồi im chờ cơ hội, mà phải đi tìm cơ hội, nắm bắt thị trường, nắm bắt kỹ thuật in, tiếp nhận những tiến bộ khoa học mới. Ông đã ngày đêm mày mò học tập, học trong sách, học ở bạn bè, đồng nghiệp, đôi khi là học “lỏm” của cơ sở bạn. Rồi cứ thế, anh không ngừng phấn đấu, tự động viên mình, động viên và khích lệ cán bộ, công nhân viên cùng học tập. Ông đã cùng đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Công ty In đưa kỹ thuật in mới, máy móc mới dần được thay thế máy cũ vào đúng với quy trình sản xuất mới. Luôn lấy nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương lên hàng đầu để vượt qua mọi khó khăn làm tốt công tác của chính mình. Những khách hàng ở địa phương, ở các huyện, thị trong tỉnh đa số đã quen với ông nhiều năm qua, đã quen với Công ty cổ phần In Hà Giang. Trong cơ chế thị trường, ông đã mạnh dạn cùng công ty đảm nhận nhiều phần việc của cơ chế thị trường, nhưng trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Như việc nhận in ấn hóa đơn, biên lai, xổ số, trang trí những sách văn học, nghệ thuật. Làm những tài liệu dạy và học cho ngành giáo dục cũng như những tài liệu hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền cũng như các đoàn thể, hội trên địa bàn, đặc biệt là in ấn những tập san, tờ tin phục vụ cho công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ngồi trong phòng làm việc của Hội đồng quản trị công ty, ông Lê Công rủ rỉ: “Kể lại thì nhiều lắm, biết bao gian truân của ngành in tỉnh nhà, nhưng nghĩ đến chất lượng sản phẩm, nghĩ đến tờ báo trên tay mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh mỗi sáng, nghĩ đến doanh thu của đơn vị, đời sống của cán bộ, công nhân viên, mình lại phải cố gắng lên. Có những lúc hàng tuần ngồi xe đi giao dịch, có những lúc nhịn cơm, nhịn nước để ký cho được hợp đồng in. Thôi thì trăm thứ bà rằn, có lúc chưa nắm vững được kỹ thuật, in trên chất liệu mới, máy mới, phải làm đi, làm lại nhiều lần để rút kinh nghiệm. Mình cũng khổ mà cán bộ, công nhân viên cũng khổ, về nhà rồi mà còn mất ăn, mất ngủ...”. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện mấy chục năm ông làm Bí thư Chi bộ, kiêm Giám đốc, rồi kiêm luôn cả Chủ tịch Hội đồng quản trị. Chừng ấy năm chèo lái “con thuyền” Công ty In, ông không kêu ca, không phàn nàn, lao vào những lĩnh vực khó của ngành in để tìm ra những mấu chốt cho việc sống còn của một công ty cổ phần. Ông Lê Công đã tự “khoán” cho mình cái chất anh bộ đội Cụ Hồ, là năng động trong tìm thị trường, tìm bạn hàng, sáng tạo, có chí tiến thủ, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành. Ông cũng cùng công ty luôn quan tâm lợi ích chính đáng của khách hàng, thu hút nguồn hàng in tại địa phương, liên kết tìm nguồn hàng in từ các tỉnh bạn... Từ đó, Công ty In Hà Giang ngày một chăm lo được đời sống cho cán bộ, công nhân viên và người lao động cả về vật chất và tinh thần. Điều kiện làm việc, thời gian và môi trường làm việc của người lao động ngày một tốt hơn. Đó cũng là mục tiêu, là nghị quyết và là động lực để phát triển công ty.
Sau cổ phần hóa, Công ty không chỉ ổn định đời sống cho cán bộ, công nhân viên và người lao động, mà còn phát triển mạnh mẽ. Từ khi cổ phần hóa, tổng giá trị tài sản chỉ có hơn 4 tỷ đồng thì nay đã có hơn 7 tỷ đồng. Doanh thu của Công ty đạt gần 60 tỷ đồng, nộp thuế cho Nhà nước gần 3 tỷ đồng. Trong đó, Công ty đã dành gần 200 triệu để ủng hộ các xã khó khăn trong tỉnh...
25 năm phát triển và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của ông Lê Công, của Hội đồng quản trị Công ty In Hà Giang, “con thuyền in” đã vượt qua nhiều gian khó trên vùng biên cương Tổ quốc, trở thành một doanh nghiệp thành đạt.
Sự âm thầm cống hiến không ngừng nghỉ, Lê Công - ông Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần In Hà Giang - đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Gần 50 năm công tác, cũng gần 50 năm tuổi Đảng, ông Lê Công vẫn vẹn nguyên khí chất anh Bộ đội Cụ Hồ.
Nguyễn Quang (Tổ 8, P. Ngọc Hà, TP. Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc