Người có nhiều đóng góp làm thay đổi tích cực cuộc sống người dân

07:57, 17/06/2014

HGĐT- Về hưu, nhưng ông vẫn có nhiều đóng góp lớn khi giúp tỉnh vận động bà con nhổ bỏ cây thuốc phiện (CTP), cắt đứt hẳn với “Nàng tiên nâu” đã bao năm làm khổ họ. Rồi ở cái tuổi gần đất xa trời, ông đi học thổi khèn Mông vì nhận thấy người trẻ không còn mê âm điệu da diết của cái khèn nữa. Nhờ sự nỗ lực của ông đã giúp nhiều người thay đổi cuộc sống. Ông chính là Ma Kháy Sò, ở xã Thái An (Quản Bạ).


Từ vận động xóa sổ “Nàng tiên nâu”...

Với ông Ma Kháy Sò thì dù đã nghỉ hưu nhưng việc làng, việc nước vẫn làm ông nặng lòng; ông luôn tích cực vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ nhiều hủ tục, chỉ cho bà con biết cách làm ăn. Với tâm niệm dù ở vị trí nào cũng phải giữ vững phẩm chất xung kích của người cách mạng theo lời Bác dạy. Ông sinh năm 1930, sinh ra và lớn lên ở xã Thái An (Quản Bạ) đã từng làm Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ năm 1962, làm Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang, rồi tỉnh Hà Tuyên khi sát nhập tỉnh năm 1975, sau đó là Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tuyên từ năm 1981 đến năm 1986 thì nghỉ hưu. Năm nay đã 84 tuổi, song ông vẫn miệt mài tiếp tục cống hiến cho cộng đồng.

 
Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông là một người sắc sảo, nhanh nhẹn có tài ăn nói. Nhìn dáng người nhỏ bé của ông khiến tôi tự hỏi ông lấy đâu ra nhiều sức lực đến vậy để có thể tham gia vào việc vận động nhân dân. Qua trò chuyện, được biết ông đã từng tham gia giúp tỉnh xóa bỏ CTP khi ở tuổi 65. Vào năm 1995, diện tích CTP lớn gấp nhiều lần so với đất trồng lương thực tạo thành cơn lốc nghiện ngập, đói nghèo tàn phá cuộc sống bà con các huyện vùng cao. Ông Sò được tỉnh trưng tập đi vận động nhân dân nhổ bỏ CTP ở xã Đường Thượng (Yên Minh), nơi được xem là điểm nóng có 319 hộ thì đến 329 người nghiện với trên 150 ha CTP; cả Đảng ủy và chính quyền xã đều trồng CTP. Được phân công vào làm việc với xã, ông Sò đã dùng kinh nghiệm công tác lâu năm của mình giải quyết nhanh chóng việc nhổ CTP chỉ trong vòng 1 tuần. Sau khi đến từng nhà nắm bắt tình hình, ông mời các cụ có uy tín ở các thôn, khoảng 100 người đến UBND xã ăn uống, chiếu phim cho họ xem suốt một ngày. Tuyên truyền cho họ biết thuốc phiện hại người bán hết tài sản, vợ chồng treo cổ tự tử... thì các cụ già đều quyết tâm về nhà nhổ bỏ CTP, sau 1 tuần họ đến báo cáo đã nhổ hết 150 ha.


