Gia đình Triệu Chòi Phín với 3 đời làm nghề chạm bạc
BHG- Nhắc đến Hà Giang là ai cũng nghĩ ngay đến tiếng khèn Mông, khèn lá... Nhưng trên mảnh đất cao nguyên này còn in sâu bởi tiếng lạch cạch cả ngày lẫn đêm của những người làm nghề chạm bạc. Chạm bạc đã từng là một nghề rất phổ biến, có lịch sử hàng trăm năm của người dân trên điểm cực Bắc Tổ quốc. Đồ trang sức bạc không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân nơi đây. Nhưng hiện giờ, nó đang bị mai một và rất ít nơi còn lưu giữ được nghề chạm bạc truyền thống này. Gia đình anh Triệu Chòi Phín, một trong những hộ duy nhất của xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) còn duy trì được nghề chạm bạc từ lâu đời.
Anh Phín đang chạm từng nét hoa văn trên miếng bạc. |
Gia đình anh Phín sống tại thôn bản Khóec của xã Thượng Sơn là một gia đình có truyền thống làm nghề chạm bạc, nên từ nhỏ anh đã được xem và làm cùng ông, bố; đến năm 1977, anh chính thức kế thừa sự nghiệp của cha. Nghề chạm bạc đối với anh không đơn thuần chỉ là một thứ để kiếm tiềm mà anh coi đó như máu thịt của mình bởi nó đã cùng anh đi quá nửa đời người. Để trở thành một nghệ nhân chạm bạc không phải dễ và không phải ai cũng làm được bởi nó đòi hỏi người làm bạc phải khéo léo và có tính kiên trì cao. Làm nghề đã được gần 40 năm, nhưng anh chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề bởi anh thấy mỗi sản phẩm mình làm ra đã tô thêm sắc hoa cho dân bản và đó còn là những đồ được mọi người truyền từ đời này qua đời khác. Khi được hỏi về những khó khăn của nghề anh tâm sự: “Làm nghề này đau tay, mỏi lưng lắm, bởi phải dùng búa để đập và tán mỏng bạc”. Theo anh kể, nghề chạm bạc là một nghề đòi hỏi kỹ thuật rất cao với nhiều công đoạn. Muốn có một chiếc nhẫn, một họa tiết trang trí váy ít nhất phải qua 3 công đoạn; đầu tiên là nung bạc trong khoảng thời gian 10 phút, sau đó đổ ra khay rồi tán mỏng, tiếp theo là vẽ họa tiết trang trí rồi đúc, khi đúc xong muốn cho bạc được sáng thì phải mang đi nấu với nước chua, đến cuối cùng là cho vào khuôn để đập. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, phải mất từ 1- 2 tuần. Có một “bí kíp” đặc biệt là tất cả các dụng cụ chạm bạc như bễ thổi, kéo cắt, kìm vặn, búa đập, đục, bàn kéo sợi, đế gỗ, đe sắt, nồi đun... sẽ được chính tay người thợ chế tạo ra. Bởi thế tất cả các dụng cụ đều là đồ gia truyền từ đời này sang đời khác và các sản phẩm bạc sẽ có nét riêng đặc trưng, qua đó giúp phân biệt được sản phẩm của gia đình nào làm ra. Tuy nhiên hiện nay, nghề chạm bạc không còn phát triển nữa bởi giá thành cao và lượng bạc nguyên chất không còn nhiều. Vì thế, gia đình anh giờ còn làm cả nguyên liệu từ đồng và inox. Nhờ nghề chạm bạc mà gia đình anh mỗi năm cũng thu về hơn 20 triệu tiền công. Đặc biệt là khi gia đình anh tham gia vào Hội nghệ nhân của xã thì lượng khách hàng đã được mở rộng có thêm nhiều khách từ các huyện và tỉnh khác đến đặt hàng.
Một sản phẩm hoàn chỉnh, công làm 1 triệu đồng1 sản phẩm. |
Mong rằng với sự quan tâm và đầu tư của tỉnh, huyện; nghề chạm bạc sẽ không bị mai một và sẽ được phát triển hơn nữa. Cùng với đó là góp phần giữ gìn một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh.
HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc