“Viết” lại cuộc đời
(Xuân Giáp Ngọ)- Nhiều người vẫn ví: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ” để nhắc nhở ta, tuổi trẻ chính là quãng thời gian đẹp nhất, đong đầy nhiệt huyết, trọn vẹn khát khao để cống hiến cho quê hương, đất nước. Thế nhưng, khởi đầu tuổi trẻ của anh Nguyễn Văn Hoàng, thôn Nà Thài, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) lại sớm vướng vào vòng lao lý... 22 tháng trong trại giam đủ giúp anh “nhìn thấu” quá khứ lỗi lầm để tô đậm quyết tâm “viết” lại cuộc đời ngoài song sắt.
25 Tết, những xe tải chở ván gỗ xuất khẩu nối thành hàng nơi Cửa khẩu Quốc gia (CKQG) Thanh Thủy (xã Thanh Thủy-Vị Xuyên) vẫn chờ nhân côngTổ bốc, xếp hàng hóa của anh Nguyễn Văn Hoàng, chất đủ hàng chở về nơi tiêu thụ. Hòa mình vào công việc như bao anh em khác, không bộc lộ “khí chất” của một người quản quân, ít ai nhận ra anh Tổ trưởng Nguyễn Văn Hoàng. Năm 2009, với bản chất thật thà, chất phác, anh Hoàng từ một nhân công bình thường, làm công việc bốc, xếp hàng thuê ở CKQG Thanh Thủy được các chủ hàng tín nhiệm cho đứng ra nhận và quản quân để đảm nhiệm việc bốc, xếp hàng hóa xuất khẩu. Những ngày nông nhàn, nhiều anh, em trong huyện Vị Xuyên và các tỉnh bạn như: Lào Cai, Yên Bái đã tìm đến anh để “nhập quân”. Thời điểm nhiều việc, số lượng người tham gia lên đến 200 người. Ngày thường, Tổ duy trì con số trên 60 người tham gia bốc, xếp hàng hóa. Những nhân công của anh đa phần là những người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhưng với uy tín, trách nhiệm của người quản quân, anh Hoàng đã giúp nhân công trong tổ yên tâm lao động và hưởng thù lao xứng đáng. Giúp họ có mức thu nhập từ 2-6 triệu đồng/người/tháng (phụ thuộc vào số ngày công và khối lượng công việc trong 1 tháng). Nhiều người trong số họ từ đôi bàn tay trắng giờ đã có cuộc sống vật chất sung túc hơn.
Anh Hoàng tham gia bốc, xếp hàng hóa cùng anh, em trong Tổ.
Nhìn những hành động và việc làm của anh như hiện tại, ít ai nghĩ anh Hoàng đã từng có quá khứ bất hảo. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nếm trải mọi tủi cực khi cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm đã đẩy anh vào cảnh “túng làm liều”. Năm 1992, chàng trai trẻ ấy vừa bước qua tuổi 20 đã tham gia vào đường dây buôn bán vũ khí trái phép để có tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Rồi ân hận về việc làm phạm pháp ấy, anh tự đến cơ quan chức năng đầu thú. Khi được hưởng án treo, cuộc sống vẫn là chuỗi ngày dài đói khổ, khiến anh sa chân vào “băng nhóm trộm cắp vặt”, với vai trò tiêu thụ đồ phạm pháp do “đồng bọn” kiếm được để bán ra thị trường kiếm tiền lãi. Việc làm ấy được diễn ra kín đáo, chuyên nghiệp khiến dân làng hoang mang trong suốt một thời gian dài. Song “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa khó lọt”, năm 1996, một đồng bọn của anh sa lưới pháp luật khiến băng nhóm bị lật tẩy và tan rã. Từ đây, anh bắt đầu cuộc sống mới... trong song sắt. Với hành vi vi phạm pháp luật của mình, anh lãnh án 30 tháng tù tại Trại giam Phú Linh (Hà Giang). Sau đó một thời gian, anh được di lý về Trại giam Vĩnh Quang (tỉnh Vĩnh Phúc). Ngày lên xe về trại, nhìn khuôn mặt khắc khổ của người mẹ già khiến anh Hoàng bật khóc: “Mẹ ơi! Con hứa sẽ làm lại cuộc đời”...
Trong thời gian chịu án phạt, anh Hoàng đã cố gắng cải tạo tốt, được ân xá trở về địa phương trước thời hạn 8 tháng. Ngày trở về, không chỉ mặc cảm với quá khứ lỗi lầm, anh còn chịu cảnh cơ cực “gà trống nuôi 2 con thơ” khi vợ anh vừa vĩnh viễn yên nghỉ nơi vĩnh hằng. Đôi bàn tay trắng cùng nhiều nỗi đau khiến cuộc sống của anh không ngừng dậy sóng. Cùng với sự động viên, chia sẻ của chính quyền địa phương; năm 2000, thương anh Hoàng có hoàn cảnh éo le và tin tưởng vào quyết tâm hoàn lương của anh, chị Nguyễn Thị Thành (quê ở tỉnh Nam Định) đã chấp nhận se duyên, cùng anh san sẻ những gánh nặng gia đình. Những việc làm ấy đã giúp anh vững tin tái hòa nhập cộng đồng để “viết” lại cuộc đời. Giờ đây anh Hoàng đã có một gia đình yên ấm, hạnh phúc với cuộc sống đủ đầy về vật chất.
Trong không khí nhanh tay bốc, xếp những xe hàng cuối năm của Tổ bốc, xếp hàng hóa, cậu thanh niên Nguyễn Văn Huấn, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) tâm sự: “Ở đây, nhiều nhân công như em vừa rời ghế nhà trường, không có điều kiện theo học các trường chuyên nghiệp đã tìm đến làm việc cùng bố Hoàng. Không chỉ tạo việc làm ổn định, bố còn dạy chúng em những điều hay, lẽ phải để không gục ngã trước hoàn cảnh khó khăn”. “Bố Hoàng”, chính là tên gọi thân mật và đầy kính trọng của bao thanh niên trong Tổ dành cho anh. Không phủ nhận những tình cảm ấy, anh Hoàng chia sẻ: “Cuộc sống nghèo, thiếu lý chí đã đẩy mình đến lầm lỗi. Mình không muốn bất cứ ai trong hoàn cảnh ấy đi theo vết xe đổ của mình”...
Câu chuyện giữa chúng tôi gián đoạn khi ca khúc “Chúc Tết” bất chợt vang lên từ một cơ quan ở gần đó: “Mùa xuân sang ta chúc nhau/Bao ước muốn, bao hy vọng/Cùng rủ nhau mau bay về... Mùa Xuân sang ta chúc nhau... Xoá ưu tư dài đêm Đông/Ta hãy cùng chúc mừng Xuân về”. Nhìn nụ cười hiền nở trên đôi môi đang mấp máy theo lời bài hát của anh Hoàng khiến chúng tôi không khỏi bồi hồi khi sắc thắm hoa đào đang hé nụ trên những cành lộc biếc. Phải chăng, bước qua quá khứ lỗi lầm chính là khởi đầu lại mùa xuân của cuộc đời một con người! Khởi đầu ấy như cành lộc biếc, vượt qua Đông giá lạnh để đơm hoa, kết trái khi mùa Xuân về.
Ý kiến bạn đọc