CTP bị xóa sổ, ông lại tham gia vào công tác vận động cai nghiện (CN). Ông tâm sự: “Trong suốt 31 năm làm cán bộ, tôi đã gặp nhiều lần khó khăn, nguy hiểm nhưng việc CN cho người dân ở Đường Thượng là gian khó nhất”. Sau khi vận động được 40 người đến UBND xã CN thì cũng là lúc nước lũ ngập ở Yên Minh, huyện không thể hỗ trợ gạo, tiền và thuốc CN lên. Cả đoàn cán bộ 5 người gồm: 1 bác sĩ trẻ, 1 hộ lý và 3 cán bộ nao núng không biết làm gì, có người muốn bỏ về. Thấy khó khăn quá có lúc ông cũng nản lòng nhưng rồi lại nhắc nhở mình phải quyết tâm làm vì dân đã đồng tỉnh ủng hộ. Rồi ông nghĩ ra cách vay mượn ngô, nồi, niêu, chảo của bà con chờ tiền về sẽ trả sau. Nhờ có uy tín, kế hoạch này đã được người dân ủng hộ nhiệt tình. Sau 1 tuần cầm cự thì huyện thuê được ngựa chở nhu yếu phẩm lên. Khoảng thời gian 3 tháng sau đó phải chăm sóc cho những người lên cơn nghiện vật lộn quằn quại cũng là quá sức đối với một người lớn tuổi như ông. Chính nhờ sự kiên trì làm đến cùng của ông đã trở thành chỗ dựa cho đội ngũ cán bộ trong lúc khó khăn bấy giờ. Công việc CN gần như hoàn thành, cả những người già 70 tuổi không chịu ra cai tập trung cũng tự cai ở nhà thành công. Dù vậy, vẫn có một số nhà chống lại quyết liệt, có nhà sau khi bị nhổ hết CTP thì liền đem vợ con ra nộp cho UBND xã, có người thì đến nằm ăn vạ. Nhờ ông biết cách giải quyết hợp tình hợp lý, tìm hiểu nguyên nhân cặn kẽ, đối với nhà đói ăn thì cho họ gạo, với người chưa hiểu thì phân tích, giải thích. Tới đầu năm 1996, đoàn bác sĩ Trung ương lên kiểm tra, kết quả cai được 54 người, 29 người xuống tỉnh cai, số còn lại tự bỏ vì hết thuốc phiện. Ông Lò Doãn Kiểu, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, là người chịu trách nhiệm về công tác xóa bỏ CTP, cho biết: “Lúc đó việc dẹp bỏ CTP rất gay go, chúng tôi không tìm được người địa phương có kinh nghiệm, khả năng thuyết phục bà con. Sau nhiều lần thảo luận, MTTQ tỉnh lúc ấy đã quyết định nhờ đến ông Sò, chịu trách nhiệm chính trong tổ công tác trực tiếp tại xã Đường Thượng (Yên Minh) để vận động bà con nhổ bỏ CTP. Nhờ tinh thần trách nhiệm của ông mà việc xóa bỏ CTP và CN ở Đường Thường trở thành một mô hình điểm thành công”.


...đến trở thành nghệ nhân thổi khèn Mông

Ngoài khả năng thuyết phục nhân dân, ông còn khiến mọi người cảm phục vì sự chịu khó, ham học hỏi khi bỏ nhiều công sức để học thổi khèn Mông với mong muốn gìn giữ được văn hóa dân tộc mình. Ông đi học thổi khèn, mọi người đều thắc mắc, ông lớn tuổi rồi còn học làm gì? Ông Sò cho biết: “Khi ấy tôi nghĩ rằng nếu không học bài bản để dạy lại cho thế hệ sau thì không lâu nữa sẽ hết người biết thổi khèn, khèn mất là người Mông mất. Nếu muốn bảo tồn văn hóa của người Mông thì phải do người Mông làm”. Bởi vậy, gần 60 tuổi ông tự đi học nghề thổi khèn từ người Mông ở Lào Cai, người Mông đen, Mông hoa ở Hoàng Su Phì, người Mông trắng ở Đồng Văn và còn lặn lội sang tận Trung Quốc. Nhờ nhanh trí, ông tiếp thu được hết mọi kỹ năng của thầy người Trung Quốc chỉ trong một thời gian ngắn. Say sưa với nghề thổi khèn, nhưng việc trở thành nghệ nhân và làm thầy đến với ông rất tình cờ. Năm 2007, tỉnh mở lớp dạy khèn Mông cho thế hệ trẻ theo Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, cán bộ văn hóa tỉnh nhờ ông làm cố vấn cho lớp dạy khèn, rồi thiếu người dạy nên ông trở thành thầy. Năm 2010, tỉnh làm Festival Khèn Mông ở Đồng Văn, tập trung 120 thợ thổi khèn của các tỉnh bạn tới. Mặc dù tất cả các nghệ nhân đều thổi khèn rất hay nhưng không ai dịch được phần tấu, 360 bài khèn truyền thống không ai biết bài nào đi trước lại nhờ ông cùng với các thầy khèn ở Lào Cai thức trắng đêm chọn 10 bài cơ bản và dịch lại lời thì lễ hội mới thành công.


