Người “giữ lửa” văn hóa dân tộc Nùng
HGĐT - Cộng đồng người dân tộc Nùng ở Xín Mần có rất nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo được thể hiện qua các điệu múa, câu hát và phong tục, nghề truyền thống... Tuy nhiên, hiện nay một số nét văn hóa đang dần bị mai một. Nhận thấy vai trò, trách nhiệm to lớn của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình, nghệ nhân Nùng Thanh Lương, thôn Na Hu, xã Tả Nhìu đang ngày ngày “giữ lửa” văn hóa dân tộc Nùng truyền dạy cho các thế hệ sau.
Người dân thôn Na Hu thường gọi nghệ nhân Nùng Thanh Lương là “ông Lương nghệ nhân” hay có người yêu quý, kính phục hơn còn gọi ông là “Bố”. Là một nghệ nhân dân gian, trước kia ông Lương đã có thời gian dài công tác ở nhiều cơ quan của huyện Xín Mần và xã Tả Nhìu. Thời còn công tác, ông Lương được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều bản sắc văn hóa của các dân tộc, vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, ông không bao giờ quên nhắc nhở mình là một người con của dân tộc Nùng và các giá trị văn hóa dân tộc đã được cha ông truyền dạy. Cũng trong quãng thời gian công tác, được đi nhiều, thấy nhiều, ông nhận thấy bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Nùng đang dần bị mai một, mất đi bởi sự phát triển nền kinh tế thị trường, sự pha trộn văn hóa nước ngoài... Tự nhận thấy cần phải gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, ngoài những gì ông được truyền dạy từ cha ông, ông đã không ngừng tìm hiểu thêm về những nét văn hóa đã bị mai một để tìm cách khôi phục.
Với những gì biết về văn hóa dân tộc mình, ông đã truyền dạy lại cho các con, cháu và một số thanh niên trong thôn, xã qua các điệu múa, bài cúng trong các buổi lễ, hội truyền thống của người Nùng. Đặc biệt ông truyền dạy cho hơn 10 người biết “Múa ngựa giấy”, đây là điệu múa truyền thống của người Nùng xã Tả Nhìu trong các lễ hội, tập tục truyền thống và được tỉnh, huyện tuyên dương, tặng bằng khen vì sự độc đáo của nó. Hơn nữa, hàng năm, vào tháng 1, tháng 7 (âm lịch), trong thôn thường có nhiều buổi lễ, tập tục truyền thông nên ông thường kết hợp tổ chức truyền dạy cho con cháu và các thanh niên trong thôn các giá trị, bản sắc của người Nùng. Những dịp gia đình nào trong thôn có việc, hay khi thôn, xã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ông luôn tham gia, bởi đây là dịp để ông giúp các thế hệ trẻ hiểu thêm văn hóa dân tộc mình. Ông Lương chia sẻ: “Trước kia đi làm nhà nước mình không có nhiều thời gian nhưng bây giờ nghỉ hưu rồi, phải dạy cho con, cho cháu biết bản sắc dân tộc mình, nếu không, sợ mình chết đi không ai còn biết mà dạy cho chúng”.
Trong thôn, xã, ông Lương luôn là người đầu tiên được tin tưởng, giao trọng trách và có trách nhiệm lớn nhất trong việc làm sống lại những nét văn hóa theo đúng truyền thống của dân tộc Nùng. Ông luôn được người dân trong thôn, trong xã kính nể và quý mến. Ai có dịp về với thôn Na Hu, xã Tả Nhìu (Xín Mần) hỏi “ông Lương nghệ nhân”, không ai là không biết bởi ngoài là nghệ nhân dân gian, ông còn được tin tưởng giao trách nhiệm Bí thư chi bộ thôn, mọi người luôn yêu quý, xem ông là người già uy tín, có trách nhiệm với cộng đồng, là gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ý kiến bạn đọc