“Mẹ” Thủy của người dân Sủng Khể
HGĐT- Với những người nông dân ở thôn Sủng Khể, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) thì chị là một “bà đỡ” bởi nhiều lần mang tiền nhà giúp người nghèo khó, cho nuôi rẽ trâu, bò để tạo điều kiện giúp họ thoát nghèo, sẵn sàng cho gạo khi họ thiếu ăn. Câu chuyện hiếm nhưng có thật ấy đều xuất phát từ việc “học tập” và “làm theo” gương Bác Hồ vĩ đại của người phụ nữ dân tộc Dao mang tên Phàn Thị Thủy - người mà bà con nơi đây quý mến gọi làm “mẹ” từ lâu nay.
Tiếp chuyện chúng tôi là một người phụ nữ trung tuổi với dáng người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nước da sạm đen vì nắng nhưng nụ cười thật hiền hậu. Chị Thủy bảo: “Mình đủ ăn mà nhìn người khác đói thì miếng ăn cũng chẳng thấy ngon, tuy không giàu có gì nhưng nhìn người khác khổ thì nhất định phải giúp”. Sinh năm 1966 trên mảnh đất Lũng Chinh gian khó, tuổi thơ của chị Phàn Thị Thủy chẳng mấy êm đềm bởi cảnh “cơm không đủ no, áo không đủ ấm” luôn đeo bám gia đình khi mà nơi đây đá nhiều hơn đất. Là con út trong gia đình có 3 anh em, bố mất sớm, mẹ già yếu nên Thủy đã sớm phải cầm cuốc lên nương giúp gia đình trồng ngô, làm rẫy và cố gắng lắm cũng chỉ theo học cái chữ đến hết lớp 5. Khổ mãi cũng thành quen, nhưng đến năm 18 tuổi, từ khi “bắt” được chồng về ở rể, chị Thủy luôn trăn trở một suy nghĩ làm sao để thoát nghèo? Đôi vợ chồng trẻ đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện về phát triển chăn nuôi và trồng rừng. Đặc biệt, từ năm 2004, chị Thủy trở thành khuyến nông viên ở xóm, được hướng dẫn nhiều kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi nên luôn đi đầu trong các hoạt động. “Ngày ấy, để vận động bà con phát triển kinh tế khó lắm, nói chẳng ai chịu tin nên cũng không ai làm theo. Mình nghĩ, nếu bản thân chưa làm được thì sẽ chẳng kêu gọi được ai”- chị Thủy tâm sự. Vì thế, chị là người đầu tiên ở Sủng Khể lấy ngựa đi mua giống cỏ về trồng. Sau hơn một năm, cỏ chăn nuôi lên xanh cả một khoảnh núi. Với bản tính luôn giúp đỡ người khác, chị đã phân phát giống cho anh em trong gia đình và bà con trong thôn. Có được nguồn cỏ chăn nuôi, gia đình chị chủ động đầu tư phát triển đàn gia súc. Không phụ công người chịu khó, 2 con bò và đàn gà làm vốn ban đầu đã được nhân thêm nhiều, giúp cho gia đình chị nhanh chóng thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đến nay, gia đình chị duy trì nuôi gần 10 con trâu, trên 20 con bò, 3 con ngựa bạch, gần 20 con lợn và hàng trăm con gà, thu nhập bình quân mỗi năm trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, chị còn phát triển 20 ha cỏ, 2 ha chè và 500 cây chuối tiêu. Có tận mắt chứng kiến mới có thể tin rằng, ở nơi “ngẩng mặt thấy đá” này lại có người phụ nữ giỏi giang đến như vậy! Không giữ cho riêng mình, đã nhiều lần chị mang tiền của nhà đến tận hộ gia đình trong thôn để giúp khi họ gặp nạn và chưa một lần cô đòi hỏi hai chữ “trả ơn”. Vì thế mà lâu nay, người phụ nữ ấy được mọi người trong thôn gọi làm “mẹ” một cách tôn trọng và quý mến. “Lúc đầu thấy ngại lắm bởi có người bằng cả tuổi mình cũng gọi là “mẹ Thủy” nhưng lâu dần cũng thành quen” – chị Thủy chia sẻ.
Có lẽ điều mà người phụ nữ miền sơn cước nở nụ cười mãn nguyện nhất chính là những cánh rừng đang ngày một thêm xanh, nơi đó gia đình chị đã đổ nhiều mồ hôi, công sức và tiền của. Chẳng ai bảo nhưng nhìn những mảnh đồi, vạt núi ngày một trơ trọi bởi người dân đốt nương, làm rẫy, nhất là khi nguồn nước “cứu cánh” của thôn dần vơi cạn đã khiến người phụ nữ Phàn Thị Thủy nghĩ đến việc trồng rừng để giữ nước. Trên diện tích nương rẫy được chia khoảnh của gia đình trước đây, chị Thủy đã bỏ tiền thuê thêm 11 hộ gia đình phát cỏ, trồng cây Keo. Thật chẳng may khi cây lần lượt bị chết do sự khắc nghiệt của khí hậu. Không chấp nhận thất bại, chị tiếp tục vay tiền mua giống cây Sa mộc và trồng trong vòng một năm được 19 ha. Bên cạnh đó chị còn nhận khoanh nuôi, bảo vệ 94 ha rừng. Chính vì thế mà người dân nơi đây luôn khâm phục người phụ nữ đã giúp cho những cánh rừng được “hồi sinh”.
Nay đã ở gần tuổi ngũ tuần nhưng chị Phàn Thị Thủy chưa bao giờ hết ý nghĩ phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ người khác. Bởi với chị, mang đến niềm vui cho người khó khăn cũng là mang đến niềm vui cho bản thân mình. Thật không sai khi lâu nay chị trở thành “bà đỡ” của người dân nghèo. Mới đây, chị vinh dự là một trong những đại biểu tiêu biểu của tỉnh trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Chủ tịch nước gặp mặt và biểu dương. Đã hơn một lần, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Chinh Tống Mạnh Cường khẳng định khi nói về chị Phàn Thị Thủy: “Nỗ lực, chủ động trong phát triển kinh tế và có một tấm lòng “tương thân, tương ái” hiếm thấy. Trong khi cuộc sống của đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn thì ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn cần có những tấm gương như thế!”.
Ý kiến bạn đọc