Đến nay, đã 84 tuổi song ông vẫn tiếp tục việc truyền dạy khèn Mông và luôn trăn trở khi thấy hát cọi lượn của người Mông và thầy thổi khèn đã không còn xuất hiện trong đám cưới từ 3 - 4 năm nay. Những người trẻ có trình độ chỉ mê nghe nhạc, xem phim mà không quan tâm đến văn hóa tâm linh nữa. Hay một số thầy thổi khèn hiện nay thường lấy tiền của gia chủ, như vậy là đã đánh mất lịch sử của nghề khèn. Ông tâm sự: “Mong muốn của tôi là đến cuối đời có thể dạy cho thế hệ trẻ tiếp thu được cách thổi khèn Mông”. Vì với ông, cái khèn là văn hóa, văn nghệ, tình cảm và tâm linh của dân tộc Mông; nó được dùng trong đám ma, đám giỗ, đám cưới, văn nghệ... và không có nó thì không có thầy cúng. Theo ông cần phải phục hồi lại nghề thổi khèn do người Mông đứng ra làm nhưng cần có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.


LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người phụ nữ đảm đang, dám nghĩ, dám làm
HGĐT- Với tinh thần “giúp nhau vượt khó, cùng nhau làm giàu” đến nay thôn Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) là một trong những thôn phát triển mạnh mẽ nhất của xã, của huyện. Thôn có 99 hộ, trong đó có tới 21 hộ giàu, 9 hộ trung bình còn lại là hộ khá, đặc biệt năm 2013, thôn không có hộ nghèo. Có tới 60% hộ trong thôn giàu lên nhờ làm kinh tế, chủ yếu chăn nuôi và trồng trọt.
30/04/2014
Cựu binh Hoàng Công Long làm giàu nơi đất khó
HGĐT - Trở về quê hương sau 15 lao động bên đất nước Nga xa xôi, đôi vợ chồng cựu chiến binh (CCB) Hoàng Công Long lại chọn cho mình mảnh đất Mèo Vạc gian khó để phát triển kinh tế gia đình. Đã nhiều lần tưởng chừng phải bỏ cuộc nơi đất khó nhưng với quyết tâm và bản lĩnh của người chiến sĩ năm xưa đã giúp gia đình anh bám trụ nơi mảnh đất biên cương để hiện thực ước mơ làm
29/05/2014
Yêu trẻ cần kiên nhẫn
HGĐT- “Có những lúc cảm thấy mệt mỏi rã rời, thậm chí dao động trước công việc, nhưng vì tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp tôi trụ lại vững vàng, gắn bó và cống hiến với những “chồi non” – tương lai của đất nước. Là cô giáo mầm non yêu trẻ rất cần phải kiên nhẫn”. Đó là lời của cô giáo Hoàng Thị Thanh Huyền trao đổi với chúng tôi trong buổi tổng kết giáo viên dạy giỏi bậc
28/05/2014
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo tấm gương sáng về tinh thần vượt khó
HGĐT- Hàng ngày, trên con đường rợp mát bóng cây vào trường THPT Hùng An, có một người phụ nữ giản dị đi chiếc xe đạp cũ, mái tóc đã bạc và được búi cao; dù đi lẫn giữa dòng người, nhưng mọi người vẫn nhận ra và cúi chào cô với cái tên “Cô Thảo”.
23/05/2014