“Có các cháu, tôi mới là cô giáo...”
HGĐT- Đó là lời tâm sự mộc mạc của cô giáo Viên Thị Nghiêm, giáo viên điểm trường Mầm non Lao Chải, xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) nói với chúng tôi khi vừa cho các cháu ngủ trưa, cô vừa tranh thủ dọn dẹp lại lớp học để chuẩn bị cho buổi học chiều. Nhìn các cháu hồn nhiên đi vào giấc ngủ, chúng tôi cũng vơi đi phần nào mỏi mệt sau chặng đường dài, và cô Nghiêm cũng thảnh thơi đôi chút để trải lòng.
Là một người con dân tộc Tày của thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), xuất thân trong một gia đình thuần nông, cô rất hiểu sự vất vả của những người nông dân một nắng hai sương. Nhưng cô biết, ở huyện nhà còn rất nhiều những đứa trẻ thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu cả “cái chữ”. Cô ấp ủ một ước mơ được trở thành cô giáo dạy trẻ... Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, cô về công tác tại trường Mầm non xã Bát Đại Sơn, và được phân công dạy ở điểm trường Thào Chu Phìn (cách trường chính 10km), sau 2 năm, cô chuyển về dạy ở điểm trường Lao Chải.
Nghiêm luôn cảm thấy mình may mắn vì được làm cô giáo, hoàn cảnh gia đình cô còn nhiều khó khăn, chồng làm nghề lao động tự do, con gái của Nghiêm hiện được 8 tuổi bị bại lão bẩm sinh. Hàng ngày, hết giờ ở lớp cô còn dành thời gian chăm sóc con. Trong suy nghĩ của cô luôn khắc sâu trách nhiệm của một người giáo viên và tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ. Cho đến bây giờ, cô vẫn còn nhớ như in cái cảm giác ngày đầu tiên đi dạy học: với bao nhiệt huyết của tuổi trẻ, chuẩn bị bài giảng chu đáo, tâm lý sẵn sàng, nhưng khi đến lớp chẳng có trò nào đến học. Bao nhiêu hoài bão, ước mơ được học trò gọi là “cô giáo” bỗng chốc vụt tắt. Cô thẫn thờ nhìn phòng học trống trơn... Nhận thấy ý thức của đồng bào nơi đây về việc đưa con đến trường còn hạn chế, cô đến tận nhà trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân vì sao các cháu nghỉ học và vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Lớp của cô có 9 cháu từ 3 đến 5 tuổi thì có đến 5 cháu nhà cách điểm trường 5km đường rừng núi. Thời tiết khắc nghiệt, những hôm trời mưa rét cắt da thịt, nhìn các cháu run rẩy lội mưa mà cô tự trách mình không giúp được gì. Bao nhiêu lần cân nhắc, sắp xếp việc gia đình, cô đã bàn với Trưởng thôn và các bậc phụ huynh cho các cháu ăn ngủ tại trường, sáng thứ 2 đầu tuần cô đến tận nhà đón các cháu đến lớp và ăn, ngủ, ở, sinh hoạt cùng cô đến chiều thứ 6 phụ huynh đến đón về nhà... Cứ như thế ròng rã hai năm trời, Nghiêm vừa là cô giáo, vừa làm mẹ chăm sóc các cháu từ bữa ăn đến giấc ngủ. Điểm trường lại thiếu nước sinh hoạt, thấy vậy, các bậc phụ huynh mỗi lần đến đón trẻ lại mang theo một chai nước để cô và các cháu có nước dùng. Hiểu và đồng cảm với vất vả trong cuộc sống mưu sinh của người lớn, cô thường xuyên chuyện trò, vận động người dân hiểu lợi ích cho con em đi học để có tương lai tốt hơn. Hơn nữa, các cháu đến trường được cô giáo chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ, dạy dỗ nên người.
Được chuyển về điểm trường Lao Chải, tuy có gần trung tâm xã hơn so với Thào Chu Phìn nhưng đây cũng thuộc vùng sâu, vùng khó khăn, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trẻ em đến trường hầu như chưa biết nói tiếng phổ thông nên cô giáo rất vất vả khi truyền tải kiến thức tới cho trẻ. Hầu như cô phải sử dụng hai thứ tiếng, dạy tiếng phổ thông xong dạy lại tiếng Mông để cho trẻ hiểu ý nghĩa câu chữ. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn tìm tòi, sáng tạo, tổ chức những tiết học thật sinh động và gần gũi với cuộc sống ở xung quanh. Các cháu mới đến tuổi ra lớp rất nhút nhát và hay khóc. Như một người mẹ hiền, cô đã gần gũi, ân cần vỗ về giúp các cháu vượt qua sự e dè, sợ sệt. Điểm trường còn nghèo, đồ chơi và phương tiện dạy học còn thiếu nên ngày thì lên lớp, tối về cô lại cặm cụi bên ngọn đèn dầu gập, cắt, tạo đồ chơi cho buổi học ngày mai. Trong giờ học, cô luôn chủ động và linh hoạt, tổ chức nhiều trò chơi cho các cháu với những trò chơi dân gian, múa hát, đọc thơ rất bổ ích. Cô bảo: Nếu không có các cháu thì mình đâu phải là cô giáo, thế nên dù có vất vả, khó khăn đến đâu cũng phải làm những điều có lợi nhất cho các cháu. Hơn ai hết cô hiểu rằng, chất lượng học tập của các bé bắt đầu từ chất lượng giáo viên. Để nhận được lòng tin của phụ huynh, không gì khác ngoài chất lượng học tập và chăm sóc các bé thật tốt...
Với lòng say mê nghề nghiệp và trách nhiệm của mình, cô giáo trẻ Viên Thị Nghiêm đã góp phần vào nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc học mầm non, đẩy mạnh phong trào khuyến học ở xã Bát Đại Sơn, được phụ huynh tin yêu. Trong 4 năm giảng dạy cô luôn đạt Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến được ngành GD&ĐT tỉnhbiểu dương.
Ý kiến bạn đọc