“Ông Cựu binh” ở Nam Sơn
HGĐT- Đến xã Nam Sơn (Hoàng Su Phì), hỏi ông Chỉnh chủ xưởng sản xuất, chế biến chè lớn nhất nhì xã, không ai không biết ông. Nhưng, bà con nơi đây còn quen gọi ông là “ông Chỉnh cựu binh”. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Kỳ Lâm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Khi chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, năm 1986 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc; ông gia nhập quân ngũ và đóng quân ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quản Bạ. Chiến tranh qua đi, ông may mắn hơn nhiều đồng đội, được trở về quê nhà rồi lên xã Nam Sơn lập gia đình và lập nghiệp. Vượt qua nhiều gian khó, với sự kiên trì, chịu khó và ý chí của một người lính, hơn 20 năm lập nghiệp ông đã trở thành một ông chủ doanh nghiệp tư nhân có tiếng tại đây.
Ông Chỉnh (người đang ngồi nhặt chè) làm việc cùng các lao động trong xưởng.
Lập nghiệp ở một vùng đất lạ, để có được cơ ngơi là xưởng sản xuất, chế biến chè với hơn 10 lao động làm việc luôn tay như hiện nay, ông Chỉnh cùng gia đình phải vất vả vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn với xuất phát điểm là một lái buôn trong xã. Với số tiền tích cóp được sau mấy năm đầu làm ăn, nhìn thấy nguồn nguyên liệu chè ở địa phương rất dồi dào nhưng giá trị kinh tế lại không cao, bởi bà con nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhận thức về sản xuất hàng hóa còn manh mún. Từ đó, gia đình ông đã quyết định đầu tư mua một máy xao chè về mở xưởng ngay tại nhà. Ông Chỉnh chia sẻ: “Người dân khi đó đói khổ lắm, nhìn thấy những đồi chè xanh mướt của họ nhưng không đem lại giá trị kinh tế, tôi thấy tiếc và nhiều đêm suy nghĩ làm sao để phát huy hiệu quả của nó. Thời điểm đo, trong xã lại không có xưởng chế biến; vậy là với số vốn gom góp được, vợ chồng tôi quyết định mua máy xao chè về sản xuất chè tại xã, vừa đem lại thu nhập cho gia đình, vừa phát huy hiệu quả kinh tế của cây chè để bà con có thêm thu nhập”.
Cũng là cái duyên, sau khi gia đình ông Chỉnh mở xưởng xao chè, người dân tập trung thu hái đem bán hơn. Một máy xao chè không đủ công xuất để làm, ông tiếp tục đầu tư thêm máy. Từ đây, với khối lượng công việc lớn, nhiều lao động địa phương đã được ông thuê về làm. Nhiều người trong số đó hiện nay vẫn làm việc cho ông. Anh Đặng Ngọc Quang, người đã làm việc tại cơ sở của ông Chỉnh gần 10 năm nay cho biết: “Ông Chỉnh là một người rất kiên nghị và khá kỹ tính trong công việc nhưng là một người tốt. Dù là ông chủ, nhưng ông sống rất giản dị và dễ gần. Để có nguồn nguyên liệu tốt ông Chỉnh đã tự mình vào các thôn, xóm vận động bà con hái chè và thu mua ngay tại đó. Thời điểm đó, đường giao thông còn rất khó khăn, chủ yếu là đi bộ nhưng ông vẫn đi vì không tự mình đi thì không có nguyên liệu tốt để sản xuất”.
Sau hơn 20 năm xuất ngũ, gắn bó với mảnh đất Nam Sơn, đến nay xưởng sản xuất của ông Chỉnh một ngày chế biến khoảng gần 5 tấn chè tươi, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Quản lý hơn 10 lao động, nhưng không vì thế mà ông coi mình là ông chủ, ông tâm niệm: “Mình là một người lính, còn sức thì chiến đấu - còn làm, làm không chỉ cho gia đình mình mà làm cho cộng đồng nữa. Người lao động đã gắn bó nhiều năm như anh em, họ hàng nên không phải là người thuê họ thì bắt họ phải làm như những nô lệ được”. Hiện nay, tất cả lao động trong xưởng của ông Chỉnh đều được nuôi cơm hàng ngày cộng với gần 2 triệu đồng tiền lương/ tháng. Bằng việc làm giàu cho gia đình và địa phương, cùng nhiều hoạt động giúp đỡ đối với các CCB trong Hội CCB xã Nam Sơn, tấm gương về ông Chỉnh cựu chiến binh luôn được người lao động và nhân dân trong xã quý mến và nể phục.
Ý kiến bạn đọc